Một bộ phận người trẻ không “biết” cá chết

Trước những vấn đề dân sinh, các mối nguy hại của đất nước, vẫn có một số không ít người trẻ tỏ ra “kém vui”. Thái độ hết sức bàng quan trước hiện tình xã hội nhưng họ lại dành sự quan tâm lớn cho scandal của nghệ sĩ này, phong cách ăn chơi của thần thượng kia…

Các fan K-Pop Việt cuồng dại trước "thần tượng"

Các fan K-Pop Việt cuồng dại trước “thần tượng”

Hôn ghế Bi Rain

Còn nhớ sự kiện năm 2012, một bạn trẻ chia sẻ trên mạng hình ảnh đang “hôn ghế thần tượng” Bi Rain (diễn viên – ca sĩ Hàn Quốc) trong chương trình giao lưu văn hóa Việt – Hàn đã gây chấn động dư luận. Đáng buồn hơn khi câu chuyện được đem ra mổ xẻ, thì không ít bạn trẻ quay sang đả kích, phản bác và cho rằng “thần tượng là cha, là mẹ” (?). Họ có quyền được yêu thích và sống chết vì nó…

Chưa hết, khi các “đợt sóng Hallyu” cũng của Hàn Quốc “đổ bộ” vào nền giải trí nước nhà, chúng ta đã bàng hoàng nhận ra tư duy lệch lạc của một nhóm đông các bạn trẻ với những chuyện đau lòng. Có trường hợp ăn cắp, chửi cha, mắng mẹ để có tiền đi xem “thần tượng” của mình biểu diễn. Thậm chí, có người tự tử khi bị gia đình phản đối.

Hâm mộ một ai đó sẽ không là điều xấu xa, nếu bạn thần tượng đúng cách, chừng mực sẽ trở thành một nét đẹp văn hóa. Nếu đi quá xa, nó trở thành làn sóng xấu.

Ngoài thần tượng thái quá, gần đây hiện tượng muốn được nổi tiếng bằng những chiêu trò hời hợt, rẻ tiền cũng đang gây những chuyện dở khóc, dở cười. Chỉ cần hotgirl bán bánh tráng, hotboy ngủ gục… là đã trở thành “người của công chúng”. Những anh hùng, mỹ nhân, hotboy, hotgirl bỗng chốc “lên ngôi” hay chỉ là nạn nhân của một xã hội ảo.

Hệ lụy khi sự nổi tiếng đến quá dễ dàng, là xem thường tất cả các giá trị, chỉ cần đẹp là đủ. Giá trị ảo lúc này được đo bằng những scandal, tai tiếng và đám đông. Các thành quả lao động nghiêm túc, những nỗ lực vươn lên, những giá trị đích thực bị đánh bật.

Game online, rượu chè bủa vây

Trong khi đó, những vấn đề nóng của đất nước đang xảy ra hàng giờ, hàng ngày nhận được sự thờ ơ của nhiều người trẻ. Từ sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, đến hạn mặn chưa từng có xảy ra tại Nam bộ. Đất nước ta đang oằn mình hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng do “nhân tai” gây ra. Cuộc sống người dân nghèo càng thêm khốn khổ.

Họ mặc nhiên sống “thân ai nấy no” và “hào hứng” với thế giới của thần tượng, của chat chit, game online, hình ảnh “tự sướng” của những người trẻ Việt Nam nhếch nhác bên bàn nhậu, thả ga với những cuộc vui… cho thấy một đất nước khá lung lay. Bởi thế hệ trẻ chưa biết chung tay, góp sức xây dựng đất nước, chưa đau đớn trước những thảm họa mà dân tộc đang gánh chịu.

Có phải người Việt trẻ đang kém sâu sắc hay môi trường giáo dục đã đào tạo nên những con người như vậy? Tất nhiên, một phần lỗi chắc chắn do hệ thống giáo dục kém cõi, cũ kỹ, không theo kịp nhịp phát triển. Nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục. Ngay mỗi người Việt trẻ, cần nhìn lại chính mình.

Nếu như việc cá chết đã mỗi lúc mỗi trở nên nhạy cảm khiến một bộ phận người trẻ Việt Nam dè dặt vì sợ bị “phản động lôi kéo”, vậy có chăng thử tìm lại mình trong những ngày bầu cử Quốc hội sắp tới. Liệu rằng khi cầm trên tay lá phiếu cử tri, mỗi người trẻ sẽ tiếp tục hời hợt hùa theo đám đông hay sẽ ý thức đầy đủ mình phải chọn ai? Hoặc ngược lại, ý thức rằng mình có quyền không bỏ phiếu vì tính chất cuộc bầu cử không sòng phẳng, không dân chủ?

Vũ Phong

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube