"Phúc thay ai chịu bách hại vì chính đạo”

Đức Giêsu đã sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động khi đất nước Do thái bị đô hộ bởi đế quốc Rôma hùng mạnh, dưới quyền cai trị của ông vua bù nhìn Hêrôđê, nhưng thực quyền lại nằm trong sự sinh sát của Tổng trấn Rôma là Philatô. Đã có những bất đồng chính kiến, những thái độ chính trị từ các thành phần xã hội và cả tôn giáo nữa, như a dua, cộng tác hoặc bất hợp tác lẫn những cuộc dấy loạn, bùng phát thành cuộc chiến, ám sát, trả thù người Rôma. Có những nhóm Do Thái cuồng nhiệt tin rằng họ có sứ mạng tiêu diệt người Rôma để giải phóng đất nước và chờ mong Đấng Mêssia xuất hiện để lãnh đạo họ giành lại độc lập, tự do cho quê hương.

Và Đức Giêsu đã trở thành nạn nhân của chính những thế lực chính trị này. Khi họ liên minh với nhau để tố cáo Người về tội xách động dân chúng làm phản (Ga 19,12). Chính Philatô cũng biết Đức Giêsu bị tố cáo vì lòng thù hận ghen ghét giáo lý mới mà Người rao giảng, chứ không phải vì có liên hệ đến chính trị.

Lịch sử tang thương và đẫm máu người vô tội chưa chấm dứt trong vụ án Đức Giêsu. Nó còn kéo dài cho đến ngày tận thế, như lời báo trước của Đức Giêsu (Lc 21,12-16), khiến cho nhiều Kitô hữu phải chết, chỉ vì sự thù hận ghen ghét Hội thánh Chúa, mà trong đó, việc quy chụp vấn đề chính trị chỉ là cái cớ mà thôi.

Ngay cả hôm nay, việc cấm Đạo và lối hành xử bất công tàn ác đối với người tín hữu vẫn còn tiếp diễn, trong một thời đại luôn được “gào thét” là độc lập, tự do, tôn trọng, bình đẳng, văn minh, nhân quyền… trước pháp luật, có lẽ cứ phải hiểu ngược lại mới là chính xác nhất.

“Phúc thay ai chịu bách hại vì chính đạo, vì Nước Trời là của họ”!

Đức Giêsu luôn luôn phải chịu đóng đinh trong Thân Thể Mầu nhiệm của Người là Hội thánh.

Đức Giêsu luôn luôn phải chịu đóng đinh nơi những tâm hồn cao thượng, đã nghe theo tiếng gọi cũa lương tâm, can đảm dấn thân cho sự thật và công lý, cho công bằng và hòa bình, cho con người và quyền con người. Họ là những người biết cảm thương và muốn hiến mình trong chương trình giải thoát con người mọi nỗi đau khổ khốn cùng, không chỉ lo giải quyết hậu quả mà còn muốn giải quyết cả nguyên nhân nữa! Những con người có lòng thiện hảo như vậy, luôn bị coi như là chướng ngại vật, là những cái gai nhức đối với những kẻ lãnh đạo nắm quyền sinh sát nhưng lại lạm dụng quyền bính để thực hiện những mưu đồ bất chính, vơ vét để thỏa mãn lòng tham, hưởng thụ trên xương máu người dân, ích kỷ và cầu an, nhu nhược, khiếp đảm trước quân thù.

Những người dám gạt bỏ tình riêng, chọn đứng về phía người nghèo khổ, những người bị đàn áp, đối xử  bất công, bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng, bị xã hội ruồng rẩy; những người dám sống lý tưởng cao đẹp, dấn thân trong phong trào tranh đầu cho công lý hòa bình; những người can đảm dám nói lên những sự thật đau lòng về hiện tình bi thảm của đất nước, về tương lai tăm tối và bế tắc của dân tộc và dám chịu những hậu quả tệ hại nhất xảy đến cho mình… họ chính là những chiến sỹ ngày đêm chiến đấu cho lẽ công chính, cho chính đạo, và chấp nhận số phận nghiệt ngã, bi tráng dành cho mình, không phải là một ngày, nhưng muôn đời là vậy. Đức Giêsu coi những người như thế là môn đệ (x.Lc 9, 23t), vì họ đang đi trong đường lối của Thiên Chúa. Họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc, và Đức Giêsu xác quyết rằng, ngay từ bây giờ, Nước Trời là của họ.

Vì chính Đức Giêsu cũng đã từng bị đối xử, bị kết án, bị hành hạ và giết chết một cách bất công; vì chính Đức Giêsu cũng đã kêu lên những tiếng bi ai lên Thiên Chúa (Dt 5, 7-9), thì những tiếng kêu đau thương oan ức của những người dân oan, tiếng kêu bi ai thống thiết của những người bị đáp áp, bất công, bị bách hại vì chính đạo cũng mang âm hưởng của chính tiếng kêu của Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng đang hiện diện nơi những người đó. Tiếng kêu ấy sẽ thấu đến tận Trời, và Công lý từ Trời sẽ biện minh cho họ, sẽ báo oán cho họ, sẽ trả lại công đạo cho họ, vì những gì thuộc về Chân, Thiện, Mỹ sẽ tồn tại muôn đời.

Chúa Kitô mãi mãi hiện diện trong Giáo hội của Ngài. Ngài luôn hiện diện trong cuộc đời nhân chứng của những kẻ theo Ngài, cho dù đôi khi học chưa ý thức về điều đó.

Ngày 14/5 tại trại giam Nghệ An, ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đã không ngần ngại từ bỏ vị trí một doanh nhân nổi tiếng, thành đạt, hy sinh cả hạnh phúc gia đình để trở thành một nhà tranh đấu cho dân chủ, cho nhân quyền tại Việt Nam và đang chịu bản án 16 năm tù về tội danh “lật đổ chính quyền”, đã thông báo với thân nhân về quyết định tuyệt thực của mình: “Thưa ba, con không thể sống trong một đất nước không tôn trọng pháp luật, không có quyền con người. Con yêu gia đình lắm, nhưng con yêu Việt Nam hơn. Con quyết định tuyệt thực kể từ ngày 24/5 không thời hạn để đòi hỏi sự thượng tôn pháp luật và yêu cầu trưng cầu dân ý, trao cho nhân dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước. Nếu đó là định mệnh thì con sẵn sàng chết cho mục tiêu này.”

Có nhiều “kẻ cuồng chế độ cộng sản” chế diễu ôngh là ngu dại, ảo tưởng, cơ hội, bất hiếu…

Nhưng thật ra ông là người chính trực, không chấp nhận sự bất công, gian dối và sẵn sàng tranh đấu đến cùng để chỉ ra những thứ lạm quyền, bất công, những sự bất cập của chế độ này. Ông không ham lật đổ chính quyền (mà lấy gì để lật?), ông chỉ chống bạo quyền và đòi hỏi nhà cầm quyền phải tuân thủ sự nghiêm minh của luật pháp, mà luật pháp đó là do chính quyền soạn thảo. Ông chấp nhận hy sinh vì lý tưởng đúng đắn ông đã chọn, mặc dù phải trăn trở đến nát lòng khi chọn lựa giữa hai con đường sống và chết; giữa hai bên, bên tình cảm gia đình và tình quê hương dân tộc. Ông không đấu tranh chỉ cho bản thân và gia đình, mà tranh đấu cho cả đất nước, trong đó có gia đình nhỏ của ông.

Lý tưởng ông theo đuổi là một xã hội tôn trọng pháp luật và quyền con người. Đó là nền tảng vững chắc, là hạnh phúc trong hiện tại và tương lai sáng lạn của bất kỳ quốc gia nào. Vì thế ôngh nói: “Đây là trận cuối”, không phải “được làm vua, thua làm giặc”, nhưng “nếu không thành công thì cũng thành nhân”. Thành nhân là thành người, “Thể Thiên hành hóa”: trên thể lòng Trời, dưới phò chánh đạo mà không cần phải đợi đến trăm năm; thành nhân là thành cốt lõi, thành hạt giống niềm tin sẽ trở thành quả hy vọng để dân Việt nhìn thấy được những giá trị đó và ủng hộ ông để cùng xây dựng một xã hội biết thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền con người. Vì thế, ông cương quyết không thỏa hiệp và cũng không muốn biến mình thành món hàng đổi chác, dù với danh nghĩa là tị nạn chính trị.

Quyết định tuyệt thực, mạng sống ông chỉ tính được từng ngày, nhưng ông mong muốn mọi người sẽ lắng nghe, đồng tình, đồng lòng với thông điệp “sống còn” của ông, hiểu được lý tưởng và tâm hồn của ông và những tù nhân lương tâm tranh đấu như ông, để chung sức cho sự sinh tồn của dân tộc, cho của tương lai của đất nước Việt Nam mến yêu.

Đức Giêsu đã chấp nhận sự kết án bởi bản án bất công, nhưng một cách huyền nhiệm, bản án đó đã đi vào trong ý định của Thiên Chúa Cha mà Ngài đã hứa phục vụ cho đến cùng.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube