Về vấn đề Ukraine, Đức Phanxicô bị cô lập… hay đi trước thời đại?

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press tại Vatican, thứ Ba, ngày 24 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: Andrew Medichini/AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press tại Vatican, thứ Ba, ngày 24 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: Andrew Medichini/AP)

Mặc dù dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine đã đến rồi đi, nhưng có vẻ như vẫn còn quá sớm để nói nhiều về người giành chiến thắng và kẻ thua cuộc cuối cùng. Trong khi sự kháng cự của Ukraine và quyết tâm của phương Tây, cho đến nay, cả hai đều vượt quá sự mong đợi, vẫn có những kịch bản trong đó sự kết hợp giữa sự tiêu hao chiến trường và sự thao túng kinh tế có thể mang lại cho Putin ít nhất một phần chiến thắng.

Trong khi đó, kẻ thua cuộc rõ ràng nhất trong lĩnh vực ngoại giao là lời kêu gọi giải quyết chiến tranh bằng thương lượng, một đề xuất mà dường như hoàn toàn chẳng ai thèm quan tâm – không ai, nghĩa là, ngoài người ủng hộ nổi bật nhất ý tưởng này là Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hai ngày trước dịp kỷ niệm 1 năm cuộc chiến gần đây, vào ngày 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô lại tiếp tục đưa ra lời kêu gọi này, gọi cuộc chiến ở Ukraine là “vô lý” và “tàn ác”, đồng thời công khai kêu gọi ngừng bắn để mở đường dẫn đến một giải pháp thương lượng.

“Tôi kêu gọi tất cả những người có thẩm quyền đối với các quốc gia hãy cam kết cụ thể để chấm dứt xung đột, hướng tới một lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình”, Đức Thánh Cha nói. “Thứ được xây dựng trên đống đổ nát sẽ không bao giờ là một chiến thắng thực sự”.

Gần như ngay khi những lời vừa thốt ra khỏi môi miệng của Đức Thánh Cha Phanxicô, rõ ràng lời kêu gọi ngừng bắn của ngài đã được định sẵn là một đứa trẻ mồ côi địa chính trị.

Sau đây là cách nhà báo kỳ cựu người Ý Marco Politi, người đã đưa tin về Triều đại Giáo hoàng từ những ngày đầu tiên của Thánh Gioan Phaolô II, đã tóm tắt phản ứng quốc tế đối với đề xuất của Đức Thánh Cha Phanxicô:

“Nước Anh đã phớt lờ lời kêu gọi đó”, nhà báo Politi viết. “Tổng thống Mỹ, Biden, không muốn can thiệp. Putin không coi Vatican là trung gian hòa giải hiệu quả để đạt được các cuộc đàm phán. Tập Cận Bình, vì lý do chính trị nội bộ, không có ý định coi trọng vị thế của Tòa Thánh. Zelensky, người ngay sau cuộc xâm lược của Nga đã lan truyền về khả năng hòa giải của Vatican, hiện chỉ muốn một điều: Một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kiev, để cô lập Putin hơn nữa”.

Trong những khoảnh khắc kịch tính toàn cầu trước đây, nhà báo Politi lưu ý, bao gồm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và cuộc chiến ở Iraq, cộng đồng quốc tế thường hoan nghênh những nỗ lực hòa giải của Vatican, vì vậy, sự lạnh lùng lần này đặc biệt đáng chú ý.

“Chưa bao giờ trong 70 năm qua”, nhà báo Politi viết, “đối với một vấn đề có tầm quan trọng quốc tế như vậy, Tòa Thánh lại thấy mình ở một vị trí bên lề như vậy”.

Thật vậy, nhà báo Politi thậm chí còn gợi ý rằng các nhân viên ngoại giao của chính Đức Thánh Cha có thể âm thầm thất vọng với tình hình.

“Tại một số đại sứ quán, người ta nói rằng, về cơ bản, Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, và Ngoại trưởng Vatican, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, cảm thấy lo lắng với đường lối cứng rắn của vị Giáo hoàng người Argentina”, nhà báo Politi viết, người rõ ràng không muốn trở thành “tuyên úy của phương Tây”.

Tuy nhiên, như chính nhà báo Politi tiếp tục nhận định, lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Ukraine dường như bị cô lập và chỉ không hiệu quả nếu chúng ta hạn chế tầm nhìn sang châu Âu và phương Tây.

 Mặt khác, đối với phần lớn các nước phía nam bán cầu, việc Đức Phanxicô không sẵn sàng đứng về phía nào trong cuộc xung đột một cách rõ ràng, và thái độ hoài nghi của ngài đối với những lời kêu gọi giành chiến thắng hoàn toàn và mong muốn một nền hòa bình được đàm phán, nhất quán với cách mà một bộ phận lớn dân cư không phải người phương Tây trên thế giới nhìn nhận tình hình.

Tất nhiên, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ thế giới đang phát triển, và ngài trị vì vào thời điểm khi mà trọng tâm nhân khẩu học trong Công giáo rõ ràng đã thay đổi. Ngày nay, hơn 2/3 trong số 1,3 tỷ người Công giáo trên thế giới sống bên ngoài phương Tây, một tỷ lệ sẽ là 3/4 vào giữa thế kỷ.

Trong một thế giới như vậy, điều hợp lý nhất là bản năng tìm đường địa chính trị của Vatican sẽ ngày càng giống với bản năng của Liên minh châu Phi, hoặc Ấn Độ, hoặc thậm chí là các quốc gia OPEC, hơn là của Washington và Brussels.

Trên hầu hết phía nam bán cầu, có ba điều đúng với Ukraine.

– Đầu tiên, phần lớn nó được coi là một cuộc xung đột của châu Âu, một cuộc xung đột mà phần còn lại của thế giới không nhất thiết phải có liên quan trực tiếp.

– Thứ hai, trong khi ít người cổ vũ cho Putin, thì hầu hết cũng không coi NATO hay các cường quốc phương Tây là hoàn toàn vô tội.

– Thứ ba, nhiều người không phải là người phương Tây phẫn nộ trước các nguồn lực khổng lồ được đổ vào Ukraine trong khi, trong mắt họ, các vấn đề toàn cầu cấp bách khác lại bị bỏ quên.

Do đó, từ Bắc Kinh đến New Delhi, và từ Tehran đến Abuja, sự khẳng định cương quyết của Đức Thánh Cha Phanxicô về thỏa thuận ngừng bắn và đàm phán chấm dứt xung đột, trong đó có lẽ không bên nào có thể tuyên bố chiến thắng hoàn toàn, cộng hưởng với bản năng của chính họ.

Cuối cùng, nhà báo Politi đã đi đến kết luận tương tự.

“Đức Phanxicô chỉ có thể giống như một Cassandra bị phớt lờ nếu chúng ta giới hạn mình ở phương Tây. Nhưng một viễn cảnh địa chính trị toàn cầu, vốn không thể không in dấu vào chính sách của Vatican, mỗi ngày làm cho tiếng kêu báo động của ngài trở nên rõ ràng và thực tế hơn”, nhà báo Politi viết.

Xung đột quyền lực lưỡng cực, dù là giữa Nga và phương Tây hay giữa Trung Quốc và Mỹ, nhà báo Politi kết luận, đều nguy hiểm cho tất cả mọi người, và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về một hệ thống quan hệ quốc tế đa phương kiểu Helsinki là chiến lược rút lui duy nhất.

Do đó, cuối cùng, có lẽ người ta có thể nói điều này về Đức Phanxicô và Ukraine ở mốc một năm: Có lẽ đường lối của ngài đại diện cho một điểm yếu xét về vai trò và sự đảm đương ngoại giao truyền thống của Vatican. Tuy nhiên, cũng có thể, nó cũng đại diện cho sự ra đời của một tầm nhìn địa chính trị mới, một tầm nhìn mà Đức Phanxicô luôn dự định đưa ra.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube