Trong cuộc phỏng vấn mới, ĐTC Phanxicô nói về vụ Roe v Wade và chuyến viếng thăm khả thi tới Nga

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ nguyện Kinh TRuyền Tin từ cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican, Chúa nhật, ngày 3 tháng 7 năm 2022 (Ảnh: Andrew Medichini / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ nguyện Kinh Truyền Tin từ cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican, Chúa nhật, ngày 3 tháng 7 năm 2022 (Ảnh: Andrew Medichini / AP)

Trong một cuộc phỏng vấn mới đề cập đến nhiều chủ đề với Reuters, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến một số chủ đề nóng, bao gồm tin đồn về sức khỏe và việc từ chức của ngài, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và việc đảo ngược vụ Roe v Wade gần đây ở Hoa Kỳ.

Nói về quyết định mang tính lịch sử của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài không hiểu các vấn đề pháp lý cụ thể liên quan đến quyết định này, nhưng ngài tôn trọng các quyết định của tòa án và tin rằng việc phá thai là điều sai trái.

Vào ngày 24 tháng 6, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã công bố quyết định đảo ngược phán quyết Roe v. Wade tính bước ngoặt năm 1973 cho rằng quyền phá thai theo hiến pháp bắt nguồn từ quyền được bảo vệ đời tư.

Trong cùng một phán quyết, Tòa án cũng đảo ngược phán quyết Planned Parenthood v. Casey năm 1992, vốn củng cố vụ Roe v. Wade. Với việc phá thai không còn được công nhận là một quyền được hiến pháp bảo vệ, cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa nó giờ đây tùy thuộc vào từng quốc gia.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài không hiểu phán quyết “từ quan điểm chuyên môn, tôi phải nghiên cứu nó vì tôi không thực sự hiểu phán quyết cách đây 50 năm trước như thế nào và giờ đây tôi không thể nói liệu nó đúng hay sai theo quan điểm tư pháp”.

Tuy nhiên, “Tôi tôn trọng các quyết định”, Đức Thánh Cha nói, nhấn mạnh rằng ngoài các vấn đề pháp lý, bản thân việc phá thai “là một vấn đề”.

“Về vấn đề này, chúng ta phải có óc khoa học, xem khoa học nói gì với chúng ta ngày nay”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khoa học ngày nay và bất kỳ cuốn sách nào về phôi sinh học, cuốn sách mà các sinh viên y khoa của chúng ta nghiên cứu, nói với anh chị em rằng 30 ngày sau khi thụ thai, đã có DNA và sự hình thành của tất cả các cơ quan”.

“Tôi hỏi: ‘Có hợp pháp không, có đúng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề?’. Đó là sự sống con người, đó là khoa học”, Đức Thánh Cha nói. “Câu hỏi luân lý là liệu việc lấy đi một mạng người để giải quyết một vấn đề có đúng không, thực sự thì việc thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề có đúng không?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đề cập đến chủ đề rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ phá thai sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi lên rước lễ trong Thánh lễ đánh dấu Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ truyền thống khi bà cùng gia đình đến Rôma trong kỳ nghỉ.

Mặc dù bà Pelosi không được rước lễ trực tiếp từ Đức Thánh Cha Phanxicô, người không chủ sự buổi cử hành phụng vụ do những rắc rối liên tục về đầu gối của ngài, quyết định này đã khiến Đức Giám mục của bà Pelosi, Đức Tổng giám mục Salvatore Cordileone Địa phận San Francisco, gần đây đã quyết định cấm bà lên rước lễ trong Tổng giáo phận về sự ủng hộ của bà đối với quyền phá thai.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi Giáo hội đánh mất bản chất mục vụ của mình, khi một Giám mục đánh mất bản chất mục vụ của mình, điều đó gây ra một vấn đề chính trị. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói”.

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những lời đồn đoán rằng ngài sẽ từ chức Giáo hoàng, như người tiền nhiệm, Đức Benedict XVI, đã làm vào năm 2013, do các vấn đề sức khỏe liên tục liên quan đến một cuộc phẫu thuật ruột kết vào năm ngoái và những rắc rối với đầu gối của ngài.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô phủ nhận tin đồn rằng ngài bị ung thư ruột kết và nói rằng ngài đã bị “gãy xương nhỏ” ở đầu gối, sau khi bước hụt chân trong khi dây chằng bị viêm.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong những tháng gần đây, phần lớn phải ngồi xe lăn do đau đầu gối liên tục, nhưng không đề cập đến việc bị gãy xương cho đến hiện tại. Gần đây, ngài đã buộc phải hoãn chuyến viếng thăm dự kiến tới Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan mà lẽ ra phải diễn ra trong tuần này.

 Trước đó vào mùa hè, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu sử dụng xe lăn và thông báo về chuyến viếng thăm L’Aquila, nơi Đức Giáo hoàng Celestine V – vị Giáo hoàng cuối cùng từ chức trước Đức Benedict XVI – được chôn cất, và nơi trước Đức Benedict XVI đã đến viếng thăm vào năm 2009, để lại dây pallium bằng len của mình trên phần mộ của Đức Giáo hoàng Celestine V.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tất cả những sự trùng hợp này khiến một số người nghĩ rằng ‘nghi lễ’ tương tự sẽ xảy ra, nhưng điều đó không hề nảy sinh trong đầu tôi, nó không bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi”.

Về việc liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có nghĩ đến việc từ chức hay không, ngài nói: “Hiện tại thì không. Thực sự như vậy. Nhưng sẽ đến lúc tôi thấy rằng mình không thể đảm đương việc đó”.

 Khi thời điểm đó đến, Đức Thánh Cha nói: “Tôi sẽ làm điều đó và mẫu gương tuyệt vời của Đức Benedict XVI là một điều tốt cho Giáo hội; ngài nhắn nhủ các Giáo hoàng dừng lại kịp thời. Ngài quả thực hết sức tuyệt vời”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về một chuyến thăm có khả năng xảy ra đến Nga và Ukraine, điều mà ngài cho biết có thể diễn ra sau chuyến viếng thăm Canada vào cuối tháng này.

Đề cập đến chuyến đi tiềm năng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi muốn đến Ukraine, và tôi muốn đến Moscow trước”.

Mặc dù một chuyến đi có khả năng xảy ra đến Kyiv đã được đặt ra từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một chuyến viếng thăm tiềm năng của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Moscow.

Đức Thánh Cha Phanxicô và các quan chức hàng đầu của Vatican đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ đàm phán trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, lời đề nghị này, trong khi được khuyến khích bởi một số tiếng nói nổi tiếng ở Ukraine, đã không được Nga chấp nhận.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết các thông điệp đã được trao đổi về một chuyến thăm khả thi tới Moscow, “bởi vì tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống Nga cho tôi một cửa sổ nhỏ, tôi sẽ đến đó để phục vụ mục tiêu hòa bình”.

 “Và giờ đây, điều đó hoàn toàn khả thi, sau khi tôi trở về từ Canada, tôi có thể thu xếp để đến Ukraine. Điều đầu tiên là đến Nga để cố gắng giúp đỡ, nhưng tôi muốn đến cả hai thủ đô”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đề cập đến thủ đô Moscow của Nga và thủ đô Kyiv của Ukraine.

“Với Nga, vẫn còn đó cuộc đối thoại rất cởi mở, rất thân mật, rất ngoại giao theo nghĩa tích cực của từ này, nhưng hiện tại thì mọi thứ ổn thỏa; cửa đã mở”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube