Giáo hội bổ nhiệm 4 Giám mục để giám sát các cuộc tranh luận tại quốc hội Pháp về vấn đề an tử

Các Giám mục Công giáo Pháp chọn 4 thành viên của họ để lãnh đạo cuộc chiến của Giáo hội chống lại những nỗ lực của chính phủ Macron nhằm hợp pháp hóa cái chết êm dịu và trợ tử.

(Ảnh: pixabay.com)

(Ảnh: pixabay.com)

Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) đã bổ nhiệm 4 thành viên của mình để theo dõi một cách cẩn trọng mọi giai đoạn của các cuộc tranh luận tại quốc hội sắp tới nhằm hợp pháp hóa an tử ở Pháp và đồng thời đóng vai trò là người phát ngôn cho Giáo hội và sự phản đối của Giáo hội đối với luật được đề xuất.

Việc bổ nhiệm được công bố vào ngày 10 tháng 4, cùng ngày chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron trình bày dự luật cho phép những người trưởng thành bị bệnh nan y được sử dụng thuốc gây chết người. Sau khi được Hội đồng Bộ trưởng thông qua, dự luật hiện bắt đầu một hành trình nghị viện dài hạn tại Quốc hội và Thượng viện.

4 vị Giám chức sẽ đại diện cho Giáo hội về vấn đề này là các Đức Giám mục Pierre-Antoine Bozo Địa phận Limoges, Matthieu Rougé Địa phận Nanterre, và Emmanuel Gobilliard Địa phận Digne, cũng như Đức Tổng Giám mục Vincent Jordy Địa phận Tours. Các Giám mục dự kiến sẽ tham gia các cuộc tranh luận tại “nhiều sự kiện sắp tới, đặc biệt là tại quốc hội, sẽ được đưa tin trong những tuần và tháng tới” và đồng thời bảo vệ quan điểm của Giáo hội Công giáo về “vấn đề vô cùng nghiêm trọng và phức tạp này liên quan đến việc chăm sóc cuối đời”, theo tuyên bố của CEF.

4 Giám mục có kinh nghiệm về vấn đề này

Tuyên bố cho biết tất cả 4 Giám mục đều tích cực tham gia vào các vấn đề liên quan đến việc chăm sóc cuối đời, “trong Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) hoặc trong Giáo phận của họ”. 3 trong số các vị Giám chức là thành viên của nhóm làm việc về những vấn đề như vậy mà Hội đồng Giám mục đã thành lập vào năm 2022. Họ bao gồm Đức Tổng Giám mục Jordy, phó Chủ tịch CEF; Đức Giám mục Bozo, thành viên Hội đồng thường trực CEF; và Đức Giám mục Rougé, người từng là Tuyên úy cho các nghị sĩ Pháp từ năm 2004-2012.

Người phát ngôn thứ tư, Đức Giám mục Gobilliard, đã có kinh nghiệm cá nhân trực tiếp trong việc đồng hành cùng các bệnh nhân vào giai đoạn cuối đời. Trong khi hoàn thành việc tu học ở Rôma từ năm 1994-1998, ngài là thành viên của nhóm tuyên úy tại Bệnh viện Spallanzani của thành phố, chuyên điều trị các giai đoạn cuối của các căn bệnh truyền nhiễm. Và trong 16 tháng kể từ khi được bổ nhiệm làm Giám mục Địa phận Digne, ngài đã đến thăm tất cả các viện dưỡng lão và cơ sở dưỡng lão trong Giáo phận.

Sự cam kết lâu dài

Việc bổ nhiệm 4 vị Giám mục này chỉ là nỗ lực mới nhất trong tiến trình cam kết lâu dài của Giáo hội Pháp về vấn đề này. Trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị mùa xuân của Hội đồng Giám mục, Đức Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch CEF, nói: “Tiếng nói của chúng tôi, về vấn đề này, cũng như về những vấn đề khác, đã được mong đợi; thậm chí còn được hy vọng nhiều hơn thế”.

Trước tuyên bố của CEF hôm thứ Tư về việc bổ nhiệm 4 phát ngôn viên Giám mục, Hội đồng Giám mục cũng đã công bố một tuyên bố vào ngày 19 tháng 3 để bày tỏ “sự bận tâm lớn” và “sự dè dặt sâu sắc” của Giáo hội về dự án của chính phủ nhằm mở ra các biện pháp mới cho việc “hỗ trợ trong giờ phút lâm chung”. Khi bác bỏ việc an tử và trợ tử, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã cảnh báo việc “bóp méo tình huynh đệ”.

Tuyên bố đó được đưa ra ngay sau khi Đức Tổng Giám mục de Moulins-Beaufort chỉ trích Tổng thống Macron, người trong một cuộc phỏng vấn với La CroixLibération, đã tiết lộ những phác thảo của dự luật về các vấn đề cuối đời và mô tả nó như một “luật huynh đệ”.

“Việc gọi một dự luật khuyến khích cả trợ tử lẫn an tử là ‘luật huynh đệ’ chính là một sự lừa bịp”, Đức Tổng Giám mục de Moulins-Beaufort nói. Vị Giám chức cũng chỉ trích “những lời hứa hẹn mơ hồ” của Macron liên quan đến việc chăm sóc giảm nhẹ.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube