Đức Thánh Cha Phanxicô, nhắc lại lời cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine, kêu gọi các tín hữu Công giáo học hỏi từ các vị tử đạo

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp lễ Thánh Stêphanô, ngày 26 tháng 12 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp lễ Thánh Stêphanô, ngày 26 tháng 12 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu Công giáo cầu nguyện cho những người đã làm hại họ – và những người bị đàn áp – khi ngài lặp lại lời kêu gọi hòa bình tại Ukraine và trên toàn thế giới vào dịp lễ Giáng sinh.

Phát biểu trước đám đông tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô sau khi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 26 tháng 12, Đức Thánh Cha nói: “Tôi nhắc lại ước nguyện của mình về hòa bình: hòa bình trong các gia đình, hòa bình trong các giáo xứ và cộng đồng tu trì, hòa bình trong các phong trào và hiệp hội, hòa bình cho những người các dân tộc bị chiến tranh tàn phá, hòa bình cho Ukraine thân yêu và chịu giày vò khốn khổ”.

Vào ngày lễ Thánh Stêphanô tử đạo, Đức Thánh Cha nói “các vị tử đạo là những người giống Chúa Giêsu nhất”.

“Thật vậy, từ tử đạo có nghĩa là làm chứng: các vị tử đạo là những chứng nhân, nghĩa là những anh chị em, qua cuộc sống của mình, cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự dữ bằng lòng thương xót. Và ngay cả trong thời đại của chúng ta, có rất nhiều vị tử đạo, nhiều hơn so với thời kỳ đầu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em tử đạo bị bách hại này, những người làm chứng cho Chúa Kitô. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta tự hỏi: tôi có làm chứng cho Chúa Kitô không? Và làm thế nào chúng ta có thể cải thiện điều này? Chúng ta thực sự có thể được nâng đỡ bởi nhân vật Thánh Stêphanô”.

Thánh Stêphanô, Đức Thánh Cha lưu ý, đã nói về Chúa Giêsu với những người mà Ngài gặp gỡ và không sợ hãi thậm chí ngay cả trước những lời đe dọa của những kẻ bắt bớ Ngài. “Lòng nhân áilời rao giảng, đây chính là Stêphanô. Tuy nhiên, lời chứng vĩ đại nhất của Thánh nhân lại là một thứ khác: Thánh Stêphanô biết cách kết hợp lòng bác ái và việc rao giảng. Thánh nhân đã để truyền lại nó cho chúng ta trong giờ phút lâm chung khi, theo gương của Chúa Giêsu, Ngài đã tha thứ cho những kẻ giết hại mình”.

cq5dam.web.800.800

Các tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp lễ Thánh Stêphanô, ngày 26 tháng 12 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các tín hữu tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp lễ Thánh Stêphanô, ngày 26 tháng 12 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các tín hữu “có thể nâng cao chứng tá của mình qua lòng bác ái đối với anh chị em mình, trung thành với Lời Chúa và tha thứ. Bác ái, Lời, sự tha thứ. Chính sự tha thứ mới cho biết chúng ta có thực sự thực thi bác ái đối với tha nhân hay không, và chúng ta có sống Lời Chúa hay không”.

Dựa vào mối liên hệ giữa từ tha thứ trong tiếng Ý – perdono – và từ tiếng Ý có nghĩa là quà tặng – dono – Đức Thánh Cha giải thích rằng tha thứ là một món quà “chúng ta trao cho người khác vì chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, được Ngài tha thứ”.

Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Hài Nhi ban cho chúng ta một quả tim mới có khả năng tha thứ: tất cả chúng ta đều cần một trái tim biết tha thứ! Chúng ta hãy nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn này: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin sức mạnh để cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương chúng ta, cầu nguyện cho những người đã làm hại chúng ta, và thực hiện các bước cởi mở và hòa giải”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bằng lời cầu nguyện với “Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các thánh tử đạo” để Mẹ “giúp chúng ta lớn lên trong đức bác ái, trong lòng yêu mến Lời Chúa và trong sự tha thứ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết