PHI CHÂU - Tháng Truyền giáo Ngoại thường: Giữa đức tin được tuyên xưng và đức tin được thể hiện, Châu Phi hiện vẫn còn là "mảnh đất truyền giáo"

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 29-09-2018 | 05:43:34

“Tâm điểm của vấn đề về sự hiện diện của Kitô giáo ở châu Phi chính là sự không tương thích giữa đức tin được tuyên xưng và đức tin được thể hiện”

Kara (Agenzia Fides) – “Châu Phi thường được miêu tả, một cách gần đúng, như một vùng đất truyền giáo ở giai đoạn đã bám rễ sâu, sẵn sàng truyền sự năng động của đức tin cho các Giáo hội lâu đời và các thực thể truyền giáo chẳng hạn như châu Âu vốn đã bị suy yếu”, linh mục Donald Zagore, thần học gia người châu Phi, chia sẻ về Tháng Truyền giáo Ngoại thường, tháng 10 năm 2019, được công bố bởi ĐTC Phanxicô.

primopiano_6737“Trong thực tế – linh mục Zagore tiếp tục – đối với nhiều người, lục địa này ngày nay có thể và cũng phải truyền giáo cho châu Âu, cũng giống như vào những năm 1800, châu Âu đã làm như vậy với châu Phi. Nhưng quả thực cũng đúng là Kitô giáo ở Châu Phi có sức mạnh không thể so sánh, nhờ vào sức sống của các Giáo hội và những người trẻ, và điều quan trọng đó chính là cần phải thừa nhận rằng Kitô giáo cũng có những hạn chế đáng kể cho thấy cần phải có một cách tiếp cận thận trọng hơn”, nhà truyền giáo cho biết. “Tâm điểm của vấn đề về sự hiện diện của Kitô giáo ở châu Phi chính là sự không tương thích giữa đức tin được tuyên xưng và đức tin được thể hiện. các nhà thờ của chúng ta thì luôn chật kín người thế nhưng các quốc gia của chúng ta  thì lại ngày càng bị chia rẽ. Sự bất công, việc thiếu tinh thần bác ái, thiếu tinh thần huynh đệ chính là một phần thực tế tồn tại ở châu Phi, và đồng thời cho thấy rằng các giá trị Kitô giáo được tôn vinh trong các nhà thờ của chúng ta hoàn toàn xa vời so với đức tin được thể hiện ở các thành phố của chúng ta. Người dân châu Phi dường như bị mắc kẹt giữa cuộc sống bên trong Giáo hội và cuộc sống bên ngoài Giáo hội. Sứ mạng truyền giáo phải được thực hiện để điều hòa ‘hai xu hướng này’ ngõ hầu các giá trị Kitô giáo được tôn vinh trong Giáo Hội cũng phải được thể hiện trong các gia đình cũng như trong xã hội.

Sự không tương thích giữa đức tin được thể hiện và đức tin được tuyên xưng được thể hiện một cách rõ ràng hơn ở cấp độ văn hóa. Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài không thay thế các tín ngưỡng văn hóa nhưng được thêm vào đó. Có một hình thức của việc hội tụ các tín ngưỡng, đôi khi là sự kết hợp các niềm tin khác nhau vốn có thể được nhận thấy rõ nhất trong những khoảnh khắc đau khổ nghiêm trọng như bệnh tật và cái chết. Thường thì tôn giáo được nhận thức bởi người dân châu Phi chỉ với động lực thực dụng”.

“Một tôn giáo được đánh giá tốt hay xấu tùy thuộc vào việc nó có đáp ứng các nhu cầu của các tín đồ của nó hay không. Nếu nó không mang lại sự hài long cho các tín đồ của mình, nó sẽ bị ruồng bỏ hoặc người ta sẽ đi theo tôn giáo khác”, Đức Cha Dominique Banlene Guigbile, Giám mục Địa phận Dapaong, giải thích. “Từ đây phát sinh thái độ phổ biến của người dân châu Phi để tuân giữ một tôn giáo mới mà không từ bỏ tín ngưỡng của mình trước đó.  Tuy nhiên, chân lý của đức tin Kitô giáo dựa trên thực tế rằng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô không ủng hộ những điều được thêm thắt vào hoặc sự pha trộn. Đó chính là một sự lựa chọn triệt để, trong khi tính đến những hạt giống của Lời Chúa được trình bày trong các nền văn hóa của các dân tộc, từ bỏ những thỏa hiệp với tất cả những điều trái ngược với Chân lý của Tin Mừng”, Đức Cha Guigbile nói. “Sự lựa chọn triệt để này chính là một thách đố to lớn đối với công cuộc truyền giáo hiện nay”, linh mục Zagore cho biết thêm. “Chúng ta phải khiêm tốn và phải nhận thức được rằng Kitô giáo được thể hiện ở châu Phi đôi khi xa vời so với thực tế cơ bản và chân lý của nó và đồng thời đòi hỏi một công việc truyền giáo sâu sắc hơn nhiều. Xa vời so với việc trở thành một vùng đất đã được truyền giáo, châu Phi hiện vẫn là một mảnh đất truyền giáo, một vùng đất của sứ mạng truyền giáo”, linh mục Zagore kết luận.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube