Con người nói về Lòng Thương Xót

ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (III)

sách KasperTự bản chất, con người có lòng thương xót và có khả năng bày tỏ lòng thương xót. Kinh nghiệm cho thấy khi đối diện với đau khổ, con người thường khao khát tìm kiếm lòng thương xót và tìm cách diễn tả lòng thương xót qua nhiều cách thức khác nhau. Một trong những cách thức diễn đạt lòng thương xót mà ta có thể thấy được đó là con đường của tri thức, của triết lý và niềm tin tín ngưỡng trong nhân loại.

Ý niệm về lòng thương xót

Trong tiếng Latinh, khi nói về lòng thương xót, người ta dùng hạn từ misericordia. Người có lòng thương xót là người có tâm hồn biết đồng cảm với nỗi khốn khổ của người nghèo khổ, là người thật sự có tấm lòng với những người khốn khổ.

Trong tiếng Đức, hạn từ Barmherzigkeit có nghĩa là thương xót. Hạn từ này diễn tả sự bận tâm của một người trước nỗi khốn khổ của người khác; chứng kiến nỗi khổ của một người, thì bận tâm lo lắng cho người ấy.

Triết lý từ cổ chí kim về lòng thương xót

Khi nói đến lòng thương xót, ta có thể đề cập đến hai khía cạnh khác nhau của nó: Khía cạnh của cảm xúc và khía cạnh của lý trí. Điều này có nghĩa là ta có thể bộc lộ tâm tư cảm xúc của mình, đồng thời với những phán đoán của lý trí, ta quyết định thực hiện những việc làm cần thiết để bày tỏ lòng thương xót khi ta chứng kiến nỗi khốn khổ của tha nhân.

Triết lý về lòng thương xót từ cổ chí kim có khi nghiêng về khía cạnh tâm tư cảm xúc, cũng có khi lại nghiêng về khía cạnh lý trí thực hành lòng thương xót.

Triết lý về lòng thương xót của Platon nghiêng hẳn về lý trí  hơn là cảm xúc. Theo Platon, tâm tư cảm xúc với những bủi ngủi bùi ngùi theo lẽ tình cảm trước nỗi đau của tha nhân chẳng có giá trị gì, chẳng đi tới đâu! Điều cốt thiết là làm sao người ta phải có quyết định do lý trí soi sáng để phải làm một điều gì đó cụ thể cho người đang đau khổ. Quyết định đó của lý trí mới có giá trị và mới diễn tả tính chất chân thực của lòng thương xót của người ta đối với nhau.

Dường như khác với Platon, Aristốt nhấn nhiều hơn đến tâm tư cảm xúc của lòng thương xót trước những khốn khổ mà một người phải chịu. Theo Aristốt, ta phải biết xúc động khi chứng kiến nỗi khốn khổ của một người nào đó đang phải chịu và ta biết rằng nỗi đau khổ không đáng phải chịu của người ta một ngày nào cũng sẽ xảy ra với ta, và vì vậy ta phải biết thương xót người chịu đau khổ cách bất công.

Riêng với trường phái Khắc kỷ, các triết gia thuộc trường phái này đã đi tới chỗ cực đoan cho rằng cảm xúc diễn tả lòng thương xót chẳng có giá trị gì, thậm chí còn bị coi là quá ủy mị, đắm đuối và bệnh hoạn. Theo các triết gia này, người ta phải có cái đầu lạnh để hành động khi chứng kiến đau khổ của tha nhân. Lòng thương xót ở đây đồng nghĩa với sự nhân đạo và lòng bao dung.

Với tinh thần Kitô giáo, thánh Augustinô và  Tôma Aquinô nói đến lòng thương xót như một sự trắc ẩn cảm thấu nỗi khốn khổ của người đau khổ. Lòng trắc ẩn này không phải là cảm xúc hời hợt bên ngoài, cũng không hẳn là một thứ tình cảm ủy mị, yếu đuối cho bằng một sự thấu cảm sâu xa dẫn tới hành động cụ thể để giúp cho tha nhân vượt qua được nỗi khổ đau.

Sang tới thời Cận Hiên Đại, các triết gia như Jean-Jacque Rousseau và Ephraim Lessing hướng đến một nền triết lý về lòng thương xót không chỉ dừng lại trên bình diện cá nhân mà còn phải vươn tới bình diện xã hội rộng lớn. Theo các triết gia này, lòng thương xót chính là nguồn khởi của mọi suy tư phản tỉnh và căn cốt cho mọi giá trị đạo đức, xã hội; lòng thương xót phải được thẩm thấu vào trong mọi mối tương quan xã hội và mọi cơ cấu xã hội.

Friedrich Schiller kế thừa tư tưởng của các triết gia thế kỷ Ánh Sáng và ông đã muốn hướng đến một triết lý lòng thương xót trong giáo dục. Ông vạch ra cả một kế hoạch nhằm xây dựng một nền giáo dục thấm nhuần tinh thần nhân đạo và xót thương.

Cũng vào thời Hiện đại, Athur Schopenhauer chủ trương một tư tưởng triết lý về lòng xót thương có tính cách đại đồng.  Ông nói đến lòng xót thương như một sự thấu cảm, một sự thông dự của người này vào đau khổ của người kia; với sự thông dự này, bức tường ngăn cách giữa cái tôi với cái anh không còn nữa và khi ấy lòng thương xót trở thành nguyên tắc chi phối trong mọi hành vi luân lý, đạo đức của người ta.

Sang đến thời của Emmanuel Kant, triết gia này chủ trương một thứ lý trí thuần túy gắn liền với mệnh lệnh tuyệt đối của nó. Theo đó, lòng thương xót trong triết lý của Kant không còn khía cạnh của tâm tư, cảm xúc nữa, nhưng hoàn toàn theo mệnh lệnh của lý trí thuần túy: Người ta phải thực thi những hành vi thể hiện lòng thương xót vì đó là mệnh lệnh của lý trí, đó là bổn phận của con người.

Triết lý về lòng thương xót thời Hậu Hiện Đại còn sâu sắc hơn nữa. Theo Edmund Husserl, người ta không thể đạt thấu bản chất của hữu thể, nhưng qua những hiện tượng mà hữu thể tự bộc lộ mà người ta có thể nắm bắt được phần nào bản chất của hữu thể. Cũng thế, qua hành vi thể hiện lòng thương xót, người ta đạt tới một sự nhận biết khả năng “thương xót” nơi người ta.  Với Max Scheler, lòng thương xót đích thực phải là biết đau với nỗi đau của người khác. Riêng với Martin Buber, Franz Rosenzweig, và Ferdinand Eber là các triết gia chủ trương một nền triết học tương quan (Philosophy of Dialogue), các triết gia này nhấn mạnh rằng con người vốn là hữu thể của tương quan và đối thoại; bởi vậy, lòng thương xót nơi con người không gì khác hơn là một sự liên đới trong đau khổ với người cùng khổ.

Lòng thương xót diễn tả qua niềm tin tín  ngưỡng

Lòng thương xót nơi bản chất con người không chỉ được diễn tả qua những nẻo đường triết học mà nó còn được thể hiện ra qua niềm tin tín ngưỡng trong nhân loại.

Khi nói đến lòng thương xót, Ân Độ giáo có ý niệm về ahimsa, tức là sự từ tâm. Đỉnh cao của Ấn Độ giáo về sự từ tâm ấy là thái độ kiên nhẫn bất bạo động ngay cả đối với kẻ gây ra đau khổ. Từ tâm không chỉ giải hóa khổ đau của người đau khổ mà còn biến cải tâm hồn của kẻ thủ ác nữa.

Khi nói về lòng thương xót, Phật giáo có nói tới ý niệm về từ bi. Từ bi thuộc về Tứ Vô Lượng trong Phật Giáo. Tứ Vô Lượng – từ, bi, hỷ, xả – là nguồn khởi để tiễu trừ cái khổ nơi mình, nơi người.

Với Hồi Giáo, rahmah là ý niệm căn bản xuất hiện rất nhiều lần trong Qur’an để diễn tả lòng thương xót gắn với danh Thiên Chúa. Mọi người Hồi Giáo đều được đòi buộc tỏ bày rahmah (lòng cảm thương) đối với tù nhân, cô nhi quả phụ và làm phúc bố thí cho kẻ cơ bần. Không những vậy, hằng năm người Hồi Giáo dành cả một tháng chay Ramadan để cảm thấu tình trạng khốn khó của người nghèo để làm gia tăng lòng xót thương nơi bản thân mình.

Xót thương với khuôn vàng thước ngọc mở ra cho một cuộc đối thoại

Bên cạnh lòng xót thương, dường như các tín ngưỡng tôn giáo nào cũng đều đề cập đến Khuôn Vàng Thước Ngọc. Khuôn Vàng Thước Ngọc có khi được phát biểu dưới dạng thức tiêu cực: “Đừng làm cho người khác những gì  mà mình không muốn người khác làm  cho mình.” Khuôn Vàng Thước Ngọc cũng có khi được phát biểu dưới dạng thức tích cực: “Hãy làm cho người khác những gì mình mong muốn người khác làm cho mình.” Luật này vốn được ghi khắc trong tâm khảm con người.

Khi đối chiếu Khuôn Vàng Thước Ngọc với lòng xót thương vốn cũng gắn với bản chất con người, ta có thể nói rằng lòng thương xót nơi người ta dường như được cụ thể hóa qua việc người ta sống triệt để với Luật Vàng này. Mà có một thực tế là tất cả các tín ngưỡng, tôn giáo đều nhấn mạnh đến Khuôn Vàng Thước Ngọc. Bởi vậy, ta có thể nói đến một cuộc đối thoại giữa các tín ngưỡng, tôn giáo về Khuôn Vàng Thước Ngọc và về lòng xót thương.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube