“Giáo hội Công giáo hầm trú” và cuộc đàm phán Vatican – Trung Quốc

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 24-12-2016 | 11:54:31

Tòa Thánh Vatican vẫn hy vọng tìm được một hiệp ước lâu dài và chắc chắn với Trung Quốc. Nhưng có rất nhiều thách đố lớn phải vượt qua, trong đó, có cả những thách đố đến từ hàng triệu tín hữu “hầm trú”, là những người từ 70 năm qua chỉ trung thành với Đức Giáo hoàng Rôma mà thôi.

Các tín hữu “hầm trú” đang rất quan tâm và ngầm cảnh giác trước những nỗ lực gần đây của Tòa Thánh trong việc xây dựng các mối quan hệ nồng ấm với chính quyền Trung Quốc. Họ là những người bác bỏ tính hợp pháp và quyền lãnh đạo của Hiệp hội Công giáo Yêu nước, một tổ chức do nhà nước dựng lên và hoạt động theo nguyên tắc độc lập với Tòa Thánh Vatican. Giáo hội “hầm trú” đã và vẫn đang phải chịu rất nhiều đau khổ, đàn áp và cấm cách vì trung thành với Đức Giáo hoàng. Một số khá đông các tín hữu “hầm trú” chưa sẵn sàng chấp nhận hòa giải với chính quyền đã đàn áp họ trong hàng nhiều chục năm trời, vì kinh nghiệm không cho phép họ tin chính quyền có thiện ý thật sự. Và họ trở thành đại diện cho một yếu tố đầy thách thức mà Tòa Thánh buộc phải tính đến trong cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc.

Pei Ronggui, an 81-year-old retired bishop waits to take confession from members of the congregation before Sunday service at an unofficial catholic church in Youtong village, Hebei Province, China, December 11, 2016. Picture taken December 11, 2016.    REUTERS/Thomas Peter

Đức Cha Pei Ronggui

Đức Cha Pei Ronggui, một giám mục về hưu 81 tuổi, người được Tòa Thánh Vatican công nhận, tỏ ra rất bận tâm về Hiệp hội Công giáo Yêu nước. “Không thể có một Giáo hội Công giáo độc lập tại Trung Quốc, vì điều đó đối nghịch với các nguyên tắc của Hội thánh Công giáo” – ngài nói. Vị giám mục về hưu đã trải qua 4 năm trong trại lao động cải tạo sau một cuộc bố ráp Giáo hội “hầm trú” tại Youtong của chính quyền vào năm 1989, nói tiếp: “Họ (chính phủ Trung Quốc) phải thay đổi; nếu họ không thay đổi thì Đức Giáo hoàng sẽ không thể đồng ý với họ đâu”.

Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Tổng Giám mục Hồng Kông, đã nhiều lần công khai phê bình lối tiếp cận mềm của Vatican với Trung Quốc, và cho rằng một thỏa thuận xấu với Trung quốc, theo nghĩa là buộc các tín hữu thuộc Giáo hội “hầm trú” phải đặt mình dưới quyền bính điều khiển của chính quyền và các tổ chức do chính quyền dựng lên, sẽ khiến cho các tín hữu đó cảm thấy mình bị chính Tòa Thánh mà họ vẫn trung thành có khi bằng cả máu và mạng sống, phản bội. Các viên chức Tòa Thánh nói rằng Vatican đánh giá cao mối bận tâm của Đức Hồng y Quân, nhưng thêm rằng tình hình tại Trung Quốc không phải là đen – trắng phân biệt rõ ràng, và rằng một thỏa ước với chính phủ sẽ không gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong Giáo hội.

Từ khi vừa khởi đầu sứ vụ Phêrô vào tháng 3/2013, Đức Phanxicô đã tỏ ra ủng hộ cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc. Tòa Thánh quan tâm đến các ý kiến từ mọi phía trong Giáo hội Trung Quốc – từ Giáo hội “hầm trú” cũng như Giáo hội do nhà nước công nhận, với hy vọng đạt được một kết quả tích cực cho các cuộc đàm phán hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là trong số những người Công giáo “hầm trú”, vẫn không tin rằng các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến sự cải thiện đáng kể về quyền tự do tôn giáo của họ.

Một dự thảo về vấn đề gai góc là vấn đề phong chức giám mục tại Trung Quốc, đã được đặt trên bàn thảo luận. Điều Vatican quan tâm là ngăn chặn Bắc Kinh tự ý bổ nhiệm các giám mục mới, những người không được Đức Giáo hoàng công nhận. Hiên nay, có khoảng 110 giám mục tại Trung Quốc, trong đó khoảng 70 vị được cả hai bên công nhận, 30 vị chỉ được Vatican công nhận, và 8 vị chỉ được chính quyền Trung Quốc công nhận.

Trọng tâm các cuộc đàm phán hiện nay không phải là việc chính quyền chấp nhận hay không 30 vị giám mục mà họ không công nhận, mà là vấn đề Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc. Đó là một cơ quan chính trị đã được tạo ra trong những năm 1950 để giám sát hoạt động Công giáo tại Trung Quốc và bị Vatican coi là bất hợp pháp vì đi ngược với đức tin về Giáo hội là duy nhất và phổ quát. Nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong vấn đề này. Các quan chức Trung Quốc vẫn nói: “Khi ở Roma, hãy cư xử như một người La Mã”, tức là Đạo Công giáo cần phải thích ứng với hoàn cảnh Trung Quốc.

Trong một bản tuyên bố hồi đầu tuần, Tòa Thánh cho biết đang chờ đợi những “dấu hiệu tích cực” của Trung Quốc.

Trong thực tế, từ nhiều năm nay và hiện nay vẫn vậy, các tín hữu “hầm trú” bị sách nhiễu, bắt bớ và cầm tù rất nhiều vì không chấp nhận tham gia Hiệp hội Công giáo Yêu nước. Hàng loạt các cáo buộc, đôi khi không thể kiểm chứng, về các vụ sách nhiễu gần đây, đã được báo cáo. Nhưng Hiệp hội Công giáo Yêu nước luôn từ chối bình luận.

People attend Sunday service at a makeshift, tin-roofed church in Youtong village, China, December 11, 2016. Picture taken December 11, 2016.   REUTERS/Thomas Peter

Tại nhà thờ “hầm trú” ở làng Youtong

Các giáo sĩ Công giáo “hầm trú” ở Trung Quốc cho biết họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với áp lực buộc họ tham gia Hiệp hội Công giáo Yêu nước. Nhưng họ không thể làm điều đó, bởi vì các luật lệ của Hiệp hội Công giáo Yêu nước nói rằng tổ chức này độc lập với Roma, và như thế là xung đột với đức tin căn bản của Công giáo về Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, phổ quát và tông truyền.

Đang khi Giáo hội Công giáo “hầm trú” bị sách nhiễu, thì các Giáo hội Tin Lành lại phát triển khá mạnh mẽ.

Giữa hoàn cảnh căng thẳng, tế nhị và khó khăn như thế của việc đàm phán, lại xuất hiện thêm một thách thức rất lớn nữa, đối với Tòa Thánh Vatican cũng như đối với chính quyền Trung Quốc. Thách thức này khởi đầu với một vị linh mục “hầm trú”, nhưng đặt ra một vấn đề rất lớn.

Vào tháng mười vừa rồi, Cha Dong Guanhua, 58 tuổi, tuyên bố ngài đã được tấn phong, vào năm 2005, làm giám mục Zhengding, cách Bắc Kinh 300 km về phía tây nam. Ngài cho biết ngài đã trở thành giám mục mà không có sự ủy nhiệm của cả chính quyền Trung Quốc lẫn Tòa Thánh Vatican, và cho đến nay ngài vẫn từ chối làm rõ các tình tiết về việc tấn phong giám mục ấy, thậm chí ngay cả với Vatican.

Cha Dong Guanhua kể rằng ngài đã không hề theo học tại chủng viện và chỉ tự học Kinh Thánh trong giai đoạn hỗn loạn 1966-1976 của cuộc Cách mạng Văn hóa, khi nhiều giáo sĩ bị bắt giam hoặc bị buộc hoàn tục. Tuy nhiên, theo các quan chức Vatican, hiện nay, ngài là một ví dụ cho thấy nguy cơ một số phần tử cực đoan của Giáo Hội “hầm trú” ở Trung Quốc có thể phá vỡ thỏa thuận mà Vatican đang tìm kiếm với Trung Quốc.

“Giáo hội hầm trú sẽ bị xóa sổ nếu tôi không làm điều này” – Cha Dong Guanhua nói, ám chỉ đến sự tham gia vào việc chống lại Giáo hội do nhà nước lãnh đạo.

Tòa Thánh kêu gọi các tín hữu Công giáo “hầm trú” đừng tự giải quyết các vấn đề theo hướng phản đối cả chính quyền lẫn Tòa Thánh. Nhưng các quan chức Tòa Thánh cũng đã thôi chỉ trích Cha Dong, và chỉ nói rõ nếu ngài không vâng phục các yêu cầu của Tòa Thánh, thì ngài sẽ là một bằng chứng cho chính quyền Trung Quốc rằng Roma không hoàn toàn kiểm soát những người Công giáo “hầm trú”.

Trước những thách thức như vậy, một số thành viên cấp cao của hàng giáo sĩ Trung Quốc, cả trong cộng đồng “chính thức” lẫn trong cộng đồng “hầm trú”, cho biết họ tin rằng cuộc đàm phán hiện nay giữa Vatican và chính quyền Trung Quốc đang đi quá nhanh. Công nhận một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc sẽ là một bước ngoặc lịch sử, nhưng họ cảnh báo rằng các vết thương của sự đàn áp đã rất nặng và có thể phải mất cả một thế hệ để chữa lành.

Ngay cả một số người ủng hộ cuộc đối thoại giữa Roma và Bắc Kinh cũng nói rằng một thỏa thuận sẽ không ngay lập tức mang lại sự hiệp nhất giữa cộng đồng “chính thức” và cộng đồng “hầm trú”, sau nhiều thập kỷ đau khổ.

“Các cộng đồng Công giáo rất nghi ngờ lẫn nhau. Chúng tôi giống như một đứa trẻ bị tổn thương,” Paulus Han, một giáo sĩ và một blogger tôn giáo nổi bật ở Trung Quốc cho biết. “Chúng ta phải học cách sống chung với một số mâu thuẫn. Phải mất thời gian.”

Vũ Minh tổng hợp

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube