Lòng Thương Xót: một chủ đề bị lãng quên

ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (II)

Tiếng kêu thấu trời về lòng thương xót giữa thế giới ngày nay

sách KasperHơn khi nào hết, thế giới chúng ta trong những thế kỷ qua đã trải qua biết bao đau thương, mất mát. Chúng ta đã trải qua hai cuộc thế chiến thảm khốc cướp đi biết bao mạng người. Tưởng rằng sau kinh nghiệm thương đau của hai cuộc chiến này, nhân loại đi tới một thời kỳ hòa hoãn, an bình, nhưng thực tế, bạo tàn, chiến tranh, khủng bố vẫn luôn rình rập thế giới này. Điển hình cho sức bạo tàn của hận thù, chia rẽ, khủng bố là cuộc tấn công 11.09.2001 nhắm vào tòa tháp đôi – Trung Tâm Thương Mại tại New York.  Hơn nữa, đây đó biết bao trẻ nhỏ bị lạm dụng và chết đói, hàng triệu người phải chạy trốn trước những cuộc chiến giữa những khủng bố và hận thù. Hằng ngày con số các Kitô hữu chịu bắt bớ, bách hại chưa hề thuyên giảm.

Sống trong thế giới hôm nay, chúng ta không phải chỉ chứng kiến những thảm họa khôn lường từ những nhân tai mà còn cả từ thiên tai nữa. Những trận động đất, núi lửa, song thần, lũ lụt, hạn hán xảy ra liên miên đây đó!

Trong bối cảnh của một thế giới với biết bao thương đau như thế, làm sao chúng ta có thể nói về một Thiên Chúa quyền năng, công chính và đầy tình xót thương? Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài có thể để cho những sự dữ khủng khiếp như thế xảy ra được? Con người hiện diện trước mặt Ngài trong thế giới hôm nay chẳng giống như đứa trẻ đang bị xâu xé bởi lũ chó trước mặt người mẹ của mình lắm sao? (Anh em Nhà Caramazov – tác phẩm của Mikhailovich Dostoevsky).

Tiếng kêu xin lòng thương xót một thời chưa được chú trọng

Trước tiếng kêu của nhân loại về lòng thương xót, Hội Thánh đã ứng đáp thế nào? Hội Thánh có lấy lòng thương xót để ứng xử với con cái mình không? Có một thực tế mà Đức Gioan XXIII đã nhắc đến: Một thời Thẩm quyền Hội Thánh thay vì đi tìm kiếm phương thuốc lòng thương xót để chữa lành thế giới, thì lại chỉ lo đi “dẹp loạn”, nghĩa là đi bới vết, tìm sâu những những sai lầm của các thời đại để kết án.

Ngay trong các thủ bản thần học của Hội Thánh cũng vậy, dường như chủ đề lòng thương xót Thiên Chúa được đề cập rất sơ sài, thậm chí còn bị lãng quên. Hơn nữa, lòng thương xót dường như chỉ được xem xét như là một phẩm tính như bao phẩm tính khác của Thiên Chúa.

Vả lại lối tiếp cận thần học với hệ thống siêu hình học chẳng mấy dính bén với thực tế cuộc sống. Tất cả thực tại về Thiên Chúa và con người bị đóng khung trong những ý niệm khô cứng, không đụng chạm tới cuộc sống thực của con người.

Dĩ nhiên, trong Hội Thánh, chúng ta không thể phủ nhận được rằng vẫn có những nguồn cảm hứng linh đạo, thần học suy tư về lòng thương xót rất sâu sắc. Và dĩ nhiên, những đường hướng mục vụ, dấn thân gắn với những tên tuổi cụ thể về lòng xót thương thì cũng không phải là ít. Nhưng dù sao tất cả những suy tư lẫn đường hướng thực hành mục vụ đó mới chỉ dừng lại ở bình diện cá nhân mà chưa trở thành một đường hướng chung nhằm tìm kiếm phương thuốc lòng thương xót để chữa lành thế giới.

Phản ứng tiêu cực khi tiếng kêu xin lòng thương xót không được ứng đáp

Trước những tiếng kêu xin lòng thương xót dường như bị bỏ qua, ta không lấy làm lạ khi có những thái độ phản kháng gay gắt từ những kẻ này người nọ. Có lẽ vì một lối trình bày Thiên Chúa với khuôn mặt nghiêm khắc với những luật lệ khắt khe và cứng đọng nào đó mà có một lối phản ứng đòi giết Thiên Chúa cho bằng được như Friedrich Nietzche. Triết gia này hô hào: “Thiên Chúa chết rồi! Chính chúng tôi đã giết Ngài! Con người phải là chúa của cuộc đời mình!” Kể cả khi Tin mừng nói về một Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đầy thương xót và đau khổ vì con người, thì Nietzche vẫn một mực khăng khăng rằng: “Thiên Chúa đã chết; Thiên Chúa chết vì chính sự thấu cảm của Ngài với khổ đau của con người”.

Một lối phản ứng tương tự như Nietzche, đó là Karl Marx. Ông cáo buộc tôn giáo là một thứ thuốc phiện du ngủ con người, làm cho con người chạy trốn cuộc sống hiện tại với những khốn khó của nó. Theo Marx, chính tôn giáo đã xoa dịu đau khổ con người bằng cách an ủi họ về một thứ thiên đàng viển vông mai sau, làm cho người ta không còn khả năng đối diện với cuộc sống hiện tại với biết bao vật lộn ở đời.  Và Marx kết cho tôn giáo cái tội là định hướng sai cuộc đời con người.

Một sự bừng tỉnh và một hướng tiếp cận mới cần thiết

Trước “những dấu chỉ của thời đại”, Hội Thánh kể từ Công Đồng Vaticanô II đã có một sự bừng tỉnh cần thiết để đáp ứng tiếng kêu về lòng thương xót giữa cộng đồng nhân loại. Khi công bố triệu tập Công Đồng Vaticanô II, Đức Gioan XXIII khẳng khái tuyên bố rằng thay vì đi soi mói, tìm tòi những sai lầm của các thời đại để kết án, thì từ nay Hội Thánh, Hiền Thê của Chúa Kitô, đi tìm phương thuốc lòng thương xót để cứu chữa thế giới.

Với kinh nghiệm về nỗi thống khổ nơi các trại tập trung Đức Quốc xã và những đau thương của con người gây ra bởi chủ thuyết cộng sản, Đức Gioan Phaolô II thấy rằng cần phải làm nổi bật dung mạo một Thiên Chúa giàu lòng xót thương giữa thế giới này. Trong Thông điệp Dives in Misericordia, ngài vạch ra những đường hướng cụ thể để hướng tới một Hội Thánh với sứ mạng loan báo Tin mừng Lòng Thương Xót Chúa cho thế giới (DM, # 14 & 15).

Đức Bênêdictô XVI tiếp nối đướng hướng của vị tiền nhiệm nên đã đưa ra Thông điệp Deus Caritas EstCaritas in Veritate. Qua những thông điệp này, ngài cho thấy một mệnh lệnh mới, một cách lối tiếp cận mới để phải đẩy lòng thương xót đi tới bình diện xã hội bao quát, chứ không chỉ dừng lại ở bình diện cá nhân thể hiện lòng thương xót giữa một thế giới ngập ngụa trong chia rẽ, hận thù và khổ đau như thế giới chúng ta đang chứng kiến ngày nay.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube