Tóm tắt tác phẩm của Đức Hồng y Walter Kasper về Lòng Chúa Thương Xót

ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (I)

Dẫn nhập:

sách KasperĐối diện với xu hướng thời đại đang dửng dưng với các thực tại siêu việt, đồng thời não trạng thời đại chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa tiêu thụ và duy vật chất cho đến độ con người sống ích kỷ với nhau, thờ ơ trước những nỗi khốn khổ, bất hạnh của đồng loại, nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót để đánh thức thế giới và làm cho thế giới nhận biết giữa trần gian tăm tối, gian dối, bạo lực, hận thù này vẫn có lòng thương xót của Thiên Chúa đang đổ tràn trên con người và mời gọi con người mở lòng cho tình yêu cứu độ của Người biến đổi họ.

Trước khi Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót Chúa được công bố, Đức Hồng Y Walter Kasper đã viết cuốn sách mang tựa đề “Lòng Thương Xót: Cốt Lõi Của Tin Mừng, Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu”

Cuốn sách được viết bằng tiếng Đức, dày 218 trang chưa kể phần ghi chú và được xuất bản năm 2012. William Madge đã chuyển dịch cuốn sách sang tiếng Anh và cho xuất bản vào năm 2013.

Khi bình luận về cuốn sách này, Đức Thánh Cha Phanxicô bảo rằng những điều Đức Hồng Y viết ra đã giúp ích cho ngài rất nhiều trong việc nghiền ngẫm lòng thương xót của Thiên Chúa.

Điểm nhấn của tác phẩm:

Trong tư cách là một nhà thần học, bản thân Đức Hồng Y Kasper đã nhận xét rằng dường như thần học hệ thống đã bàn quá hời hợt về lòng thương xót của Thiên Chúa, dường như chỉ dừng lại ở việc xem xét lòng thương xót của Thiên Chúa như một phẩm tính như bao phẩm tính khác của Thiên Chúa. Nhưng sự thực, “Lòng thương xót là nguồn gốc của tất cả mọi sự, nó nằm bên trên thế giới và lịch sử của thế giới cũng như của toàn thể nhân loại.”[i]

Với kiến thức sâu rộng, Đức Hồng Y đã bàn giải về lòng thương xót ở mọi khía cạnh: triết học, linh đạo, Cựu và Tân ước, Tín lý, Giáo Hội học, Luân lý, Xã hội học và Thánh Mẫu học. Khởi đầu, Đức Hồng Y phân tích tại sao lòng thương xót phải là khởi điểm và trung tâm của suy tư thần học. Sau đó, ngài đặt ra những vấn đề trọng yếu liên quan đến lòng thương xót: Việc tin vào một Thiên Chúa giàu lòng thương xót có ý nghĩa gì? Lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa có liên hệ với nhau như thế nào? Chúng ta có thể nói về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót trong một thế giới đang lan tràn bạo lực, khủng bố và hận thù như thế giới chúng ta ngày nay hay không? Chúng ta hiểu và giải thích thế nào về cơn giận của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài? Về khía cạnh đạo đức, luân lý và thực hành lòng thương xót, trong cuốn sách này, Đức Hồng Y cũng nêu lên những câu hỏi, chẳng hạn: Làm sao chúng ta có thể đo lường được tiêu chuẩn của lòng thương xót Thiên Chúa ngang qua các hành động và lối cư xử của chúng ta? Đâu là sứ điệp của lòng thương xót Chúa phải công bố và thực hành? Làm sao chúng ta có thể để lòng thương xót Chúa chiếu tỏa trong đời sống Kitô hữu của chúng ta và trong đời sống Hội Thánh? Lòng thương xót Chúa thực sự có ý nghĩa gì khi chúng ta cố gắng xây dựng một nền văn hòa tình thương giữa xã hội chúng ta đang sống?

Lòng Thương Xót: Cốt Lõi Của Tin Mừng, Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu” là cuốn sách của Đức Hồng Y Walter Kasper viết năm 2012, nghĩa là nó ra đời trước khi Năm thánh Lòng thương xót khai mạc. Tác phẩm bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau về lòng thương xót Chúa mà Hội Thánh muốn nhắm đến trong Năm Thánh ngoại thường này. Mỗi chương của cuốn sách giúp chúng ta tìm kiếm được những ý niệm căn bản của lòng thương xót được đề cập trong Kinh thánh, thần học tín lý, Giáo hội học, Luân lý – Xã hội hay gia đình, chính trị xã hội hay Thánh mẫu học. Sau đây xin điểm qua những nét chính yếu của từng chương trong cuốn sách.

 Chương I: Bối cảnh thế giới ngày nay

Chương thứ nhất gợi nhắc đến hiện trạng của thế giới chúng ta đang sống:  một thế giới có những chế độ độc tài gây ra bao thương đau cho con người; một thế giới đã trải qua hai cuộc thế chiến tồi tệ; một thế giới tồn tại những trại tập trung giết chết bao sinh linh; một thế giới luôn bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố; một thế giới bị phân mảnh và chia rẽ giữa một bên thì thể hiện một lối sống phóng túng phóng đãng với những tài sản vật chất dư thừa, còn bên kia thì có hàng triệu triệu con người sống trong bệnh tật, đói nghèo và chết chóc; một thế giới với những cuộc xung đột tôn giáo, trong đó những cuộc bách hại đẫm máu xảy đến thường nhật.

Nêu lên hiện trạng thế giới ngày nay như thế, tác giả cuốn sách khẳng định rằng cần thiết phải nhắc đến lòng thương xót như phương dược chữa lành thế giới. Lòng thương xót, một chủ đề đã bị xao nhãng, thì bây giờ cần phải được nhận mạnh.

Chương II: Cách tiếp cận của triết học và tôn giáo về lòng thương xót

Chương hai của cuốn sách chỉ ra đường hướng của triết học, tôn giáo và kinh nghiệm khôn ngoan của con người trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và chống lại thế lực sự dữ. Nói cách khác, ở chương này tác giả cuốn sách hệ thống hóa cách tiếp cận của triết học về lòng thương xót để cho thấy rằng cốt lõi lòng thương xót có trong thẳm sâu của tâm lòng con người. Tác giả đã đề cấp đến triết lý về lòng thương xót trong lịch sự triết học kể từ Platon, Aristốt cho đến ngày nay; lòng thương xót trong truyền thống các tôn giáo.

Kết thúc chương này, tác giả nhấn mạnh đến lòng thương xót như là lẽ khôn ngoan bình thường con người phải có để đối xử với nhau: Khuôn Vàng Thước Ngọc dạy “đừng làm cho người khác cái mình không muốn họ làm cho mình”, thì luật vàng ấy cũng dạy chúng ta cần có “tình thương, sự cảm mến, giúp đỡ nhau và khoan dung thể hiện sự khôn ngoan của loài người”[ii] chúng ta.

Chương III: Mạc Khải Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa

Chương III nói về Mạc khải của Thiên Chúa về lòng thương xót trong của Cựu ước. Ở chương này, tác giả trước hết đề cập đến ý niệm về lòng thương xót trong Kinh Thánh. Tiếp đến, tác giả cho thấy lòng thương xót là câu trả lời của Thiên Chúa trước sự xáo trộn và tai họa do tội lỗi. Ngài không ngoảnh mặt trước những lầm lạc của con người: “Thiên Chúa, do lòng thương xót, trung thành với chính mình và với dân, mặc dù dân chúng bất tín bất trung.”[iii]  “Lòng thương xót là phương thế mà Thiên Chúa thể hiện ra trong sự công chính Người để tái tạo con người. Lòng thương xót ở bên trên khái niệm ‘lỗi thì phạt’, nhưng lòng thương xót không đi ngược với sự công chính; mà đúng ra là làm sáng tỏ sự công chính.”[iv]

Lòng thương xót làm cho đức công chính của Thiên Chúa được nên trọn vẹn. Đức công chính của Thiên Chúa là cứu vớt con người, chứ không trừng phạt con người. Bởi vậy, “lòng thương xót Chúa là sức mạnh để Thiên Chúa duy trì, bảo vệ, khích lệ, tái tạo và tái dựng sự sống,”[v] là thể hiện rõ nét nhất đức công chính của Thiên Chúa.

Kết thúc chương này, tác giả đặc biệt lưu ý đến những anawim (người nghèo của Thiên Chúa) mà Thiên Chúa hằng ưu ái cúi xuống với tất cả lòng xót thương của Người.

Chương IV: Mạc Khải Tân Ước: Đức Giêsu Kitô – sứ điệp và hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa

Chương IV được xem trọng tâm của cuốn sách bởi vì tác giả đề cập đến Đức Giêsu là sứ điệp trọn vẹn về lòng xót thương của Thiên Chúa cho nhân loại. Tin mừng Đức Giêsu rao giảng là Tin mừng về lòng xót thương của Thiên Chúa.

Bằng các dụ ngôn khác nhau, nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu hay dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Hậu, Ngài thông truyền sứ điệp lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người.

Đặc biệt, qua chính sự hiện diện và hiến mình của Ngài với biến cố Vượt Qua, Ngài cho thấy chính bản thân Ngài là hiện thân lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người. “Trong lòng thương xót, Thiên Chúa muốn thỏa mãn sự công chính. Cho nên, Đức Giêsu đã tự nộp mình cho tội lỗi, Ngài đã mang lấy tội (2Cr 5, 21).”[vi]

Cùng chung tư tưởng của Đức Bênêđictô XVI rằng vì lòng xót thương nhân loại lỗi lầm mà Thiên Chúa như thể chống lại chính mình, thì ở đây Đức Hồng Y Kasper cũng nhấn mạnh rằng nơi mầu nhiệm thập giá yêu thương của Đức Giêsu,   “Thiên Chúa đã đi ngược với những gì Ngài là, Ngài nhận cái chết cho mình. Chính Ngài thực sự đi vào cái chết”[vii] để con người được tham dự vào sự tái tạo của Ngài và chia sẻ với Ngài sự sống vĩnh hằng.

Kết thúc chương này, tác giả nhấn mạnh rằng mầu nhiệm Thập giá của Đức Kitô biểu lộ trọn vẹn “lòng thương xót là sự trào tràn của tình yêu Thiên Chúa, là sự tóm kết sứ điệp Tin mừng.”[viii] “Tin vào Người Con chịu treo thập giá là tin rằng tình yêu đang hiển hiện giữa thế gian này và tình yêu ấy có sức mạnh vượt thắng hận thù, bạo lực hay bất cứ sự ác nào mà con người đang vương phải.”[ix]

Chương V: Suy tư thần học hệ thống về lòng thương xót của Thiên Chúa

Chương V là một tổng hợp có tính cách hệ thống về mặt tín lý về lòng thương xót của Thiên Chúa, nghĩa là tác giả vận dụng tất cả các nguồn liệu từ Kinh Thánh, Truyền Thống, các Giáo phụ, và truyền thống thần học để làm nổi bật dung mạo một Thiên Chúa giàu lòng thương xót mà người tín hữu tin nhận.

Cụ thể, ngay từ đầu chương, tác giả diễn giải rằng lòng thương xót định nghĩa Thiên Chúa là ai, chứ lòng thương xót không là một phẩm tính như bao phẩm tính của Thiên Chúa. Tác giả gợi ý rằng “Chúng ta không nên coi lòng thương xót chỉ như thuộc tính được thêm thắt vào cho Thiên Chúa và để làm nổi bật các phẩm tính khác của Thiên Chúa, nhưng thay vào đó ta cần coi nó như là phẩm tính cốt lõi của Thiên Chúa mà các phẩm tính khác hướng tới.”[x]

Tiếp đến, tác giả đề cập đến lòng thương xót như sự phản chiếu rõ nét mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa: “Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của lòng thương xót do bởi lòng thương xót của Ngài tỏ lộ chính Ngài và phản chiếu bản thể Ngài. Chính trong lòng thương xót của Thiên Chúa mà sự tự truyền thông tình yêu của Cha, Con, Thánh Thần được phản chiếu và được tỏ bày ra.”[xi]

Sau khi trình bày lòng thương xót trong Thiên Chúa nội tại Ba Ngôi, tác giả lòng thương xót của Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ. Ở phần này, tác giả cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa chính là khởi nguồn và mục đích của hoạt động Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ. Dựa vào biện luận của các thần học gia nổi bật của thế kỷ XX, tác giả đi tới kết luận mọi thực tại của công trình sáng tạo đều mang dấu ấn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, tác giả nhấn mạnh lại điểm nhấn của Công Đồng Vaticanô II, mọi thực tại của công trình sáng tạo của đều hội tụ nơi Đức Kitô, Đấng là hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa giữa trần gian: “Đức Kitô là Anpha và Omega, là khởi nguyên và cùng đích… Với lòng thương xót được hội tụ nơi Đức Giêsu Kitô, từ muôn thuở Thiên Chúa muốn cứu hết mọi người.”[xii]

Kết thúc chương này, tác giả đặt vấn đề về vấn đề đau khổ để gởi mở một hướng thực hành lòng thương xót cùng với Đức Kitô chịu đóng đinh. Tác giả nhắc lại giáo huấn của thánh Phaolô: “Trong mọi hoàn cảnh, dù phải lâm trận hay không còn gì để hy vọng, thì chúng ta vẫn biết chắc chắn rằng Thiên Chúa vẫn bên cạnh ta, đồng hành với ta và “Ngài sẽ làm cho mọi sự sinh ích cho những kẻ yêu mến Ngài” (Rm 8, 28).[xiii]

Chương VI: Bổn phận của Kitô hữu sống lòng thương xót của Thiên Chúa

Chương VI đề đến bổn phận người tin hữu trong việc thể hiện lòng thương xót cách cụ thể trong các mối tương quan tương quan với nhau. Ngay ở đầu chương này, tác giả đề cập đến giới răn trọng nhất là tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và yêu mến người đồng loại. Tác giả ghi chú rằng trong khi Cựu Ước tách rời hai giới răn này, thì Đức Giêsu gộp lại thành một và Ngài cũng mở rộng quan niệm về người đồng loại là tất cả mọi người, chứ không giới hạn trong pham vi những người Do thái thân thuộc. Hơn nữa, tác giả nhấn mạnh: “Tình yêu mến triệt để đối với đồng loại mà Đức Giêsu đòi buộc sẽ không thực hiện được nếu không xuất phát từ sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa,”[xiv] nghĩa là khởi đi từ lòng mến Thiên Chúa, người ta mới có thể sống được giới răn yêu mến người đồng loại, dù người đồng loại có thể là kẻ thù của mình.

Gắn với tình yêu với tha nhân là sự tha thứ. Chỉ có sự tha thứ mới “phá vỡ được vòng xoáy của sự dữ và vòng xoáy của bạo lực và sự đối kháng bạo lực, nhờ vậy mới thiết lập được bình an nơi tâm hồn nhân thế.”[xv]

Việc thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua việc yêu mến và tha thứ cho người đồng loại sẽ không dẫn tới đâu nếu người ta chỉ biết chăm chăm chú làm những việc đó quy về bản thân mình. Chính vì vậy, tác giả nhận mạnh rằng: “Vấn đề là ở chỗ ta phải vượt ra khỏi cái qui ngã (lấy mình là trung tâm) bị vô cảm và mù quáng trước những nhu cầu vật chất và tinh thần của người khác. Vấn đề là ở chỗ ta phá tan sự cứng lòng của con tim. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta qua sự gặp gỡ với những đau khổ của người khác.”[xvi] Chính khi đi ra khỏi sự qui ngã và lưu tâm đến người khác, nhất là những người nghèo cả về đàng vật chất lẫn tinh thần, thì người ta lại gặp gỡ được Đức Kitô, Đấng là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa.[xvii]

Cuối cùng, với lòng thương xót, người ta được mời gọi hiến mình vì người khác như mẹ Têrêsa thánh Calcuta, thậm chí hiến dâng mạng sống mình cho người khác như trường hợp của cha Maximilien Kolbe.

Chương VII: Hội Thánh thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa

Chương VII nói về một Hội Thánh sống lòng thương xót của Thiên Chúa. Ở phần đầu của chương này, tác giả cho thấy tự bản chất, Hội Thánh là bí tích của sự hiện diện liên tục giữa thế gian của Đức Kitô. Mà Đức Kitô là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa ở giữa thế gian này. Bởi vậy, Hội Thánh là bí tích của lòng thương xót. Vì lẽ này, tác giả kết luận: “Một Hội Thánh mà không có đức ái và lòng thương xót, thì không còn là Hội Thánh của Chúa Kitô nữa.”[xviii]

Có một thực tế là rất nhiều người nhận thấy rằng Hội Thánh còn khô cứng, khắt khe và chưa có lòng thương xót, ví dụ những trường hợp ly dị-tái hôn; lòng thương xót chưa thẩm thấu vào những mối tương quan liên đới giữa Hội Thánh và con người thời đại hôm nay.[xix] Bởi thế, phần còn lại của chương này, tác giả gợi ý những đường hướng thực hành, qua đó Hội Thánh có thể chu toàn sứ mạng làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa ở giữa thế gian. Những đường hướng cụ thể đó là công việc tân phúc âm hóa trong bối cảnh của thế giới hiện tại; cử hành các hữu hiệu bí tích Hòa Giải, bí tích của lòng thương xót Chúa; và cuối cùng là xây dựng một nền văn hóa, văn minh tình thương mà ở đó long xót thương thẩm thấu vào cơ cấu đời sống xã hội cũng như luật pháp.

Cách riêng về đường hướng tân phúc âm hóa thế giới hôm nay, tác giả nhấn mạnh rằng Hội Thánh không thể rao giảng suông sứ điệp Tin mừng với những lời kết án, chỉ trích tình trạng tồi tệ của nhân loại, nhưng trên hết phải có sự kiên nhẫn, cảm thông và chạnh thương như người Cha Nhân Hậu trước đứa con nhân loại hoang đàng và đang ở trong guồng xoáy của một hệ lụy yếu đuối, tội lỗi.

Chương VIII: Xây dưng một thế giới với nền văn minh – văn hóa tình thương

Một nền văn hóa văn minh tình thương đã được đề cập sơ qua ở chương VII khi tác giả nhắc đến một Hội Thánh thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng hơn thế nữa, tác giả dành trọn chương VII để nhấn mạnh cách đặc biệt đến nền văn hóa văn minh tinh thương này. Điều tác giả nhắm đến ở chương này ấy là không chỉ Hội Thánh góp phần xây dựng một nền văn hóa văn minh tình thương trong thế giới ngày nay, mà bản thân con người trong thế giới hôm nay phải ý thức và xây dựng cho được một nền văn hóa như thế cho chính mình.

Tác giả nhấn mạnh, nếu không có tình thương, không có lòng xót thương, thì người ta chỉ tạo ra một hệ thống chính trị – xã hội phi nhân, một xã hội vô cảm, vô hồn. Tác giả không ngần ngại chỉ ra sai lầm của hệ thống kinh tế-chính trị tư bả (theo tư tưởng của Adam Smith) và hệ thống kinh tế chính trị xã hội Mácxít. Trong khi hệ thống kinh tế-chính trị theo tư tưởng của Adam Smith hướng đến một thứ chủ nghĩa thuần túy cá nhân cho đến mức tạo nên những con người sống quy ngã mà không biết đến người khác, còn hệ thống kinh tế- chính trị theo tư tưởng Macxít lại nghiêng về một tổ chức, một nhóm người riêng biệt trong xã hội cho tới mức sẵn sàng loại bỏ phẩm giá của mỗi cá nhân cụ thể. Cả hai hệ thống này đều sai lầm ở chỗ là chúng được xây dựng không dựa trên lòng nhân đạo, lòng xót thương.

Cũng ở chương này, tác giả còn đề cập đến thách đố của con người trong thế giới ngày nay là vấn đề toàn cầu hóa kinh tế, thương mại. Khuynh hướng này làm cho chính phủ mỗi đất nước không thể tự mình độc lập trong những quyết sách kinh tế đảm bảo cách vững chắc cho công dân của đất nước mình, trong khi đó liên hiệp các chính phủ lại không đủ sức để lo cho công dân của các nước được chia sẻ đồng đều các quyền lợi.

Dĩ nhiên, nêu ra những thách đố của thời đại như vậy, nhưng Hội Thánh không có nhiệm vụ đề ra mô hình kinh tế – chính trị cụ thể nào cho mỗi quốc gia và toàn thế giới. Hội Thánh không làm thay vai trò của trần thế. Tuy nhiên, Hội Thánh có nhiệm vụ đưa ra giáo huấn theo tinh thần Tin mừng của mình về các vấn đề xã hội. Hai nguyên tắc căn bản của giáo huấn Hội Thánh về các vấn đề xã hội đó là sự quân bình giữa lợi ích chung với lợi cá nhân và sự tôn trọng phẩm giá con người. Hơn nữa, Hội Thánh cũng đưa ra khuyên cáo rõ ràng cho con người thời đại ngày nay: hệ thống kinh tế-chính trị-xã hội phải được xây dựng trên nên tảng của tình thương và lòng nhân đạo.

Kết thúc chương này, tác giả gợi nhắc về vị trí, vai trò của Hội Thành trong thế giới như hạt men hay hạt cải Nước Trời làm bung nở lên giữa thế gian thời đại của văn hóa, văn minh tình thương và lòng thương xót.

Chương IX: Đức Maria – Mẹ của lòng thương xót

Cuốn sách kết thúc với chương IX, đề cập cách riêng đến Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót. Trong Mẹ, chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót Chúa. Mẹ là mẫu gương của lòng thương xót qua ân sủng và đức tin. Với tiếng xin vâng liên lỉ trong suốt đời Mẹ, đặc biệt là giây phút tăm tối, khổ đau nhất khi đứng dưới chân thập giá Chúa và giây phút ôm Người Con chịu chết trên thập giá vào lòng, Mẹ đã cho ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa bừng sáng nơi tâm hồn Mẹ. Tác giả kết luận: “Quả thật, chính Đức Maria đã sống một cuộc sống trọn vẹn với long thương xót của Thiên Chúa. Mẹ đã giới thiệu và làm chứng cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.”[xx]

Linh mục Antôn Nguyễn văn Dũng, C.Ss.R.

Chú thích

[i] Walter, Kasper, Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life (Quezon: Claretion Communications, 2015), 98.

[ii] Kasper, Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life, 37.

[iii] Ibid., 45.

[iv] Ibid., 53.

[v] Ibid., 54.

[vi] Ibid., 75.

[vii] Ibid., 81.

[viii] Ibid., 82.

[ix] Ibid., 82.

[x] Ibid., 89.

[xi] Ibid., 93

[xii] Ibid., 102.

[xiii] Ibid., 127.

[xiv] Ibid., 134.

[xv] Ibid., 138.

[xvi] Ibid., 143.

[xvii] Ibid., 148 – 150.

[xviii] Ibid., 158.

[xix] Ibid., 159.

[xx] Ibid., 216.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube