Vì thương mà đôi khi Thiên Chúa phải giận dữ

ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER

VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (IX)

Thiên Chúa luôn thương xót, nhưng con người nhiều khi nghĩ sai về Ngài

Thiên Chúa đã tỏ lộ trọn vẹn lòng thương xót của Người đối với con người ngang qua đời sống, sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, cách riêng ngang qua cuộc Vượt Qua – Chết và Phục Sinh – của Ngài. Lẽ ra con người phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi họ đã gây ra, nghĩa là họ phải chịu lấy cái chết đời đời do bởi tội của họ, nhưng nay với biến cố Chết – Phục Sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa vì lòng thương xót mà gánh lấy án phạt của tội lỗi con người vào nơi mình. Nói chính xác hơn, Thiên Chúa ở trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô, đi vào chốn khốn cùng nhất của nhân loại là sự chết do hậu quả của tội gây nên để từ chốn khốn cùng đó, Người công bố cuộc vượt thắng của lòng thương xót của Người trên án phạt của tội lỗi nhân loại bằng cách Người cho Con của Người phục sinh từ trong kẻ chết.

Thiên Chúa của Tân Ước trọn vẹn lòng thương xót với con người như thế, nhưng có một vấn nạn được đặt ra ngay từ buổi sơ khai của Hội Thánh, đó là Thiên Chúa của Cựu Ước có vẻ không giống với Thiên Chúa của Tân Ước. Những người theo ngộ đạo thuyết Marcion ở thế kỷ II thậm chí còn đi đến chỗ cương quyết với ý tưởng cho rằng có một Thiên Chúa của Cựu Ứớc khắt khe, giận dữ, ưa trừng phạt và một Thiên Chúa của Tân Ước là Cha giàu lòng thương xót. Xem ra Thiên Chúa của Cựu Ước dễ dàng nổi giận với con người khi con người lầm lỗi. Thậm chí vì tội lỗi của cha ông mà vị Thiên Chúa đó có thể đánh phạt cả con cháu đến ba bốn đời (x. Xh 20,5;34,7). Bởi thế, những người theo Ngộ Đạo thuyết Marcion dứt khoát cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước khác xa Thiên Chúa của Tân Ước.

Thiên Chúa kiên nhẫn với sự hiểu biết của con người

Thật ra, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Thiên Chúa của Tân Ước. Do khả năng giới hạn của con người mà Thiên Chúa đã phải nhẫn nại  mạc khải dần dần chính Người cho con người. Nói cách khác, sự tự tỏ lộ của Thiên Chúa cho con người có tính cách tiệm tiến, dần dần. Và sự tỏ lộ đó trở nên trọn vẹn trong  thời Tân Ước nơi chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Người.

Thiên Chúa giận mà thương

Vả lại, ngay cả Thiên Chúa có vẻ như vô cùng giận dữ mỗi khi con người phản nghịch lại với Người, thì sự giận dữ đó của Người cũng chỉ là sự giận dữ của lòng xót thương. Như người cha người mẹ vì muốn con cái nên người mà nhiều khi phải “thương cho roi cho vọt”, thì cũng vậy Thiên Chúa có những lúc phải đánh phạt những kẻ Người thương mến (x. Dt 12, 6). Vì thương xót con người, vì không muốn con người phải chết vì tội lỗi của họ mà Thiên Chúa như thể phải mang lấy khuôn mặt giận dữ để họ ý thức sự nghiêm trọng của tình trạng họ đang rời xa hay phản nghịch cùng Người.

Hơn nữa, cơn giận của Thiên Chúa so với lòng thương xót của Người thì chẳng thấm vào đâu. Nếu người ta có phản nghịch lại cùng Người, thì Người cũng chỉ đánh phạt người ta tới ba bốn đời mà thôi; trong khi đó, Người thương kẻ trung nghĩa đến muôn ngàn đời (x. Xh 20, 6). Sự giận dữ của Thiên Chúa chỉ có tính nhất thời, còn lòng thương xót của Người thì tồn tại đến muôn đời.

Thêm nữa, ngay trong Cựu Ước, Thiên Chúa không phải lúc nào cũng mang khuôn mặt giận dữ, nghiêm khắc, nhưng dường như lúc con người gặp cảnh khốn cùng, Thiên Chúa luôn ghé mắt nhân từ mà đoái đến họ. Khi dân Người chịu cảnh đọa đầy nơi đất khách quê người, Thiên Chúa đã tỏ lộ danh tính của Người trong tư cách một Thiên Chúa đầy lòng xót thương, một Thiên Chúa luôn có thể lắng nghe được và thấu cảm được nỗi khổ cực của dân Người. Vì thế, Người quyết định truyền cho Môsê phải tỏ lộ danh tính của Người ra cho dân. Người truyền cho Môsê đi nói danh tính “Ta là Ta” của Người cho dân, nghĩa là Người cho họ biết Người đang có mặt ở giữa dân Người, đang vì dân Người mà làm cuộc cứu thoát họ.

Không những thế, khi dân chán chường, thất vọng sống nơi chốn lưu đầy Babilon, Thiên Chúa qua miệng các ngôn sứ an ủi, vỗ về dân Người. Người thổ lộ tấm lòng xót thương của Người đối với họ: “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Chỗ khác, Người quả quyết dứt khoát: “Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và Ta không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43,25). Điều Người chờ đợi nơi dân Người đó là họ trở về với Người, từ bỏ con đường trụy lạc để được sống trong tình thương của Người. Qua ngôn sứ Êdêkien, Người hứa rằng: “Ta sẽ ban tặng các người một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt…các ngươi sẽ là dân của Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36,26-27).

Suy tư của Hội Thánh về Thiên Chúa giàu lòng xót thương

Để chống lại quan niệm hai Thiên Chúa (Thiên Chúa của Cựu Ước hà khắc, thích trừng phạt và Thiên Chúa của Tân Ước đầy lòng xót thương) của những người theo ngộ đạo thuyết Marcion, các giáo phụ ngay từ thuở ban đầu đã nhấn mạnh rằng mãi mãi Thiên Chúa là Đấng xót thương, chứ Người không bao giờ là vị Thiên Chúa ưa điều dữ và thích trừng phạt con người. Khi có những tranh cãi ở giáo đoàn Côrintô, thánh Clementê viết thư nhắn bảo họ rằng: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương và nhân ái trong mọi sự, Người thương xót những ai kính sợ Người, Người sẵn sàng và vui mừng ban ân sủng cho những ai đến với Người với tâm hồn đơn sơ, chân thật.”

Thánh Irênê thành Lyon cũng nhấn mạnh rằng thương xót là phẩm tính đặc biệt của Thiên Chúa.

Trong khảo luận về Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh Augustinô nhắc đi nhắc lại điều thánh Gioan đã nói đến: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8. 16).

Sau này, thánh Bonaventura gợi ý rằng muốn biết Thiên Chúa có thực sự là Thiên Chúa giàu lòng thương xót hay không thì hãy nhìn ngắm Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Thánh nhân thêm rằng Đấng đã mạc khải danh tính “Ta là Ta” cho dân xưa kia cũng là Đấng chịu đâm thâu trên thập giá hầu tỏ lộ hết lòng xót thương của Ngài đối với dân Ngài. Hơn nữa, cùng với thánh Tôma Aquinô, dựa trên nguyên lý “bonum est diffusivum sui” – sự tốt lành tự truyền thông và bộc lộ, thánh Bonaventura khẳng định rằng với sự tốt lành tự bản chất, Thiên Chúa không thể “hai mặt” với chính mình được, Ngài mãi mãi là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng thương xót đối với con người.

Kết luận

Tóm lại, xem ra có lúc Thiên Chúa như thể phải mang lấy khuôn mặt nghiêm khắc để dạy dỗ con người; cũng vì thương xót mà Người phải làm như vậy. Nhưng dù có những tư tưởng lệch lạc phân tách Thiên Chúa thành hai như đã xảy ra trong lịch sử Hội Thánh, thì suy tư thần học chính thống của Hội Thánh không bao giờ chệch khỏi nên tảng mạc khải Kinh Thánh về một Thiên Chúa luôn trung tín và giàu lòng xót thương với nhân loại yếu đuối, lỗi lầm.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube