Ý cầu nguyện tháng 5 của ĐTC Phanxicô: 'Cầu nguyện cho thế giới tài chính'

unnamed

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra Ý cầu nguyện của mình trong tháng 5 năm 2021, đồng thời kêu gọi các nhà quản lý hạn chế đầu cơ trên thị trường tài chính và bảo vệ người dân bình thường.

“Nền kinh tế đích thực, nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm, đang gặp khủng hoảng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra ý định cầu nguyện của mình trong tháng 5 năm 2021 với lời cảnh báo này.

“Biết bao nhiêu người hiện đang thất nghiệp!”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nhưng thị trường tài chính chưa bao giờ lạm phát như bây giờ”.

Sự kiểm soát cần thiết

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục lưu ý rằng cơ sở tài chính cấp cao, nếu không được kiểm soát và bị bỏ mặc, sẽ trở thành “sự đầu cơ thuần túy được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ khác nhau”.

“Tình trạng này quả thực không bền vững. Và nó thật hết sức nguy hiểm”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Để người nghèo không phải gánh chịu những hậu quả đau đớn từ hệ thống này, việc đầu cơ tài chính phải được điều tiết một cách cẩn trọng”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại sự nhấn mạnh của Ngài về thuật ngữ “đầu cơ”.

Sự công bằng và nền kinh tế

 Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng chớ gì tài chính có thể trở thành một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người.

“Chớ gì tài chính có thể trở thành một hình thức phục vụ, và một công cụ để phục vụ người dân, và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta!”.

 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi mọi người thúc đẩy một hình thức kinh tế công bằng và bền vững hơn và không bỏ lại ai phía sau.

“Chúng ta có thể làm được việc này!”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định. “Và chúng ta hãy cầu nguyện để những người phụ trách lĩnh vực tài chính sẽ cộng tác với các chính phủ để điều chỉnh thị trường tài chính cũng như bảo vệ công dân khỏi những đe dọa của nó”.

Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng

Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng, chịu trách nhiệm chuẩn bị “Video của Đức Giáo hoàng” mỗi tháng, đã phát hành một tuyên bố báo chí kèm theo ý cầu nguyện trong tháng Năm.

Nó liên kết mối bận tâm của Đức Thánh Cha đối với các thị trường sôi động với tình trạng bất bình đẳng đã trở nên tồi tệ hơn bởi đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo, GDP toàn cầu (Tổng sản phẩm quốc nội) đã bị sụt giảm mạnh nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, với hàng triệu người mất việc làm hoặc bị cho nghỉ việc.

Nền tài chính vì thiện ích chung

 Trong một bức thư gần đây gửi Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã than phiền về việc loại trừ những người bị gạt ra bên lề xã hội khỏi thị trường tài chính.

Đây chính là lý do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra đối với sự cần thiết phải điều chỉnh thị trường tài chính, ngõ hầu làm cho chúng hoạt động “vì các mục tiêu xã hội” và thiện ích chung.

Như tuyên bố báo chí đã lưu ý, “Tự do thị trường và đầu cơ thuần túy không thể giải quyết kiểu vấn đề này vì chúng không xem xét sự bất bình đẳng trong cấu trúc xã hội”.

Thay vào đó, các chính phủ cần nỗ lực hướng tới việc đặt “phẩm giá con người trở lại trung tâm” của các mô hình và thị trường tài chính.

Dưới đây là nội dung Ý cầu nguyện tháng 5 của ĐTC Phanxicô:

“Nền kinh tế đích thực, nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm, đang gặp khủng hoảng. Biết bao nhiêu người hiện đang thất nghiệp! – Nhưng thị trường tài chính chưa bao giờ lạm phát như lúc này.

Thế giới tài chính cao sang khác xa với cuộc sống của những người dân bình thường biết bao!

Nếu tài chính không được kiểm soát, nó sẽ trở thành sự đầu cơ thuần túy được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ khác nhau.

Tình trạng này quả thực không bền vững. Và nó hết sức nguy hiểm.

Để người nghèo không phải gánh chịu những hậu quả đau lòng từ hệ thống này, việc đầu cơ tài chính phải được điều tiết một cách cẩn trọng.

Sự đầu cơ. Tôi muốn nhấn mạnh thuật ngữ đó.

Chớ gì tài chính có thể trở thành một hình thức phục vụ, và một công cụ để phục vụ tất cả mọi người, và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta!

Chúng ta vẫn còn thời gian để bắt đầu quá trình thay đổi toàn cầu để thực hành một loại hình kinh tế khác, một loại hình kinh tế công bằng hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn — và không bỏ lại ai phía sau.

Chúng ta có thể làm được việc này! Và chúng ta hãy cầu nguyện để những người phụ trách lĩnh vực tài chính sẽ cộng tác với các chính phủ để điều chỉnh thị trường tài chính cũng như bảo vệ công dân khỏi những đe dọa của nó”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube