Tại sao các giám mục Trung Quốc tìm kiếm sự hiệp thông với Rôma - và Bắc Kinh

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 08-03-2018 | 19:52:59

 

Đức Ông Anthony Figueiredo, một cố vấn của Vatican và là vị khách thường xuyên đến Trung Quốc, nói về lý do cơ bản khiến các giám mục Trung Quốc ủng hộ thỏa thuận sắp xảy ra giữa Vatican và chính phủ Trung Quốc.

CNA_54b0544f298ba_43210_Bohumil_Petrik

Ngôi nhà của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đã bị chia rẽ gần 60 năm giữa Giáo hội quốc doanh và Giáo hội hầm trú. Tuy nhiên, nhiều giám mục Trung Quốc, kể cả những người được chính phủ chấp thuận, nhận thấy ngôi nhà đó đã bắt đầu rơi vào hư hỏng, trừ phi Vatican và chính phủ Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục và khôi phục Giáo Hội Trung Quốc trong sự hiệp thông với Rôma.

Đức Ông Anthony Figueiredo, một linh mục người Mỹ thuộc Tổng Giáo phận Newark, New Jersey, là một chuyên gia tư vấn toàn thời gian cho Bộ thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện. Ngài đến Trung Quốc mỗi năm kể từ năm 2008 để thăm viếng Giáo hội ở đó và giúp đỡ Vatican trong những nỗ lực hòa giải. Đức Ông Figueiredo biết rõ các vấn đề mà các giám mục Trung Quốc đã chia sẻ với ông trong 10 năm qua và được ủy thác một lá thư chân thành từ bảy giám mục bất hợp pháp được chính quyền công nhận nhưng không được Tòa Thánh công nhận, nài xin Đức Thánh Cha cho họ được hiệp thông trọn vẹn.

Từ thời Thánh Gioan Phaolô II, chính sách rõ ràng của Vatican là công nhận một Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, mặc dù những mục tử bị phân chia giữa một Giáo hội quốc doanh được chính phủ chấp thuận và một Giáo hội trung thành với Rôma nhưng không được chính phủ công nhận. Khoảng 60 giám mục ở Trung Quốc được cả Vatican và chính phủ Trung Quốc công nhận, trong khi có gần 30 giám mục chỉ được công nhận bởi Vatican. Tuy nhiên, nhiều giáo phận không có giám mục. Cả hai phía đều đang tiến gần đến một thỏa thuận, bao gồm một sự ân xá của Đức Giáo hoàng và việc điều chỉnh lại bảy giám mục chỉ được chính phủ công nhận còn lại.

Trong một cuộc phỏng vấn với Peter Jesserer Smith của tờ Register, Đức ông Figueiredo giải thích tại sao một thỏa thuận về việc lựa chọn các giám mục giữa chính phủ Trung Quốc và Toà Thánh Vatican đang được mong muốn thực sự ở Trung Quốc và tại sao ĐGH Phanxicô có thể coi một sự thỏa hiệp không hoàn hảo như là một bước đi cần thiết đầu tiên để khôi phục việc Phúc âm hóa Công giáo Trung Quốc.

 

Tại sao sự hòa giải với Vatican và được ĐGH công nhận lại quan trọng đối với bảy giám-mục-được-chính-phủ-công-nhận-nhưng-được-tấn-phong-bất-hợp-pháp?

Tôi biết các giám mục này, cho dù dưới thời Đức Giáo hoàng Bênêđictô hay thời Đức Thánh Cha Phanxicô bây giờ, có ước muốn thực sự được hiệp thông với Rôma. Tôi nghĩ rằng điểm mấu chốt là họ cảm thấy mình bị dứt phép thông công, phải ở ngoài sự hiệp thông. Đó là điểm mấu chốt. Và tôi biết – vì đã nói chuyện với họ, đã chia sẻ với họ, đã gặp gỡ họ – rằng họ mang một nỗi đau thực sự, và đó thực sự là một nỗi đau đối với họ. Và như vậy, tôi nghĩ, đó là lý do sâu sắc nhất tại sao họ muốn hiệp thông với Rôma.

Cũng có một lý do khác mà tôi nghĩ là rất, rất quan trọng. Họ nhận ra rằng nếu không có sự hiệp thông này, tất cả mọi thứ thực sự bị ách lại, và không có gì phát triển.

Nghĩa là gì?

Vâng, có những vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, ví dụ, vấn đề bổ nhiệm giám mục. Có khoảng 110 giáo phận – tôi không biết con số chính xác – nhưng một số giáo phận không có giám mục. Không có sự tiến triển thực sự về vấn đề bổ nhiệm các giám mục. Mọi thứ đều bị dừng lại, về việc lựa chọn, về việc đề cử, mà đó là quá trình dài, rất dài. Và có tình huống gây lúng túng, với một người được đề cử và một người khác bị dứt phép thông công. Vì vậy, họ thực sự quan tâm đến việc không để trống toà các giáo phận này, làm sao để có các giám mục tại chỗ và chăm sóc những nhu cầu của người dân; đó là mối quan tâm về các giám mục.

Và tôi cũng biết những vấn đề khác nữa, ví dụ như khi chúng tôi đến Trung Quốc vào năm ngoái – và chúng tôi nói rằng chúng ta sẽ xem xét các vấn đề về hôn nhân và luân lý theo ánh sáng của Amoris Laetitia – thì các giám mục này liền phải đối diện với một câu hỏi cơ bản nhất trong các câu hỏi về vấn đề này, là không có bất kỳ một tòa án hôn phối hoặc một cơ quan giống như vậy trong giáo phận của họ. Và như vậy, tôi nghĩ rằng họ nhận ra những tiềm năng đang tồn tại và biết chính xác những gì họ đang thiếu.

Vấn đề lớn ở Trung Quốc từ xưa và sẽ còn tiếp diễn, là vấn đề đào tạo: đào tạo ở mọi cấp độ, cho dù đó là chủng sinh, cho dù đó là các nữ tu, cho dù đó là các giám mục. Bởi vì họ sẽ nhận được sự đào tạo từ đâu? Không ai có thể vào được Trung Quốc, và rõ ràng là cũng chẳng có ai đi ra nước ngoài được, hoặc nếu họ được đi ra nước ngoài, thì họ rõ ràng phải là những linh mục Trung Quốc thuộc Giáo hội quốc doanh, những người này đi ra và học ở nhiều nơi khác nhau, ở Chicago hay ở những nơi khác.

Nhưng khó khăn, cũng như đối với nhiều quốc gia khác, là người ta đến Hoa Kỳ hoặc các nước khác, rồi họ có thể sẽ kết thúc bằng việc ở lại những nước đó. Mỗi lần chúng tôi ở Trung Quốc, các vị giám mục từ Giáo hội được nhà nước công nhận đều yêu cầu được giúp đỡ về việc đào tạo, đào tạo trong các chủng viện, đào tạo với các giám mục – đặc biệt là việc đào tạo nữ tu; bạn biết đấy, có một sự xuống cấp thật sự nơi các chị em nữ tu hiện nay. Đó là một cuộc khủng hoảng thực sự, về số lượng các chị em tu sĩ; và con số các chủng sinh – sẽ có một cuộc khủng hoảng linh mục.

Vì vậy, tôi nghĩ, câu trả lời cho câu hỏi của bạn có thể được đưa ra ở tất cả các cấp độ. Để Giáo Hội tăng trưởng, để Giáo Hội phát triển, để Giáo Hội không bị trì trệ và thậm chí thoái lui, tôi nghĩ các vị giám mục này hiểu rằng cần có sự cởi mở đối với thế giới bên ngoài, và đặc biệt, điều đó có nghĩa là hiệp thông với Rôma.

Cha có nói chuyện với các giám mục được nhà nước công nhận này về cách họ nhìn nhận tầm quan trọng của việc hòa giải Giáo hội hầm trú và Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc do chính phủ điều khiển? Họ có đưa vấn đề này ra hay không?

Chắc chắn vấn đề được nêu ra, bởi vì khi chúng ta đến các cuộc gặp gỡ hội họp, cho dù là tại hội nghị các giám mục hay tại chủng viện quốc gia ở Bắc Kinh – một chủng viện lớn, hoặc chúng ta đi đến những nơi khác, ví dụ như, các nhà thờ ở Bắc Kinh, để nói chuyện hoặc để ăn mừng hoặc để làm bất cứ điều gì khác, thì gần như không thể phân biệt được ai là giám mục và linh mục và giáo dân yêu nước và ai là những người thuộc Giáo hội hầm trú. Bởi vì tôi nghĩ có rất nhiều sự hợp tác, hoặc hợp tác nhiều hơn đáng kể so với những gì chúng ta biết hoặc cảm nhận.

Tôi đã tham gia các cuộc họp, tôi đã làm công việc đào tạo tại chủng viện quốc gia, chẳng hạn như việc đào tạo liên tục cho các linh mục và nữ tu, nơi đúng là có một sự pha trộn với nhau giữa những người yêu nước và những anh chị em hầm trú. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều đang diễn ra hơn là những gì chúng ta biết được.

Một trong những vấn đề lớn ở Trung Quốc là chúng ta đang nói về 1,4 tỷ người, chiếm 1/5 dân số thế giới. Đây đúng là một quốc gia khổng lồ để quản lý và tổ chức. Và việc quản lý rất khác nhau giữa các tỉnh. Điều xảy ra ở một khu vực, có thể xảy ra theo kiểu hoàn toàn đối nghịch ở một khu vực khác.

Cha có thể giải thích về điều đó không?

Bạn biết đấy, có rất nhiều cuộc bức hại. Liệu cuộc bức hại có tồn tại? Có tồn tại một sự vi phạm nhân quyền không? Tất cả những lo lắng và lo ngại – có các linh mục và giám mục, tín hữu đang phải tử đạo không? Chắc chắn là có. Trên mỗi cấp độ đơn lẻ, những điều đó đã xảy ra.

Một trong những khó khăn, mặc dù, là đôi khi điều đó có xu hướng rất khu vực. Vì vậy, quả là có một cuộc tấn công vào nhà thờ, hoặc có các nhà thờ đang bị phá hủy, hoặc đang bị bóp chết dần. Và điều đó đang có tại một số khu vực đặc biệt của Trung Quốc. Và đôi khi quan điểm mà chúng tôi nhận được là cuộc bách hại đang xảy ra trong toàn bộ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng không nhất thiết là như vậy. Rất khó để biết được ai thực sự dẫn dắt các cuộc bách hại hay gây khó dễ đó. Đó có phải là Cục Quản lý Tôn giáo của Nhà nước hay không? Là chính quyền địa phương? Rất khó xác định. Và ai đã ra lệnh; ai có lời cuối cùng? Ở một số khu vực, chính quyền địa phương đã ra lệnh làm khó dễ Giáo hội, và tôi nghĩ toàn bộ chính quyền Trung Quốc sẽ bị đổ lỗi.

Ở Hoa Kỳ cũng vậy, với những gì đang xảy ra liên quan đến luật phá thai hoặc vấn đề giới tính hoặc luật hôn nhân. Những gì có thể xảy ra ở Texas thì hoàn toàn khác với những gì đang xảy ra ở Florida. Và tôi nghĩ có rất nhiều nhầm lẫn ở đây.

Chính phủ Trung Quốc cảm nhận như thế nào về vấn đề này của các giám mục?

Cảm nhận mạnh mẽ của tôi là chính phủ Trung Quốc đang đi theo hướng này. Ý tôi là có thiện chí ở cấp độ quốc gia để tiếp tục đi theo hướng này, và rõ ràng, điều đó cũng đang xảy ra ở Vatican. Sẽ có những khu vực hoặc nơi chốn mà ở đó Giáo hội hầm trú vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Giáo hội hầm trú sẽ tiếp tục phải ẩn kín. Sẽ có những cuộc bách hại, những khó khăn, nhưng việc mở cửa đã có; có thiện chí chứ không phải là không có.

Chúng ta sẽ không có một tình cảnh hoàn hảo, và chúng ta không thể chờ đợi điều đó. Tôi nghĩ đó là những gì được cảm nhận ngay bây giờ. Chúng ta sẽ không chờ đợi cho đến khi mọi khu vực đều sẵn sàng được đưa lên tàu, khi mà đất nước này là 1,4 tỷ dân. Và tôi nghĩ đó là cách Đức Giáo hoàng Phanxicô đang làm việc và hành động với hoàn cảnh ở Colombia: Bạn biết đấy, đó là paso a paso (“hãy thực hiện bước đi đầu tiên”). Đó là cách quản trị công việc của ngài ở đó để đàm phán hòa bình, và tôi nghĩ đó là phương thức hiện thời của ngài ở Trung Quốc. Nay đã rõ ràng là việc này đã được thực hiện trong một số năm. Và chắc chắn, những gì đến từ cách Toà Thánh làm ở Trung Quốc … là tích cực. Không ai có thể thực sự phản đối điều này. Và thậm chí một trong những bài báo của nhà nước cũng chỉ ra khả năng có các quan hệ ngoại giao.

Nếu có một thỏa thuận giữa Vatican và chính phủ, Cha có nghĩ rằng nó cũng bao gồm vấn đề 30 giám mục hầm trú, hay đây sẽ là một vấn đề riêng biệt sẽ giải quyết vào thời điểm khác?

Tôi không có hiểu biết cụ thể về điều đó, tôi không có thông tin riêng về điều đó, nhưng tôi tưởng tượng nó sẽ bao gồm tất cả những vấn đề đó. Tôi nghĩ sẽ không có chuyện chấp nhận bảy giám mục bất hợp pháp và các giám mục hầm trú mà không có một số cuộc đối thoại hoặc bao gồm hoặc tiếp cận với họ.

Về Điều 337 của Giáo Luật (cấm các quan chức dân sự tham gia vào việc lựa chọn các giám mục), chúng ta có ví dụ nào khác về việc Đức Giáo hoàng đã đưa ra ngoại lệ cho quy tắc này không?

Tôi không hoàn toàn chắc chắn về vấn đề này ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ có một điều tương tự với các giám mục Việt Nam, khi chính phủ và Vatican cùng làm việc về sự chấp thuận các giám mục. Tôi không nghĩ đây sẽ là mô hình chính xác, nhưng chắc chắn nó đã xảy ra trong quá khứ. Và hãy nhớ: ơn cứu rỗi của các linh hồn là luật pháp tối cao của Giáo hội, hoàn toàn là như thế, và chúng ta cũng nên nhớ rằng nhà lập pháp tối cao là giáo hoàng. Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang thấy ở đó là một quyết định của nhà lập pháp tối cao, vì lợi ích của sự chữa lành, vì lợi ích của sự hiệp thông.

Nói cho bản thân tôi, không nói cho Đức Thánh Cha, để tiến hành việc chữa trị và chữa lành sự phân ly, cần có các giám mục là những người có thiện chí. Mỗi lần tôi trở về từ Trung Quốc – và tôi đi mỗi năm – các giám mục đã liên lạc với tôi để bày tỏ với Đức Thánh Cha thiện chí của họ, thậm chí họ nhờ tôi chuyển cho ngài những bức thư và các kiến nghị khác. Họ đã luôn nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tới Rôma vào ngày mai, nếu chúng tôi được phép để làm điều đó.”

Nhưng, rõ ràng, họ đã không thể làm điều đó, cho đến bây giờ. Vì vậy, đây không chỉ đơn giản là Đức Thánh Cha thúc đẩy một cái gì đó hoặc áp đặt một cái gì đó. Đây không phải là nỗ lực đàm phán một chiều. Tôi tin rằng đây thực sự là rất nhiều điều đến từ cả hai bên. Và tôi nghĩ rằng điểm mấu chốt, cho đến nay, là chế độ ở Bắc Kinh, rõ ràng rồi, nhưng đó cũng là ở đây nữa, tức là ở Rôma.

Chúng ta có những nhân vật như Hồng y Trần Nhật Quân và những người khác, những người đã phản đối, đúng như vậy. Họ có lý do của họ, họ có lý do của họ để làm điều đó. Nhưng tôi nghĩ Đức Thánh Cha đã nhìn thấy rằng thời gian là quan trọng để di chuyển và thực sự ý thức rằng chúng ta không thể dậm chận tại nơi chúng ta đang đứng. Chúng ta có những anh em Tin Lành ở Trung Quốc, những người đang phát triển với số lượng lớn, và trong một số khía cạnh, Giáo Hội Công Giáo đã không thể phát triển cùng một tầm mức như vậy.

Có ai có ý tưởng về những gì sẽ được thực hiện đối với Hiệp hội Yêu nước hay không?

Theo quan điểm của tôi, đó rõ ràng là một vấn đề lớn; đó là một vấn đề lớn. Tôi đã nói chuyện với một số giám mục và một số quan chức tại hội nghị các giám mục về các vấn đề như phá thai, chính sách gia đình hai con; và tôi sẽ không giấu điều này rằng chắc chắn họ sẽ báo cáo với chính phủ về các nội dung đó, bởi vì tôi nghĩ rằng họ cảm thấy cần phải làm như vậy. Họ cần làm, vì họ là một phần của [Hiệp hội Yêu nước], có một sự trung thành với chính phủ.

Tôi nghĩ rằng sự chuyển đổi, sự mở ra, chỉ có thể xảy ra nếu có một bước đầu tiên được thực hiện và có một cuộc đối thoại được mở ra. Một lần nữa, tôi nghĩ, điều này rất hợp với tư tưởng của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chúng ta sẽ không chờ đợi cho đến khi mọi thứ hoàn toàn là hoàn hảo để nói rằng, tốt, chúng tôi sẽ chấp nhận các giám mục này”.

Tôi nghĩ rằng ngài đang tìm kiếm những bước đầu tiên, và sau đó sẽ xây dựng trên đó những công trình theo thời gian. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ, bạn biết đấy, rằng là bước đi ban đầu là một bước quan trọng, đó là một bước tiến tuyệt vời, đó là một bước rất can đảm, bởi vì sẽ có sự chống đối rất lớn, sẽ có những trở ngại và nhiều trở ngại trên đường đi. Nhưng tôi nghĩ sẽ phải có sự theo dõi chặt chẽ, theo dõi chặt chẽ, theo sát chặt chẽ để chúng ta đi đúng. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện bước đó ngay bây giờ, thì chúng ta sẽ có nguy cơ có thể bị ngưng lại trong nhiều năm nữa.

Tại sao người Trung Quốc quan tâm đến điều này?

Có lập luận rằng họ muốn một sự thừa nhận, ở cấp độ thế giới, từ một tôn giáo lớn, từ Giáo hội Công giáo.

Tôi nghĩ rằng vấn đề lớn là Trung Quốc cũng đang thay đổi. Đó là một quốc gia mà theo một cách xem xét, đã khá phát triển, và chắc chắn xã hội Trung Quốc là xã hội đang thay đổi. Tôi chỉ nói chuyện với một số người dân Trung Quốc địa phương. Bạn biết đấy, họ đang có một dân số ngày càng già hơn. Họ có chính sách một con, đã được áp dụng trong nhiều năm. Và, khi tôi nói chuyện với một số gia đình, họ đã nói, “Ồ, giờ đây ai là những người sẽ chăm sóc cha mẹ chúng ta?” Và họ nhận ra rằng Giáo hội là một người đóng vai chính ở mức độ từ thiện, tôi muốn nói, trong việc thành lập các trường học và bệnh viện và các cơ quan có thể chăm sóc người khác và đóng góp vào lợi ích xã hội của xã hội. Và tôi nghĩ đó là một yếu tố quan trọng để xem xét.

Tôi nghĩ đang có một nhận thức rằng Giáo hội có phần đóng góp để thực hiện công việc đó. Theo truyền thống trong Giáo hội của chúng ta, và là ngay từ thời Giáo hội sơ khai, bác ái là thẻ căn cước của Kitô giáo.

Và nếu chúng ta được phép đi vào những khu vực này, thì có thể bắt đầu làm thay đổi con tim của người dân. Bạn biết đấy, người ta không cần phải là một Kitô hữu để công nhận bác ái, bởi vì lòng nhân ái tự chính nó mang sứ điệp của Đức Kitô. Và đó là mong muốn lớn lao của Mẹ Têrêsa: Mẹ luôn muốn vào Trung Quốc, nhưng chắc chắn Mẹ không muốn vào đó để lôi kéo người ta cải đạo hoặc thay đổi xã hội hoặc bất cứ điều gì, nhưng Mẹ muốn vào đó để chỉ đơn giản là chăm sóc người dân, bởi vì họ là những người cuối cùng – Mẹ đã làm [công việc từ thiện] ở khắp các nơi khác. Nhưng Mẹ sẽ là một trong những người đầu tiên nói rằng mọi sứ điệp của chúng ta đều mang Đức Kitô.

Vì vậy, nếu việc mở cửa này cho phép, ví dụ, nhiều hội dòng đi vào Trung Quốc, vốn đã là điều đang xảy ra, thì theo nghĩa đó, tôi nghĩ rằng đây có thể là một đóng góp thực sự vào việc xây dựng các thông điệp Kitô giáo tại Trung Quốc. Từng bước từng bước. Nhưng đó là cách Kitô giáo phát triển, tôi nghĩ vậy.

Vũ Hùng chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube