Lòng Thương Xót không thể bị đóng khung trong ý niệm

ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER

VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (X)

Lối mòn quá khứ

Một thời các nhà thần học dùng những phạm trù triết học khúc chiết để diễn tả các phẩm tính của Thiên Chúa, trong đó có phẩm tính thương xót của Người. Chẳng hạn, con người có ý niệm về sự tốt lành (bonum), vậy thì phải có một sự tốt lành tuyệt đối làm chuẩn mực và là đích điểm để con người hướng tới. Sự tốt lành tuyệt đối ấy (Bonum) chính là Thiên Chúa. Cũng vậy, con người có ý niệm và khao khát tìm kiếm sự thật (verum), vậy phải có một sự thật tuyệt đối làm chuẩn mực để con người quy chiếu. Sự thật tuyệt đối ấy (Verum) chính là Thiên Chúa. Lại nữa, con người vốn không thể hai mặt với chính mình, nghĩa là ngôn hành không thể bất nhất, mà phải là duy nhất (unum), vậy phải có một sự duy nhất tuyệt đối (Unum) là mô mẫu để con người hướng đến. Sự duy nhất tuyết đối ấy là chính Thiên Chúa.

Cách suy tư về Thiên Chúa và con người dựa trên những ý niệm triết học nêu trên có vẻ cứng đọng, khô khan. Không những vậy, vô tình người ta đã đóng khung Thiên Chúa và con người vào trong những ý niệm. Vô tình người ta “tạc tượng” Thiên Chúa giống như dân ngoại đã dựng nên các ngẫu tượng của mình mà tôn thờ.

Suy tư thần học Tin Lành thời hiện đại

Các thần học gia hiện đại của cả Tin Lành và Công Giáo đã ý thức được sự hạn chế của lối suy tư thần học dựa trên những phạm trù triết học khô khan, cứng đọng. Họ đã tìm về chính Mạc Khải của Thiên Chúa trong dòng lịch sử để nhận biết và diễn tả mầu nhiệm của Người cùng với lòng thương xót vô hạn của Người đối với nhân loại. Điểm nổi bật của tư tưởng thần học kể từ đầu thế kỷ XX đó là tính cách quy Kitô trong suy tư về công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa do bởi lòng thương xót của Người.

Thần học gia Tin lành Karl Barth bảo rằng sự tuyển chọn và lòng thương xót cứu chuộc của Thiên Chúa đối với con người không phải là một ý niệm trừu tượng. Sự tuyển chọn và lòng thương xót ấy được tỏ lộ cách cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô. Karth Barth nhấn mạnh lại điều đã được thánh Phaolô nhắc đến: “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1, 4 – 6).

Hiểu về sự tuyển chọn của Thiên Chúa vì lòng thương xót của Người đối với con người như vậy, Barth muốn làm sáng tỏ rằng sự tiền định của Thiên Chúa không phải là cái gì kinh hoàng, sợ hãi đối với con người, nhưng đó là kế hoạch lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người trong Đức Kitô, đó là tin mừng Đức Giêsu Kitô cho nhân loại.

Thực tế, thuyết tiền định của anh em Tin Lành đã một thời gây hoang mang cho nhiều người, bởi thuyết này chủ trưởng rằng không hẳn Thiên Chúa cứu hết mọi người, mà chỉ một số người được Người tiền định để được cứu chuộc mà thôi. Nếu ai đã không được tiền định, thì dù họ có ăn ngay ở lành cách mấy, cũng đều hư mất. Nhưng trở về với Mạc Khải của Thiên Chúa, những thần học gia như Karl Barth đã làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa trong việc Người tuyển chọn và cứu chuộc hết thảy nhân loại trong Đức Giêsu Kitô.

Suy tư của thần học gia Công Giáo thời hiện đại

Các thần học gia Công Giáo như Hans Urs von Balthasar cũng khởi đi từ dấu chứng lòng thương xót Thiên Chúa được tỏ lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô để suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa cùng với công trình tạo dựng và cứu chuộc con người mà Người đã thực hiện vì lòng thương xót của Người.

Đối với Balthasar, thần học đích thực phải là thần học bàn quỳ, nghĩa là phải quỳ gối cầu nguyện, chiêm nghiệm tình thương của Thiên Chúa trên đời mình và trong suốt dòng lịch sử nhân loại này, chứ không phải thứ thần học dựa trên chữ nghĩa và ý niệm do con người tạo nên.

Theo Balthasar, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại được phản ánh cách trọn vẹn trong nhiệm cục cứu độ ngang qua vẻ đẹp thập giá của Đức Giêsu Kitô trên đồi Golgôtha. Từ thuở đời đời, do bởi sự thúc bách của tình yêu Thánh Thần, Chúa Cha đã ban chính mình cách trọn vẹn cho Chúa Con. Tạo thành xuất hiện cũng do bởi tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con. Nhưng vì tạo thành có sự giới hạn của nó (giới hạn của thân phận thụ tạo so với Đấng Sáng Tạo); không những vậy, tội lỗi lại càng làm cho con người và vạn vật xa cách Thiên Chúa. Vì vậy, được Thánh Thần tình yêu thúc đẩy, Chúa Con đón nhận trọn vẹn việc ban mình của Chúa Cha bằng cách đi xuống với tạo thành, vì vạn vật được dưng nên là dành cho Chúa Con và vì Chúa Con. Cuộc đi xuống này chính là mầu nhiệm Nhập Thể làm người của Con Thiên Chúa.

Không những thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đi vào ngóc ngách sâu thẳm nhất của tạo thành để lôi kéo tất cả mọi sự vào nơi mình mà đưa về cùng Chúa Cha. Nói cách khác, Thương Khó là việc Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đi xuống tới đáy vực sâu của tạo thành sa ngã để đem tất cả về lại cùng Cha.

Và cuối cùng, ở nơi đáy vực sâu đó của tạo thành sa ngã, Ngài đã lôi kéo được tất cả về với Chúa Cha. Về phía Chúa Cha, Chúa Cha lại được tình yêu Thánh Thần thúc đẩy để chuẩn nhận tất cả những gì mà Chúa Con đã đón lấy bằng cách phục sinh Chúa Con từ trong kẻ chết. Nhờ cuộc phục sinh này mà nhân loại và tất cả tạo thành được cứu chuộc, nghĩa là được lôi cuốn vào trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nói tóm lại, theo Balthasar, lòng thương xót cứu chuộc của Thiên Chúa đối với nhân loại xuất phát từ chính mầu nhiệm Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhân loại và toàn thể vụ trụ được lôi kéo vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng thương xót ấy bộc lộ cách cụ thể và trọn vẹn trên trần gian qua cuộc Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô.

Xác quyết của Vaticanô II

Những suy tư của các thần học gia hiện đại đã để lại dấu ấn rõ nét nơi Công Đồng Vaticanô II. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công Đồng đã thêm một lần nữa xác quyết Đức Giêsu Kitô là chìa khóa, là tâm điểm và là cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại. Công Đồng nhấn mạnh rằng: “Đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Ðức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội… Ngài là Alpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (x. Kh 22, 12)” (GS, #10).

Tựu trung, thần học thời hiện đại cùng với Công Đồng Vaticanô II trở về về với chính nguồn Mạc Khải để làm nổi bật vai trò của Đức Giêsu Kitô, Đấng tỏ lộ trọn vẹn lòng thương xót Thiên Chúa đối với nhân loại, cũng là Đấng đại diện nhân loại mà đón nhận trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết