Người nghèo và di dân - “miếng mồi” của tín dụng đen

  • Di dân
  • Thứ Năm, 14-04-2016 | 11:17:08

Tín dụng đen có thể được hiểu là những hình thức tín dụng không chính thức, không tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng. Nó được gọi là “đen”, có lẽ là vì nó luôn đẩy nạn nhân vào cảnh bi đát bằng hình thức cho vay nặng lãi. Qua nhiều vụ án đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, có khi con nợ bị bắt ép phải trả lãi suất lên đến 30-40%/tháng.20160414-Bai-TinDungDen_Anh

Tín dụng đen có nhiều cấp độ, nhiều hình thức khác nhau, tấn công vào nhiều tầng lớp xã hội – đôi khi còn được trá hình trong những hình thức hợp pháp tinh vi. Được biết, gần đây, xuất hiện các “công ty tài chánh”, nhưng hoạt động không khác gì tín dụng đen, quảng cáo rầm rộ trên mạng Internet, phát tờ rơi công khai ngoài đường và chỉ cần một cuộc điện thoại là có người mang tiền đến cho vay tận nơi.

Pháp luật “lơ là”?

Đa số người tìm đến tín dụng đen là những người nghèo, không tài sản, không công việc ổn định. Họ thường là người sống xa quê, làm ăn bấp bênh, buôn gánh bán bưng, thợ hồ, bốc vác… luôn phải đối diện miếng cơm manh áo, học phí, bệnh tật… từng ngày. Cảnh “gạo đong trước trả sau”, nên khó tránh khỏi chuyện “vay đứng, vay nằm”.

Có cả người buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề tự do, không thể chứng minh thu nhập bằng giấy tờ hợp lệ để có thể vay mượn từ hệ thống ngân hàng. Mặc khác, những người dân lao động thường nghèo cả kiến thức, thông tin, ngại tiếp cận, ngại tìm hiểu các thủ tục rườm rà khi vay mượn ngân hàng. Chưa kể phải đợi chờ xét duyệt hồ sơ vay kéo dài, điều này khá bất tiện khi cần giải quyết những việc cấp bách.

Trong khi đó, tín dụng đen lại khá “tiện lợi” vì “thủ tục” nhanh chóng, gọn lẹ, chủ nợ không cần biết mục đích hay hiệu quả của việc sử dụng vốn vay, chỉ cần biết con nợ có nhà cửa, có tài sản, để đến lúc cần có thể siết nợ, hoặc có việc làm để trả nợ là được. Trước các hình thức chiêu dụ ngọt ngào, người dân đơn sơ khó tránh khỏi bị sập bẫy tín dụng đen.

Và trên tất cả, sở dĩ tín dụng đen vẫn còn tung hoành bởi nó rất ít được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật, hình phạt chưa thoả đáng. Hơn nữa, rất khó hội đủ chứng cứ để buộc một người nào đó phạm tội cho vay nặng lãi (tham khảo điều 163 Bộ Luật hình sự). Các chủ nợ rất “cao tay”, khôn khéo, biết cách che đậy chứng cứ tinh vi. Đôi khi, người đi vay tiền nóng là để giải quyết những việc khuất tất, nên dù có bị lấy lãi “cắt cổ”, cũng không dám đưa ra ánh sáng.

Vốn “xóa đói giảm nghèo” quá xa… người nghèo

Hiện người nghèo có một cánh cửa rất tốt để gõ, đó là nguồn vốn xoá đói giảm nghèo của nhà nước được quản lý bởi Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này được cho vay thông qua sự uỷ thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị – xã hội, hoặc cho vay trực tiếp đến người có nhu cầu. Đây là đồng vốn nhà nước hỗ trợ tạo công ăn việc làm, học hành, tiêu dùng… cho người dân.

Tuy nhiên trên thực tế, nguồn vốn này rất khó chạm đến tay người nghèo. Bởi quá trình xét duyệt hộ gia đình thuộc diện nghèo, được hưởng chính sách vay vốn hỗ trợ rất nhiêu khê, và nó còn xét đến hiệu quả của việc sử dụng vốn, khả năng trả nợ… Do đó những hộ càng nghèo khó thật sự, càng bấp bênh thì càng khó vay nguồn vốn xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt, di dân rất khó được hỗ trợ, bởi họ không có hộ khẩu thường trú, chỗ ở không ổn định, nên địa phương thường từ chối vì lý do khó quản lý để thu hồi vốn. Mặc dù theo chính sách, hộ có KT3 (tạm trú dài hạn) cũng được hưởng quyền lợi này. Do đó, tuy là nguồn quỹ lập ra để hỗ trợ người nghèo, nhưng khi về tới địa phương, đã bị “gạn vớt” vào tay một số người có “đặc quyền, đặc lợi” nào đó.

Thiết nghĩ, để sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả của quỹ xoá đói giảm nghèo, cần phải có một kế hoạch nghiêm túc và thiện chí để tạo việc làm cho người nghèo. Cho họ có cơ hội lao động ổn định để trang trải cuộc sống và trả nợ. Cơ hội đó phải được dành cho tất cả người nghèo, không bị phân biệt đối xử.

Tổ chức dân sự thay tín dụng đen, tại sao không?

Một giải pháp tốt hơn nữa để người nghèo không rơi vào tín dụng đen, nếu chúng ta có thể thành lập các tổ chức dân sự được thừa nhận tư cách pháp nhân. Như hội người bán rau, hội ve chai – đồng nát, hội thợ hồ… Bởi lẻ với tư cách cá nhân, người nghèo rất khó hội đủ điều kiện để tiếp cập nguồn vốn ngân hàng. Nhưng với tư cách của một hội dân sự, người ngèo có thể thông qua đó để vay vốn. Dĩ nhiên, những hội đoàn này sẽ có những quan hệ ràng buộc thành viên để đạt được cam kết người vay sẽ hoàn trả tiền đúng quy định.

Để hình thành những hội đoàn này, rất cần sự tham gia của các tôn giáo, để có thể tổ chức, quản lý tốt. Với Giáo hội Công giáo, người nghèo là tài sản của giáo hội. Nếu được tham gia, chắc chắn các giáo xứ, các hội đoàn Công giáo luôn có những sáng kiến, giải pháp cụ thể, khả thi để giúp người nghèo có việc làm ổn định, giải quyết bế tắc.

Người nghèo vẫn khắp nơi. Trong cái nhìn trần thế, đó là một gánh nặng, là nỗi đau. Nhưng trong ánh nhìn của Tin Mừng, Kitô hữu luôn dám đón nhận người ngèo như là một sự thách thức của đức tin và là một cánh đồng mênh mông để háo hức bước vào mùa gặt.

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube