Đại biểu Quốc hội

Chúng ta sẽ bỏ phiếu bầu ai làm đại biểu Quốc hội? Chúng ta cần những chính trị gia như thế nào ?

quochoihopQuốc hội là tổ chức chính trị có quyền lực cao nhất, nói theo nguyên tắc. Đại biểu Quốc hội, vì thế, phải là những người có các phẩm chất cao quý.

Chúng ta cần các nhà chính trị nói chung và các đại biểu Quốc hội nói riêng, biết tôn trọng sự thật, công ích và công lý trong tinh thần phục vụ.

Đại biểu Quốc hội phải biết tôn trọng sự thật

“Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm. Sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Thật vậy, khi việc sống chung của con người trong cộng đồng được xây dựng trên sự thật, đời sống chung ấy sẽ được trật tự và có kết quả, xứng với phẩm giá của những con người. Càng nhiều người và nhiều tập thể xã hội cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội theo đúng sự thật, họ càng tránh được những lạm dụng và càng dễ hành động phù hợp với các đòi hỏi khách quan của luân lý” (Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số 198).

Sự thật cần được hướng tới, tôn trọng và làm sáng tỏ, là sự thật khách quan của con người và của cuộc sống con người về mọi phương diện: tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, luân lý, lịch sử… Hơn ai hết, các đại biểu Quốc hội phải là những người đầu tiên cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội theo đúng sự thật.

Đại biểu Quốc hội phải biết tôn trọng công ích và công lý

Theo Thánh Gioan Phaolô II, một đường lối chính trị vì dân, vì nước sẽ luôn luôn lấy công ích làm tiêu chuẩn căn bản. Hơn nữa, một đường lối chính trị vì dân vì nước thì phải chọn đường hướng trường kỳ là bênh vực và cổ võ công lý.

Theo Công đồng Vaticanô II, công ích là lý do tồn tại, là ý nghĩa và là căn bản pháp lý thiết yếu cho các tổ chức chính trị (x. Gaudium et Spes, số 74). Vì thế, nhiệm vụ duy nhất của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, là phục vụ thiện ích chung của toàn xã hội và Đất Nước, chứ không phải của một đảng phái chính trị, cho dù là đảng cầm quyền.

Khi một tổ chức chính trị không còn chú tâm lo cho thiện ích chung nữa, thì tổ chức chính trị ấy không còn căn bản pháp lý, không còn ý nghĩa và không còn lý do để tồn tại. Nếu một tổ chức chính trị chỉ chăm lo cho quyền lợi riêng của mình hay lợi ích nhóm của riêng mình, thậm chí của những lãnh tụ cao cấp của mình, thì tổ chức chính trị ấy đã đánh mất đi lý do tồn tại, đánh mất đi ý nghĩa và căn bản pháp lý của mình.

Đại biểu Quốc hội phải có tinh thần phục vụ

Việc thi hành quyền bính chính trị phải đặt nền trên tinh thần phục vụ.

“Tinh thần phục vụ, cùng với khả năng chuyên môn và hiệu năng cần có, là điều kiện thiết yếu làm cho hoạt động của các chính trị gia được trong sáng và liêm khiết. Hơn nữa, đây cũng là đòi hỏi rất chính đáng của dân chúng. Muốn vậy cần có sự đấu tranh công khai và thẳng thắn để chiến thắng những khuynh hướng xấu xa, như: việc sử dụng những phương cách hành xử bất chính, gian dối và mờ ám, sự biển thủ công quỹ nhằm trục lợi của một số người, việc sử dụng những phương thế mờ ám và bất hợp pháp để bằng mọi giá chiếm đoạt, duy trì và bành trướng quyền hành” (Gioan Phaolô II, Christifideles laici, số 42).

Thế giới và xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay cần những nhà chính trị biết tôn trọng sự thật, công ích và công lý trong tinh thần phục vụ như thế.

Một đàng, trong xã hội chúng ta, những quyền căn bản của con người bị chà đạp, bị khinh miệt bởi một số người, và thường khi, đó là những người đang cầm quyền thống trị. Nhưng đàng khác, vẫn có đó những khát vọng, ý thức và nỗ lực của rất đông người muốn đề cao nhân quyền, đề cao phẩm giá của con người, đề cao công lý.

Có một sự thật là người nghèo đang bị chà đạp. Có một sự thật là bất công lan tràn. Có một sự thật là trong thể chế hiện tại luôn xảy ra nguy cơ chỉ có một nhóm người lãnh đạo giới hạn, nắm hết quyền lực nhà nước nhằm phục vụ lợi ích riêng tư hoặc những mục tiêu ý thức hệ.

Và Giáo hội mời gọi các Kitô hữu giáo dân hãy mạnh dạn dấn thân đi vào thế giới đó: thế giới của bất công, của bạo lực nhưng đồng thời cũng lại là thế giới trong đó nhân quyền cần phải được khẳng định. Các Kitô hữu được mời gọi đối diện với cái thế giới ấy, can đảm nhìn thẳng vào cái thế giới ấy, đi vào trong cái thế giới ấy, dấn thân trong cái thế giới ấy.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube