Vị Linh mục Trung Quốc nói về bầu khí phẫn nộ xung quanh các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Vatican

Một số phương tiện truyền thông ủng hộ thỏa thuận này đã phát biểu theo những cách thức “đáng ghê tởm”. Những người phản đối không chống lại thỏa thuận này hoặc chống lại việc thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng họ chống lại cách thức để đạt được điều này bằng bất cứ giá nào. “Ở nơi nào Giáo Hội được thực sự thi hành các quyền của mình?”. Tác giả là một linh mục thuộc Giáo hội hầm trú ở miền đông Trung Quốc.

Với cương vị là một tín đồ bình thường, quả là vô ích khi nói bất cứ điều gì liên quan đến những điều đang xảy ra trong mối quan hệ Trung Quốc – Vatican. Tuy nhiên, một số người đã gợi ý rằng, với tư cách là một thành viên của Giáo Hội, người ta phải bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề của Giáo Hội để hướng dẫn những người không biết sự thật. Mặc dù tôi chưa bao giờ dám “hướng dẫn” bất cứ ai bằng cách viết bài này, tôi chỉ muốn bày tỏ quan điểm của mình, điều đó có thể sai, nhưng đó là tuyên bố cá nhân của tôi về vấn đề này!

Những người ủng hộ Đức Hồng y Pietro Parolin luôn nói rằng các đối thủ muốn hướng đến việc gây cản trở các cuộc đàm phán Trung Quốc-Vatican cũng như việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Một phương tiện truyền thông nào đó thậm chí đã viết về “‘cơn bão truyền thông’ gần đây được thúc đẩy bởi các động cơ chính trị, cố gắng tái khởi động các chiến dịch được tổ chức bởi một số nhóm tại Hồng Kông và trong một số lĩnh vực phương Tây chống lại một bước ngoặt có khả năng xảy ra trong mối quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Vatican”.

Thật là đáng kinh tởm mỗi khi thấy cơ quan báo chí nói về chủ đề của mối quan hệ Trung Quốc – Vatican. Giờ đây, điều này hiện đang ngày càng trở nên lố bịch, vì phong cách viết của nó hoàn toàn phù hợp với phong cách của các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản. Tôi tự hỏi – nếu như ĐCS Trung Quốc có lòng hảo tâm như thế – tại sao hãng tin này lại không công bố bằng các ngôn ngữ khác cuộc phỏng vấn với Giám đốc Hàn lâm viện Giáo Hoàng về Khoa học, người đã nói rằng “Trung Quốc là người thực hiện tốt nhất Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo”. Tôi đoán rằng có thể thậm chí ngay cả họ cũng cảm thấy xấu hổ bởi một cái tát như vậy vào mặt.

Vâng, những lời này không có liên quan gì đến mối quan hệ Trung Quốc-Vatican. Điều tôi muốn nói là các đối thủ của một thỏa thuận thực sự không phản đối một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, và họ cũng không phản đối việc thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Vatican. Trên thực tế, chúng ta đã cùng nhau mong muốn có được một thỏa thuận cũng như việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng như các mối quan hệ ngoại giao không thể đạt được với cái giá của việc phải từ bỏ những quy tắc kỷ luật đã có từ lâu đời hoặc những điểm cốt yếu của Giáo hội.

Hơn nữa, chúng ta cần phải xem xét mức độ tin cậy của các bên đàm phán. Đảng Cộng sản đã trở nên đáng tin cậy từ khi nào bởi vì nó đã được sinh ra từ những điều dối trá? Ngoại trừ chính sách áp đặt bạo lực lên những người theo các hệ tư tưởng khác nhau – điều này khá thuyết phục – có bất kỳ chính sách đáng tin cậy khác nào vốn chỉ nhằm mục đích duy trì sự ổn định của chính phủ?

Nói cách khác, những người phản đối thỏa thuận không phản đối thỏa thuận hay việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Vatican. Điều họ phản đối đó chính là việc từ bỏ những điểm mấu chốt để đạt được một thỏa thuận hoặc các mối quan hệ ngoại giao nếu như thỏa thuận không mang lại lợi ích cho Giáo hội.

Quan điểm của Giáo hội là gì nếu như các mối quan hệ ngoại giao cuối cùng cũng được thiết lập? Hãy nhìn vào tình hình hiện tại của Giáo hội tại Trung Quốc. Đúng là mỗi nơi mỗi khác nhau, nhưng ở nơi nào Giáo Hội được thực sự thi hành các quyền của mình? Đâu là nơi thực sự thực hiện luật về tự do tôn giáo được ghi trong Hiến pháp?

Kể từ thời cổ đại, Giáo Hội đã trở thành lương tâm của xã hội, bởi vì Giáo hội luôn luôn là tiếng nói để chỉ trích những bất công cũng như những điều tà ác khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hiện tại cũng như bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng sẽ không chỉ chứng kiến việc Giáo Hội đánh mất vai trò với tư cách là một nhà tiên tri và lương tâm của xã hội, mà còn thúc đẩy hành vi tà ác của những kẻ bất công.

Tất nhiên, vai trò của Giáo hội với tư cách là tiên tri và lương tâm của xã hội đã có một sự ảnh hưởng rất khiêm tốn tại Trung Quốc ngày nay, và Giáo luật không gì khác hơn chỉ là một tờ giấy trắng đối với Giáo hội Trung Quốc. Ai, trong số các Giám mục bất hợp pháp, đã thực sự bị trừng phạt? Có phải các Giám mục đã được tấn phong bất hợp pháp, hoặc những người đã tấn phong bất hợp pháp cho những người khác, vẫn đang điều hành công việc của họ không? Không phải đề cập đến các Giám mục đã bị vạ tuyệt thông, những vẫn đang truyền chức cho các linh mục. Có bao nhiêu linh mục quản xứ ủng hộ phá thai? Quả thực hết sức hiếu kỳ khi biết về hai vị Giám mục, những người mà theo những lời đồn đoán trên mạng Internet – có vợ con, mặc dù họ không phải là những người mà tôi quen biết… Đối mặt với tất cả những vi phạm về Giáo lý và thậm chí ngày cả về vấn đề luân lý, đâu là hiệu quả ràng buộc của Giáo luật?

Screen Shot 2018-02-26 at 10.56.57 PMHãy trở lại với cách hành xử của chính phủ đối với Giáo hội. Trên khắp đất nước, có những giai đoạn liên tục, mà trong đó những ngọn Thánh giá đã bị phá hủy và các nhà thờ bị đóng cửa hoặc bị phá hủy. Những người chưa thành niên chưa bao giờ bị từ chối quyền tuyên xưng đức tin của họ hoặc thậm chí việc bước vào nhà thờ, nhưng có những quy định nghiêm ngặt đối với những người trưởng thành để được bước vào nhà thờ và việc họ có thể ở lại đó trong bao lâu (người ta có thể nói: thật phi lý, đâu ra lại có những quy tắc như vậy? Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng phải tạ ơn Thiên Chúa vì địa phương của bạn quả thực rất may mắn). Thậm chí ngay cả những người chết cũng không thể thoát khỏi điều đó (tại Tân Cương, bia mộ của Giám mục Phaolô Tạ Đình Triết thuộc Địa phận Ô Lỗ Mộc Tề, người đã qua đời vào mùa hè năm ngoái, đã bị tháo dỡ ngay trong đêm diễn ra đám tang của ngài). Tất cả những điều này thực sự đều đã được thực hiện bởi “người thực hiện tốt nhất Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo” khi nhắc lại lời của một Đức Ông có địa vị cao trong Toà Thánh.

Một lần nữa, tôi xin nhắc lại: Điều mà những người phản đối chống lại thỏa thuận này đó chính là nội dung của thỏa thuận cũng như các điều kiện đối với việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Họ không phản đối việc đàm phán hay việc thiết lập quan hệ ngoại giao, họ cũng không phản đối cái gọi là “Giáo hội chính thức”, bởi vì phần lớn cộng đồng đó vẫn hành động vì lợi ích của Giáo Hội, mặc dù đôi khi họ bị ép buộc bởi các cơ quan có thẩm quyền để đưa ra một số lập trường nhất định.

Trong bất kỳ trường hợp nào, thỏa thuận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Vatican chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng không thể nào đạt được một giải pháp bằng cách tranh cãi trực tuyến về việc làm thế nào và khi nào một thỏa thuận như vậy sẽ xảy ra.

Tất nhiên, như Đức Hồng y Joseph Zen đã nói, nếu như ĐTC Phanxicô thực sự yêu cầu họ ký kết một bản thỏa thuận như vậy, hầu hết những người phản đối cũng vẫn sẽ tuân theo lập trường của Ngài. Hãy nhìn lại và suy nghĩ về điều này. Thậm chí ngay cả khi chúng ta với cương vị là Giáo hội Trung Quốc khác với Giáo Hội Hoàn Vũ, vấn đề sẽ là gì? Chỉ có thêm một cộng đồng với “những đặc điểm riêng mang tính chất địa phương” của nó được thêm vào Giáo Hội!.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube