Vì lòng thương xót mà chết và trỗi dậy

ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER

VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (VIII)

Tình yêu biến thành lòng thương xót

Tình yêu có một sức mạnh lạ thường, đó là nó nối kết giữa những người thương mến nên một với nhau. Thật vậy, khi người ta yêu nhau, thì tâm tư tình cảm, sức sống của người này cũng trở thành tâm tư, sức sống của người kia.

Và tình yêu sẽ biến thành lòng thương xót khi một trong hai người gặp nghịch cảnh, khốn đốn, khổ đau. Chẳng hạn, tình yêu của người mẹ trẻ sẽ biến thành lòng thương xót quặn đau dành cho con bà khi bà chứng kiến đứa con của mình đang thập tử nhất sinh, đang vật vã trong đau đớn, bệnh tật. Bởi thế, ông bà ta thường bảo: “Con ho, lòng mẹ tan tành; con sốt, lòng mẹ như bình nước sôi.” Vì xót xa cho đứa con bé nhỏ của mình mà lòng người mẹ tan nát khi bà nghe thấy con mình ho khan cả cổ; vì yêu con mà lòng người mẹ như có bình nước sôi khi bà nhận ra con bà đang sốt rất cao. Cái ho cái sốt của con biến thành cái ho, cái sốt trong lòng người mẹ. Nhiều khi vì thương con, vì xót con, vì muốn con được sớm khỏe mạnh mà người mẹ như thể nài nỉ Chúa đổ hết tất cả bệnh tật của con bà lên đầu bà để con bà được bình an.

Một cách nào đó, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người cũng giống như vậy. Tình yêu Thiên Chúa đã biến thành lòng thương xót vô hạn của Ngài khi Ngài chứng kiến con người chịu cảnh đọa đầy trong tội lỗi và sự chết nơi cõi gian trần. Ngài đã không thể cầm lòng được khi thấy nhân loại đang rên siết trong đau thương, khổ sầu. Với trọn vẹn lòng xót thương, Thiên Chúa ở trong Người Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô mà gánh lấy tội lỗi trần gian thay cho con người.

Vì lòng thương xót mà bước lên thập giá

Theo lẽ bình thường thì vì con người sa ngã phạm tội, nên tự họ phải gánh lấy hậu quả của tội họ đã phạm; tự họ phải chịu lấy hình phạt tương xứng với những gì họ đã làm. Nhưng nay, với tư cách là hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã gánh lấy án phạt của tội lỗi thay cho con người. Ngài đã chịu treo và chịu chết nhục nhã trên thập giá để gánh lấy án phạt do bởi tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 21). Ngôn sứ Isaia cũng đã loan báo về việc chịu phạt thay này khi ngôn sứ nhấn mạnh: “Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, …. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 4 – 6).

Cốt lõi của việc Con Thiên Chúa chết treo thập giá đó là vì lòng xót thương. Với tất cả tình thương xót vô hạn, Ngài muốn được đồng thân đồng phận với con người trong nỗi khốn cùng nhất của con người là sự chết. Chính khi liên đới với con người cách sâu xa như thế, con người được đưa trở lại mối tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa, mối tương quan mà con người đã tự mình cắt đứt khi nghe theo sự xúi giục của ma quỷ mà phạm tội. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ những người tin vào lòng xót thương Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô rằng: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Xưa kia anh em đã sống trong đó, theo trào lưu của thế gian này, theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung, tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục. Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2, 1 – 4).

Lòng thương xót có sức mạnh hóa giải tội lỗi và sự chết

Vì lòng thương xót, Thiên Chúa trong Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đã đồng thân đồng phận với con người ngay trong chính cái chết. Điều này có nghĩa là Đức Giêsu đã liên đới trọn ven với thân phận nhận loại, đã chết như tất cả bao người phải chết. Nhưng nếu Ngài chỉ dừng lại ở thập giá và sự chết thôi, thì lòng thương xót Thiên Chúa không có nghĩa lý gì cho con người. Người mẹ xót thương con, khẩn khoản xin Chúa đổ hết mọi bệnh tật của con lên đầu mình, nhưng nếu người mẹ ấy không có sức đề kháng để vượt qua bệnh tật và đã chết, thì xem ra lòng thương xót của bà không có sức hóa giải bệnh tật cho dù lòng thương xót đó là vô cùng lớn lao đối với con bà. Cũng vậy, vì lòng thương xót mà Con Thiên Chúa gánh lấy sức nặng của tội lỗi trần gian là sự chết, nhưng nếu cuối cùng Ngài ở mãi trong sự chết, thì cái chết của Ngài không có sức hóa giải tội lỗi trần gian và điều đó bị coi như một sự thất bại của lòng thương xót Thiên Chúa. Thánh Phaolô giải thích: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15, 17 – 19).

Nhưng sự thực không phải vậy. Con Thiên Chúa đã đi vào trong cõi chết và đã trỗi dậy từ trong kẻ chết. Lòng thương xót Thiên Chúa có sức hóa giải thân phận nhân loại tội lỗi. Lòng thương xót Thiên Chúa đã làm cho những kẻ đáng phải chết vì tội của họ, nay được trỗi dậy cùng với Đức Giêsu để sống một đời sống mới nơi Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã cao rao sự thật khôn tả này của lòng thường xót Thiên Chúa khi ngài bảo rằng: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1 Cr 15, 20 – 24).

Sự trỗi dậy của Đức Kitô từ trong kẻ chết là dấu chỉ rõ ràng lòng thương xót Thiên Chúa vượt thắng tội lỗi, sự ác, sự chết thế gian (x. 1 Cr 15, 54; Rm 8, 3; Gl 3, 13). Nói cách khác, lòng thương xót Thiên Chúa không chịu thua tội lỗi của con người. Với việc trỗi dậy từ cõi chết của Đức Kitô, Thiên Chúa dứt khoát công bố cuộc chiến thắng của tình yêu và sự tha thứ trên sự ác, sự tội của con người trong thế gian này.

Dĩ nhiên, chiến thắng này đã có một cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô, nhưng nó còn đang triển nở nơi mỗi người nếu người ta, bằng lòng tin của mình, biết tiếp nhận hiện thân lòng thương xót Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô vào trong cuộc đời mình (x. Rm 1, 17; 3, 2; 9, 32; Gl 2, 16; 3, 11).

Tóm lại, tình yêu vô hạn từ muôn thuở của Thiên Chúa đã biến thành lòng thương xót không bến bờ của Ngài đối với nhân loại khi nhân loại vướng vào cảnh khổ ải, tội tỗi, chết chóc trong trần gian. Vì lòng thương xót, Thiên Chúa trong Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đã mang lấy tất cả gánh nặng của tội lỗi nhân loại vào mình khi Ngài sẵn sàng bước lên thập giá và chấp nhận đi vào chốn khốn cùng nhất của nhân loại là sự chết. Ở trong chính chốn khốn cùng, vô vọng ấy, Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô trỗi dậy. Sự trỗi dậy này của Ngài đánh dấu cuộc vinh thắng tuyệt đối của lòng thương xót Thiên Chúa trên sự gian ác, tội lỗi trong thế gian. Ai tin nhận Đức Giêsu Kitô, thì người đó đang để cho lòng thương xót Thiên Chúa thánh hóa, biến đổi con người tội lỗi của mình. Nói như thánh Phaolô, người đó vốn là kẻ bất lương vì đã phạm tội, nhưng nay lòng thương xót Thiên Chúa đã làm cho người đó nên công chính trong Người Con Một, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (1 Cr 1, 30).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube