“Vui mừng” bầu cử và “hy vọng” cá thôi chết

Ưu sầu và lo lắng của hơn 90 triệu đồng bào Việt Nam khắp năm châu vào lúc này, ngay tại đây chính là thảm họa ô nhiễm môi trường khiến cá và tất cả các loài thủy sinh bị hủy diệt dọc bờ biển miền Trung. Phải chăng đang có cái gì đó thực sự là của con người – những người Việt Nam khốn khổ, mà vẫn chưa tìm được âm hưởng trong lòng những người cho rằng mình là môn đệ Chúa Kitô?

Lầu Nhật Phong - công dân Việt Nam 26 tuổi, gốc Hoa - tọa kháng phản đối chính quyền không đưa ra nguyên nhân cá chết. "Ngày nào Việt Nam còn chưa được tốt đẹp, ngày đó còn tranh đấu. Con yêu Việt Nam".

Lầu Nhật Phong – công dân Việt Nam 26 tuổi, gốc Hoa – tọa kháng phản đối chính quyền không đưa ra nguyên nhân cá chết. “Ngày nào Việt Nam còn chưa được tốt đẹp, ngày đó còn tranh đấu. Con yêu Việt Nam”.

1. Ánh bình minh nơi người trẻ

Câu trả lời mà kẻ đang cầm quyền trên đất nước này dành cho những người mẹ, những đứa trẻ, những thanh niên yêu biển sạch, muốn cá sống, đòi minh bạch về nguyên nhân cá chết – đó là đàn áp thẳng tay. Những ngày nhân dân xuống đường sau thảm họa cá chết, thể hiện chính kiến bảo vệ môi trường, đồng nghĩa với bảo vệ sự an nguy quốc gia, cho thấy họ tin nên rất nhạy bén với sự thật. Sự thật là gì, tại sao cá chết, vẫn đang tiếp tục bị che đậy, đồng thời càng làm tăng áp nỗi uất hận của dân chúng.

Khủng hoảng này đáng lẽ phải được những người đang giữ trọng trách với đất nước nhìn ra cơ hội “nhân dân chọn ai vì quyền lợi dân tộc” chứ không phải cố nhìn thấy âm mưu “lợi dụng môi trường” để “lật đổ chính quyền”. Những đứa trẻ bị hành hung, bị giằng ra khỏi vòng tay cha mẹ trong ngày 8/5 sẽ lớn lên với lời giải thích “hôm đó con bị đánh, bị bắt bớ vì con đi kêu gọi bảo vệ môi trường” sao? Sau khi hình ảnh ôm con thét gào vì bị đánh, bị đạp trong lúc biểu tình ôn hòa ở Sài Gòn lan đi khắp thế giới, Uyên “Bee” phải ra sức chứng minh “đằng sau” họ không có thế lực chính trị nào. Họ chỉ là những doanh nhân, những người đàn bà trẻ bỗng một hôm coi báo rồi ngồi ứa nước vì cá tôm chết trắng phau bờ biển, họ xuống đường để bảo vệ màu xanh cho quê hương.

Qua khủng hoảng Vũng Áng, bình minh của đất nước dường như ló dạng khi trong nhân dân, đặc biệt những thế hệ “9x, 10x” theo cách gọi của họ, vẫn còn đó những vóc dáng của hào kiệt Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Đinh Bộ Lĩnh… Xem hình ảnh tọa kháng đòi chính quyền nói rõ nguyên nhân cá chết của Lầu Nhật Phong, Mạc Vĩ Lực sẽ thấy họ tha thiết, sốt ruột với đất nước dường nào. Đặc biệt, buổi đối đáp của Lầu Nhật Phong với đại diện các ban ngành đoàn thể phường 5, quận 11 (Sài Gòn) khiến ai có lương tri xem cũng phải thán phục và tự hổ thẹn trước tinh thần thép của người thanh niên gốc Hoa này. Chàng trai sinh năm 1990 khẳng định tọa kháng là quyền, công dân được phép làm những gì mà luật pháp không cấm, đánh người là tội ác… Trước đó, khi tọa kháng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vào đêm 5/5, Lầu bị công an đưa vào đồn và đánh hội đồng. Bạn trẻ gửi thông điệp của mình trên Youtube với kiểu chào của hướng đạo sinh: “Con là Lầu Nhật Phong, một công dân Việt Nam, con xin hứa ngày nào Việt Nam còn chưa được tốt đẹp, ngày đó con còn tranh đấu. Con yêu Việt Nam. I love Việt Nam”.

2. Vô cảm như… tuần tin hội đồng

Chúa nhật 8/5, người biểu tình bị lùa như đàn gà con dưới chân Đức Nữ vương Hòa Bình. Con đường phía trước Đức Maria - con đường Đồng Khởi, đường Tự Do xưa - bị khóa chặt bởi hàng rào kẽm gai. Ảnh: Blog Phanxinê

Chúa nhật 8/5, người biểu tình bị lùa như đàn gà con dưới chân Đức Nữ vương Hòa Bình. Con đường phía trước Đức Maria – con đường Đồng Khởi, đường Tự Do xưa – bị khóa chặt bởi hàng rào kẽm gai. Ảnh: Blog Phanxinê

Một sự kiện ít người biết vào sáng 8/5 tại Công trường Công xã Paris (quận 1, Sài Gòn) khi đám đông biểu tình bị tấn công, chia cắt, đàn áp. Một số công an mặc thường phục đã xâm nhập bất hợp pháp vào nhà xứ nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn. Cổng nhà xứ đóng kín, lấy lý do “phải bắt” những người đứng phía trong sân nhà xứ đang quay phim chụp hình, công an đã đạp cổng. Sau đó, họ trèo qua bờ tường vào bên trong. Nhân viên nhà xứ ngăn cản việc bắt người, nhưng không được, đành phải gọi cho an ninh bảo vệ chính trị can thiệp. Cánh an ninh đến thì mọi việc được vãn hồi. Không ai bị bắt, công an chỉ yêu cầu xóa hình ảnh trên máy chụp hình, điện thoại. Phía công an phải xin lỗi cha phụ trách. Những người mà công an định bắt chỉ là những giáo dân tham dự thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa.

Thật ngẫu nhiên, các cuộc biểu tình ở Sài Gòn thường xuất phát từ khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà, nơi có tượng Nữ Vương Hòa Bình với ánh mắt và đôi chân luôn cất bước hướng về phía trước, phía con đường mang tên Đồng Khởi – trước đây nó mang tên Tự Do. Những hành động đồng khởi, những giá trị tự do, hòa bình như thế đã bắt đầu lan tỏa trong nhân dân hơn 1 tháng nay, kể từ ngày cá bắt đầu chết hàng loạt ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế.

Cũng đã hơn 1 tháng nay, không ngày nào không nghe thêm tin tức cá tiếp tục chết ở mức độ rộng hơn, nghiêm trọng hơn.

Mới nhất, sáng ngày 8/5, người dân xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh phát hiện một con cá lạ, mang hình dáng một con rồng, chết trôi dạt vào bờ. Theo Wikipedia, con cá này thuộc loài oarfish, phân bố ở tầng mesopelagic (tầng chạng vạng, khoảng 1.000m dưới mặt nước biển). Một bạn trẻ Công giáo đặt nghi vấn: “Một con oarfish chết thì chưa nói lên được gì, nhưng mà nó là cá biển sâu 1.000m… Có khi nào kim loại nặng thải xả láng tháng trước đã chìm xuống hãm hại nó phải tức tưởi chết trồi lên không”?

Hôm 9/5, hàng ngàn con cá nuôi lồng bè ở huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) lại trơ bụng ra chết (?).

Nhà nước chưa có kết luận về Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì tiếp tục có thêm tố cáo về hồ chứa đầu nguồn đang bị ô nhiễm do xả thải từ Công ty MeiSheng tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Người dân hết sức lo lắng về sự an toàn của mình vì đây là nguồn nước sinh hoạt của họ.

Hơi thở khó nhọc từ những vùng biển chết, từ ngư dân, từ tương lai dân tộc đang phả ra sức đốt nóng hàng triệu trái tim yêu nước. Thế nhưng vẫn có thái độ vô cảm thể hiện qua cách thức kinh điển “không thấy, không nghe, không nói”. Mãi cho đến số 24 ra ngày 5/5, Tuần tin Hội đồng Giám mục Việt Nam không hề có một dòng tin tức, bài vở nào về thảm kịch môi trường, cá chết và sự khốn đốn của ngư dân (?). Bản tin in 4 trang này chỉ duy nhất đăng tải lá thư kêu gọi góp tiền cho Caritas của Đức Cha Chủ tịch, xem như giải pháp cụ thể để người Công giáo thực thi trách nhiệm trước thảm họa môi trường, mà thôi.

3. Hãy “sử dụng tự do lá phiếu của mình”

Người dân bị đàn áp trong cuộc biểu tình vì môi trường 8/5/2016

Người dân bị đàn áp trong cuộc biểu tình vì môi trường 8/5/2016

Nói các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Việt Nam không công khai bày tỏ mối quan tâm đến các vấn đề lớn lao của đất nước suốt hơn 1 tháng qua ngoài lá thư nói trên của Đức Cha Chủ tịch, cũng có phần không chính xác. Gần đây có thêm lời kêu gọi của Đức Cha Xuân Lộc: “Tôi mời gọi anh chị em tích cực tham gia việc bầu cử”.

Nhưng…

Xin dành việc đúng sai cho các đấng có phẩm trật, chỉ xin nói lên cái cảm giác “sập ổ gà” của một giáo dân, rằng không nhẽ hiện chỉ có vấn đề bầu cử Quốc hội là duy nhất chính đáng để quan tâm, để tham gia, để cầu nguyện cho quê hương, đất nước vào lúc này?

“Mọi công dân phải nhớ tới quyền lợi và đồng thời là bổn phận của họ trong việc sử dụng tự do lá phiếu của mình để mưu cầu công ích. Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng và tránh nhiệm này”, theo giáo huấn của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 75.

Giáo huấn dậy “sử dụng tự do lá phiếu của mình”, nghĩa là tôi có quyền sẽ điền vào tên người tôi muốn, hoặc có thể bỏ phiếu trắng, hoặc có thể gạch chéo biến lá phiếu thành không hợp lệ và hoặc tôi cũng có quyền không đi bầu, vứt lá phiếu vào sọt rác.

Bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo đã trích dẫn các thông điệp của các triều đại Giáo hoàng để bàn về giá trị của tự do – như một biểu hiện cho tính độc đáo của con người. Trong bất cứ trường hợp nào, tự do cũng phải được thực hiện theo phương cách đề cao tinh thần trách nhiệm, vì những giới hạn do ích chung và trật tự xã hội đặt ra. “Ngược lại, cũng phải bày tỏ sự tự do như một khả năng biết khước từ điều tiêu cực về mặt luân lý, dù nó được nguỵ trang dưới chiêu bài nào” (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Đệ Bách Chu Niên). Chẳng hạn, theo giáo huấn, đó là “khả năng tránh xa những gì có thể gây trở ngại cho sự phát triển cá nhân, gia đình và xã hội”. Và “tự do sung mãn chính là có khả năng làm chủ bản thân bằng cách nhìn đến ích lợi thật sự, trong khuôn khổ công ích phổ quát”, (Đức Gioan XXIII, Thông điệp Hoà Bình Trên Thế Giới).

Do vô tình hay hữu ý, nếu chỉ có bầu cử là quan trọng, liệu chúng ta đã quá vô tâm với thảm họa môi trường, với trẻ em phụ nữ bị đánh đập, với ngư dân đang dần mất biển cả…? Ngay lời mở đầu trứ danh của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã khẳng định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô. Và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”.

Vậy ưu sầu và lo lắng của người Việt Nam hôm nay là gì? Có thể liệt kê dài như lịch sử 4 nghìn năm của dân tộc: môi trường sống bị đe dọa, mất nghề cá, đồng bằng bị ngập mặn, thực phẩm độc hại tràn lan, tham nhũng vô phương cứu chữa, lãng phí, thất thoát, chủ quyền bị xâm phạm, nguy cơ ngoại xâm, người dân mất đất, mất quyền, mất tiếng nói, phải tị nạn giáo dục, tị nạn y tế…

Có cái gì không phải là con người trong những ưu sầu và lo lắng này?

Ước mong tất cả những thực tại rất của con người ấy ở đất nước này, sẽ tìm được âm hưởng vang dội của nó trong lòng những người xưng mình là môn đệ Chúa Kitô!

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng khẳng định một thông thiệp duy nhất của Tin Mừng, đó là với hành động bằng tình yêu và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô để thế giới này – trong đó có những người nghèo toàn tập, có người di tản buồn, có người dân oan, có những người tù rạc vì tranh đấu cho tự do, dân chủ v.v. – hết đau buồn và thất vọng.

Cam Châu

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube