'Nhốt quyền lực vào cơ chế' và những 'quả đấm thép'

Những “quả đấm thép”

Trên báo Lao Động ngày 16/4/2016 có bài viết đưa tin “vui mừng” rằng cái ụ nổi 83M mà Vinalines mua về vừa phát giá bán 34,85 tỉ đồng.

unoi83M

Ụ nổi 83M, chi phí mua và bảo quản 512 tỷ đồng, được đánh giá khó bán nổi với giá… 1 tỷ đồng. Ảnh Internet

Vui mừng ở chỗ, người ta vẫn hy vọng nơi phát giá đó có thể lường trước được là có người mua. Bởi đó mới đây thôi, báo Công an đã đưa tin dân buôn sắt vụn định giá ụ chưa đến…1 tỷ đồng. Từ định giá chưa đến 1 tỷ, phát giá bán 34,85 tỷ đồng. Vậy là lãi quá còn gì?

Nghe vậy thấy mừng, ngẫm lại mới thấy đau. Ai quan tâm cũng biết cái ụ nổi 83M này được mua về với giá 462 tỉ đồng, từ hơn 6 năm nay và không hoạt động. Chi phí quản lý, bảo vệ ngày một tăng và đến 31/12/2015, công nợ phát sinh có liên quan đến ụ nổi 83M đã vào khoảng hơn 50 tỷ đồng… Như vậy, mua và bảo quản 6 năm, hết hơn 512 tỷ đồng. Giờ phát giá bán 34,85 tỉ đồng và khả năng cao để bán được là gần… 1 tỷ.

Nhớ lại, cũng vụ Vinashin dự án mua tàu Hoa Sen, thiệt hại trị giá 469,5 tỉ đồng. Cả hai dự án này, tổng thiệt hại tiền dân có cỡ 1.000 tỷ đồng.

Vụ Vinashin đã được đưa ra xét xử với bản án dành cho cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị tuyên phạt 20 năm tù và buộc bồi thường gần 500 tỷ đồng nhưng hiện vẫn chưa thi hành án được đồng nào.

Báo chí cũng cho biết các ngành như điện, khoáng sản, thậm chí cả xăng dầu cũng đều thua lỗ. Đó là những “quả đấm thép” mà chính quyền đã lập nên để giữ vững vai trò chỉ đạo của nền kinh tế. Và những “quả đấm thép” đó đã phát huy tác dụng thật sự khi đấm những cú cật lực vào đầu người dân một nắng, hai sương, bán dâm, bán sức lao động ở nước ngoài để nộp về cho nhà nước tha hồ “đấm”.

Chưa kể các dự án được làm vì là “chủ trương lớn của Đảng” như Bôxit Tây Nguyên, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… đều thi nhau lỗ nặng. Nghĩa là thi nhau đốt hết đống tiền này đến đống tiền khác của người dân sau khi đào bới cạn kiệt nguồn tài nguyên, khoáng sản mà ngàn đời ông cha ta đã giữ gìn – để lại.

Ngày 27/08/2015, CEO Đặng Đức Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – đã đúc kết: “Cả nước làm trong cả năm cũng không đủ để doanh nghiệp nhà nước trả nợ”.

Với những “quả đấm thép” như trên, với mức độ tham nhũng của cán bộ đảng viên như thế này, thì đến đầu của nhân dân có bằng sắt cũng phải tan chứ nói gì đến bằng xương, bằng thịt. Đó là hậu quả của một cơ chế đã biến thành thể chế: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Nhốt quyền lực vào cơ chế!

nguyenphutrong

Ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CSVN. Hình: Internet

Mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CSVN đã tuyên bố cần “Phải ‘nhốt’ quyền lực để phòng tham nhũng, tiêu cực”.

Mới nghe câu chữ có vẻ hay hay, mới mới. Người dân VN xưa nay, vẫn vốn hay giật mình với những câu chữ mà các lãnh đạo đất nước thỉnh thoảng lại sáng tác ra, cứ như câu khách, giật gân mà nhiều khi không hiểu được ý nghĩa của nó là gì.

Nào là “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”, nào là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “Đi tắt, đón đầu”, thậm chí “Trồng cây gì, nuôi con gì”… Thôi thì đủ cả, cứ nghe cũng ù tai, hoa mắt và không hiểu, và phải… tin là lãnh đạo sáng suốt.

Vậy “quyền lực” và “cơ chế” là gì, nó như thế nào để dùng cơ chế làm nhà tù nhốt quyền lực mới có thể phòng được tham nhũng, tiêu cực?

Theo định nghĩa thông thường, “quyền lực xã hội là một dạng quan hệ xã hội theo chiều dọc biểu hiện ở khả năng một cá nhân hoặc nhóm điều khiển hành vi, thái độ, quan điểm của cá nhân khác, nhóm khác. Chủ thể và khách thể thực hiện quyền lực xã hội có thể là một cá nhân, một nhóm xã hội hay một cộng đồng, một xã hội. Thực chất, quyền lực chính là việc giới hạn đồng thời mở rộng mức độ tự do của các chủ thể và khách thể thực hiện quyền lực” (vi.wikipedia.org)

Định nghĩa thông thường thì nó rộng và phức tạp như vậy, nhưng ở VN, định nghĩa ngắn nhất thì quyền lực, là cái mà Đảng dùng giao cho một số cá nhân, tổ chức được Đảng chọn để cai trị người dân.

trachnhiem

Cơ chế trách nhiệm. Hình minh họa

Còn “cơ chế”, nó là gì vậy? Tại sao, hầu hết mọi sai lầm, khuyết điểm, trì trệ, tham nhũng, hà hiếp người dân… đều được giải thích và đổ lỗi là “do cơ chế”.

Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, cơ chế là “cách thức tổ chức nội bộ và quy luật vận hành, biến hoá của một hiện tượng”.

Như vậy, khi nói đến cơ chế của đất nước, tức là nói đến cách thức tổ chức bộ máy, các quy định để vận hành bộ máy điều hành đất nước. Ở đó có quy định điều gì, làm như thế nào để vận hành xã hội…

Vậy cơ chế ở VN là cơ chế nào? Tại sao VN có hệ thống Quốc hội để làm ra luật pháp, có các cơ quan của chính phủ để thi hành, có nhà nước để quản lý với lực lượng hùng hậu, với số lượng cao gấp 3, gấp 4 lần so với các nước cùng điều kiện… đủ cả, mà vẫn hễ bất cứ thứ gì sai, mắc lỗi, phá hoại, tham nhũng, bất lực đều do cơ chế?

Xin thưa, đó cũng lại chính là bởi cái cơ chế: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Ở trong đó, bao hàm đủ loại cơ chế con như cơ chế đảng cử dân bầu, cơ chế xin – cho, cơ chế phát hiện và xử lý tham nhũng mà kết quả là tham nhũng thành quốc nạn, cơ chế tước đoạt quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, hội họp, biểu đạt ý kiến của người dân… bằng chính cơ chế “Đảng lãnh đạo tuyệt đối”. Đó mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Ai cũng hiểu rõ, cơ chế Đảng là cơ quan đứng ngoài vòng pháp luật. Dù Hiến pháp đã yêu cầu Đảng hoạt động trong khuôn khổ luật pháp thì Đảng vẫn đứng trên luật pháp. Mọi điều Đảng đưa ra là tuyệt đối thi hành, chủ trương lớn của Đảng bị phản đối vẫn phải thực hiện như chính lời ông Nguyễn Tấn Dũng khi còn là Thủ tướng nói về Boxit Tây Nguyên. Đảng là cơ quan quyền lực cao hơn so với cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Mới đây, chính ông Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thừng nói rằng, Nghị quyết của Quốc hội rất quan trọng, chỉ sau Nghị quyết của Đảng mà thôi.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối từ Công an, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa Án, nghĩa là tất tần tật đều có thể được Đảng chỉ định khi cần. Đảng muốn nắm chắc mọi người dân từ hành động, ý nghĩ và cả những tình cảm riêng tư, bất chấp điều đó có phù hợp luật pháp là lương tâm hay không. Đảng hành động bằng nghị quyết, bằng lệnh miệng, bằng ý thích hoặc sự nổi hứng của một cá nhân nào đó trong Đảng. Đảng tự cho mình độc quyền trong hành xử với lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc cũng như với quyền lợi của công dân. Đảng tự chọn “bạn vàng” dù đó chính là kẻ thù của dân tộc và đang xâm lược đất nước Việt Nam.

Và trên hết, cơ chế Đảng hành động cho chính sự tồn tại của mình bằng xương máu, tiền của nhân dân. Đảng sẵn sàng “quên” cả việc bị ngoại bang xâm lăng, vì “nếu có đụng độ trên Biển Đông thì làm sao chúng ta có thể ngồi bàn về Đại hội Đảng được”, ông Nguyễn Phú Trọng nói.

Để coi tiền bạc của dân, tài nguyên của đất nước là của mình, Đảng lập ra cơ chế và điều hành nền kinh tế dựa trên doanh nghiệp nhà nước và hậu quả là những “quả đấm thép” như ở phần đầu bài viết đã nêu. Cơ chế mà thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an – đã nói: “Cái gốc của chúng ta là không ai chịu trách nhiệm trước người dân Việt Nam. Không có cá nhân nào cả“.

Tạm kết

Người dân VN không ai không hiểu cái cơ chế đã hình thành nên thể chế chính trị ở VN hiện nay. Không phải ngẫu nhiên, mà ngay trên diễn đàn Quốc hội, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa, tại phiên thảo luận Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) ngày 16/6/2014, đã phải thốt lên: “Cần phải xóa cơ chế Đảng cử, dân bầu”.

Hay mới đây, ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nài nỉ: ‘Muốn đổi mới về kinh tế thì trước hết cần đổi mới về thể chế chính trị’.

Với những “cơ chế” đó, ông Nguyễn Phú Trọng có bảo nhốt quyền lực vào cơ chế, thì cũng chỉ nhằm để đảng của ông giữ vững vị trí lãnh đạo và tiếp tục những bất ổn toàn diện của quốc gia.

Hà Nội, Ngày 19/4/2016

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube