Lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô đang bị phớt lờ

Binh sĩ Ukraine tháo dỡ các mảnh cấu trúc kim loại khi họ làm việc trên một cây cầu bị hư hại trong cuộc giao tranh với quân đội Nga ở Izium, Ukraine, thứ Hai, ngày 3 tháng 10 năm 2022 (Ảnh: Francisco Seco / AP)

Binh sĩ Ukraine tháo dỡ các mảnh cấu trúc kim loại khi họ làm việc trên một cây cầu bị hư hại trong cuộc giao tranh với quân đội Nga ở Izium, Ukraine, thứ Hai, ngày 3 tháng 10 năm 2022 (Ảnh: Francisco Seco / AP)

Bất chấp lời kêu gọi gây xúc động gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine nhằm phá vỡ chu kỳ bạo lực, những dấu hiệu gần đây của cả hai bên dường như cho thấy lời kêu gọi này đã bị phớt lờ.

Trong vòng 72 giờ sau lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Nga đã lặp lại cuộc tấn công quân sự ở miền đông Ukraine và các báo cáo cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang chuẩn bị một vụ thử hạt nhân gần biên giới Ukraine.

Đồng thời, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố rằng việc đối thoại và đàm phán với người đồng cấp Nga là không thể, cho thấy giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột đó là giành chiến thắng.

Điều này xảy ra sau lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Tổng thống Putin nhằm chấm dứt “chu kỳ bạo lực”, và đồng thời kêu gọi Tổng thống Ukraine Zelenskyy cởi mở với các cuộc đàm phán.

Trong bài chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin vào buổi trưa hôm Chúa nhật vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn không đưa ra những suy tư thông thường của mình về Bài đọc Tin Mừng trong ngày mà thay vào đó tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine cũng như “vết thương khủng khiếp và không thể tưởng tượng được” mà nó đã gây ra cho nhân loại.

Đề cập đến tuyên bố vào ngày 30 tháng 9 của Tổng thống Putin về việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án “tình hình nghiêm trọng đã phát sinh trong những ngày gần đây với những hành động trái ngược với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, đồng thời cho biết rằng quyết định này “làm tăng nguy cơ của sự leo thang hạt nhân đến mức lo ngại về những hậu quả không thể kiểm soát và thảm khốc trên toàn thế giới”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Tổng thống Putin “Hãy chấm dứt vòng xoáy bạo lực và chết chóc này”, và đồng thời cũng kêu gọi Tổng thống Zelenskyy “cởi mở” với bất kỳ “đề xuất hòa bình nghiêm túc” nào vì “sự đau khổ khôn tả” của người dân Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới “nỗ lực làm mọi thứ trong khả năng của mình để chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra, không để mình bị lôi kéo vào những leo thang nguy hiểm, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến đối thoại”.

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi trực tiếp và nồng nhiệt ngoại thường này từ Đức Thánh Cha Phanxicô, hôm thứ Ba, Nga vẫn tiếp tục chiến dịch dội bom ở miền đông Ukraine, nhắm vào các ngôi làng ở chiến tuyến ở khu vực Kherson, gây ra thương vong cho dân thường.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov, theo hãng truyền thông Nga Tass, cũng tuyên bố rằng “việc đạt được hòa bình ở Ukraine là không thể nếu không đáp ứng yêu cầu của Nga”, cụ thể là Ukraine phải nhượng lại các vùng lãnh thổ đã sáp nhập cho Nga và thay đổi biên giới của mình.

Ngoài ra, bất chấp việc Ukraine liên tục ve vãn và thúc đẩy chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng, hôm thứ Ba, Tổng thống Zelenskyy đã ban hành một sắc lệnh loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Putin.

Trong điều khoản đầu tiên của sắc lệnh của Tổng thống Zelenskyy, do Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine soạn thảo vào ngày 30 tháng 9, “Ukraine quyết định nêu rõ việc không thể tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin”.

Sắc lệnh chính thức hóa những phát biểu nhận xét của Tổng thống Zelenskyy hôm thứ Sáu sau khi Tổng thống Putin sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine, một động thái đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích rộng rãi, ông cho biết: “Ông ấy [Putin] không biết lòng tự trọng và sự trung thực là gì. Do đó, chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một Tổng thống khác của Nga”.

Tổng thống Nga Putin, người sẽ bước sang tuổi 70 vào tuần này, trong hơn hai thập kỷ đã thống trị chính trường Nga, và theo những cải cách hiến pháp mà ông thực hiện, ông có thể ra tranh cử thêm hai lần nữa, nghĩa là ông có thể nắm quyền cho đến năm 2036.

Theo The Times, ông Putin rõ ràng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến giành “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga.

Vào ngày 21 tháng 9, Putin cảnh báo rằng Nga “sở hữu nhiều phương tiện hủy diệt khác nhau … và khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta bị đe dọa, để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện mà chúng ta đang có”.

“Đó không phải là một lời bịp bợm”, Tổng thống Nga Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình của mình.

Trong một báo cáo trên tờ The Times hôm thứ Hai, một quan chức NATO tuyên bố rằng các quốc gia thành viên đã được cảnh báo rằng Nga đã điều một đoàn tàu do bộ phận hạt nhân của họ điều hành và dự kiến sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân ở biên giới Ukraine.

NATO rõ ràng đã gửi một báo cáo tình báo cho các thành viên và đồng minh cảnh báo về mối đe dọa tiềm tàng, trong đó có đề cập đến Poseidon, ngư lôi hạt nhân không người lái phóng của Nga, được mệnh danh là “vũ khí của ngày tận thế”.

Tuy nhiên, hôm thứ Ba, Điện Kremlin đã bác bỏ những tin đồn, nói rằng họ sẽ không tham gia vào những gì mà họ mô tả là “những lời lẽ khoa trương về hạt nhân” mà phương Tây lan truyền.

Trong một tuyên bố đáp lại những tin đồn về lời cảnh báo của NATO, phá ngôn viên Peskov nói: “Các phương tiện truyền thông phương Tây, các chính trị gia phương Tây và các nguyên thủ quốc gia đang tham gia vào rất nhiều cuộc thao diễn với những lời lẽ khoa trương về hạt nhân ngay lúc này … Chúng tôi không muốn tham gia vào việc này”.

Khi căng thẳng khu vực gia tăng và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân dường như đang leo thang từng ngày, chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm thúc giục các cuộc đàm phán.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube