Tại cuộc họp của LHQ, Tòa Thánh kêu gọi "cách tiếp cận đặt con người làm trọng tâm đối với những người nhập cư"

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 13-04-2018 | 07:41:51

Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hợp Quốc khuyến khích các nhà lãnh đạo toàn cầu áp dụng một “cách tiếp cận đặt con người làm trọng tâm đối với những người nhập cư”, chứ không phải phản ứng với “những giải pháp ngắn hạn không bền vững”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa Thánh tại LHQ, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, đã kêu gọi các nước xem xét “không chỉ quyền chủ quyền của các quốc gia để quản lý và kiểm soát biên giới mà còn trách nhiệm của họ trong việc cổ võ và bảo vệ phẩm giá con người, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của tất cả những người phải sống cảnh nay đây mai đó, bất kể tình trạng di cư của họ”.

Phát biểu hôm 11 tháng 4 tại cuộc họp thường niên của Ủy ban Liên hợp quốc về Dân số và Phát triển, Đức TGM Auza đã cảnh báo trước các chính sách phản tác dụng, chẳng hạn như kiểm soát dân số hoặc quan điểm hẹp hòi về “lợi ích quốc gia”.

“Các giải pháp ngắn hạn không bền vững vốn làm mồi cho sự sợ hãi và sử dụng nhân khẩu học để biện minh cho các khu vực biên giới đóng kín hoặc thúc đẩy việc kiểm soát dân số chỉ dẫn đến những cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát được trong tương lai”, Đức TGM Auza nói.

Đức TGM Auza lập luận rằng “bất kỳ quốc gia nào muốn quản lý biên giới một cách hiệu quả cũng phải chịu trách nhiệm về lợi ích chung của các nước láng giềng của mình”. Đức TGM Auza cho biết rằng sự tăng cường toàn cầu hóa có nghĩa là hành động của một quốc gia trong mối vì lợi ích quốc gia của nó trực tiếp tác động đến các quốc gia khác.

Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Dân số và Phát triển Liên Hợp Quốc tuần này tập trung thảo luận về “Các thành phố bền vững, Tính lưu động của Con người và Di cư Quốc tế”.

Migrant_Credit_ZouZou_via_wwwshutterstockcom_CNA_9_3_15Đại diện Tòa Thánh đã đề xuất rằng chìa khóa đối với việc làm cho vấn đề di cư toàn cầu trở nên bền vững hơn trong tương lai đó chính là chống lại những vi phạm nhân quyền và nghèo đói thông qua giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và các chính sách vốn đảm bảo việc tiếp cận với sự bảo vệ xã hội và công việc phù hợp. Đức TGM Auza nói rằng tất cả các nước đều có chung trách nhiệm này đối với “sự thịnh vượng, hòa bình và an ninh của tất cả mọi người”.

Vị Sứ Thần Tòa Thánh cũng cảnh báo về những hậu quả tiêu cực khi các quốc gia không cho phép các con đường di chuyển thường xuyên đối với những người nhập cư trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, khủng hoảng kinh tế và các thảm hoạ quốc gia. Đức TGM Auza nhấn mạnh rằng điều này có thể buộc các cá nhân phải “tìm kiếm những con đường di cư bất thường và thường xuyên nguy hiểm hơn, trở thành nạn nhân của tình trạng buôn lậu, nạn buôn người, chế độ nô lệ hiện đại và các hình thức bóc lột khác”.

Đức Tổng Giám Mục kết luận bằng cách yêu cầu Liên hiệp quốc tái cam kết “điều mà ĐTC Phanxicô đã gọi là ‘một nền văn hoá của sự gặp gỡ’, vốn liên quan đến sự thừa nhận khiêm tốn rằng những vấn đề mà người dân hiện đang phải đương đầu không thể giải quyết một cách độc lập và do đó đòi hỏi tinh thần liên đới lớn hơn cũng như sự cam kết đối với công ích cả trong và ngoài nước”.

Đức Tổng Giám Mục Auza, người gốc Phi Luật Tân, đã phục vụ với tư cách là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kể từ khi được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm vào năm 2014. Các công việc liên quan đến lĩnh vực ngoại giao trong quá khứ của Đức TGM Auza bao gồm đại diện cho Giáo hội tại Madagascar, Bulgaria và Albania.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube