Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Lao động là yếu tố thiết yếu của cuộc sống con người, và là con đường nên thánh’

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 12 tháng 1 tại Hội trường Phaolô VI (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 12 tháng 1 tại Hội trường Phaolô VI (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho những người lao động “bị đè bẹp bởi một gánh nặng không thể chịu đựng nổi” trong bối cảnh của cuộc suy thoái do COVID-19.

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 12 tháng 1 tại Hội trường Phaolô VI của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị mọi người dành một phút thinh lặng để cầu nguyện cho những người lao động đã quyên sinh sau khi mất công ăn việc làm giữa đại dịch.

cq5dam.web.800.800

cq5dam.web.800.800 (1)

“Nhiều người trẻ, nhiều ông bố, bà mẹ trải qua thử thách khi không có một công việc cho phép họ sống yên ổn, họ tồn tại qua ngày. Và việc tìm kiếm công ăn việc làm thường xuyên trở nên tuyệt vọng đến mức khiến họ mất hết niềm hy vọng và khát vọng sống”, Đức Thánh Cha nói.

“Trong thời kỳ đại dịch này, nhiều người đã mất công ăn việc làm – chúng ta biết rõ điều này – và một số, bị đè bẹp bởi một gánh nặng không thể chịu nổi, đã đến mức tự kết liễu mạng sống của mình. Tôi muốn tưởng nhớ từng người trong số họ và gia đình của họ ngày hôm nay”.

“Chúng ta hãy dành một phút thinh lặng, tưởng nhớ những người đàn ông, những người phụ nữ này, những người đang tuyệt vọng vì không tìm được việc làm”.

cq5dam.web.800.800 (3) cq5dam.web.800.800 (4)

Đức Thánh Cha đã dành riêng buổi tiếp kiến chung được phát trực tiếp của mình, vốn ít người tham dự, để suy niệm về Thánh Giuse Thợ. Đây là bài chia sẻ thứ bảy trong loạt bài chia sẻ Giáo lý về Cha nuôi của Chúa Giêsu, mà ngài đã khởi động vào tháng 11.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng các tác giả Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô đã mô tả Thánh Giuse như một “bác thợ mộc” hay “người thợ làm đồ gỗ”

Đức Thánh Cha nói: “Thuật ngữ ‘tekton’ trong tiếng Hy Lạp, được sử dụng để chỉ công việc của Thánh Giuse, đã được dịch theo nhiều cách khác nhau. Các Giáo phụ Latinh của Giáo hội đã giải thích thuật ngữ này có nghĩa là ‘bác thợ mộc’”.

cq5dam.web.800.800 (5) cq5dam.web.800.800 (6)

“Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng ở Palestine vào thời của Chúa Giêsu, gỗ không chỉ được sử dụng để làm cái cày và các vật dụng nội thất khác nhau, mà còn được sử dụng để xây dựng nhà cửa, vốn có kết cấu bằng gỗ”.

“Do đó, ‘thợ mộc’ hoặc ‘người thợ làm đồ gỗ’ là khả năng chuyên môn chung, chỉ cả các bác thợ mộc và những người thợ thủ công tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc xây dựng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng công việc của Thánh Giuse, mà Ngài đã truyền lại cho Chúa Giêsu, không mang lại “khoản thu nhập khổng lồ” cho Thánh Gia.

cq5dam.web.800.800 (7) cq5dam.web.800.800 (8)

“Sự kiện mang tính tiểu sử về Thánh Giuse và Chúa Giêsu này khiến tôi nghĩ đến tất cả những người lao động trên thế giới, đặc biệt là những người làm những công việc mệt nhọc trong các hầm mỏ và một số nhà máy nhất định; những người bị bóc lột thông qua những công việc không tên; những nạn nhân của những công việc nặng nhọc – chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự việc như vậy ở Ý trong thời gian gần đây; những đứa trẻ bị buộc phải làm việc và những người phải lục lọi thùng rác để tìm kiếm thứ gì đó hữu ích để bán…”

Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng đó quả là một sự bất công xã hội khi đàn ông và phụ nữ không thể kiếm tiền để nuôi gia đình, đồng thời nhấn mạnh rằng lao động có liên quan đến phẩm giá con người.

cq5dam.web.800.800 (9) cq5dam.web.800.800 (10)

Đức Thánh Cha giải thích rằng lao động không chỉ là một cách kiếm sống, mà còn là “một thành phần thiết yếu của cuộc sống con người, và thậm chí là con đường nên thánh”.

“Tuy nhiên, thật không may, lao động thường là con tin của sự bất công xã hội và thay vì là một phương tiện của sự nhân tính hóa, nó trở thành một thứ ngoại vi hiện sinh. Tôi thường tự hỏi mình: Chúng ta làm công việc hàng ngày với tinh thần nào? Chúng ta đối phó với sự mệt mỏi khó nhọc thế nào? Chúng ta có nhận thấy hoạt động của mình chỉ liên quan đến vận mệnh của bản thân hay với vận mệnh của người khác?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi.

Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Thật tuyệt vời biết bao khi nghĩ về thực tế là chính Chúa Giêsu đã làm việc và học hỏi nghề này từ Thánh Giuse. Hôm nay, chúng ta nên tự hỏi bản thân rằng chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của lao động; và chúng ta có thể đóng góp gì, với tư cách là Giáo hội, để lao động có thể được giải thoát khỏi logic của lợi nhuận đơn thuần và có thể được trải nghiệm như một quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của con người, điều này thể hiện và nâng cao phẩm giá của họ”.

cq5dam.web.800.800 (11) cq5dam.web.800.800 (12)

Sau bài diễn văn, phần tóm tắt bài chia sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc ra bằng bảy thứ tiếng. Sau mỗi bản tóm tắt, Đức Thánh Cha chào hỏi các thành viên của mỗi nhóm ngôn ngữ.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi chào đón những người hành hương nói tiếng Anh và những du khách tham dự buổi tiếp kiến chung ngày hôm nay, đặc biệt là những người đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành, niềm vui và sự bình an xuống trên tất cả anh chị em và gia đình anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc buổi tiếp kiến chung bằng việc đọc kinh Lạy Cha và ban Phép lành Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn của mình bằng cách đọc lại lời cầu nguyện mà người tiền nhiệm của mình, Đức Phao-lô VI, đã dâng lên Thánh Giuse vào ngày 1 tháng 5 năm 1969:

Lạy Thánh Giuse,

Quan thầy của Giáo hội!

Ngài đã kề vai sát cánh bên cạnh Ngôi Lời nhập thể,

Ngài làm việc mỗi ngày để kiếm cơm bánh

và kín múc từ Người nguồn sức mạnh để sống và làm việc chăm chỉ;

Ngài đã trải qua nỗi lo lắng cho tương lai,

sự cay đắng của nghèo đói, sự bấp bênh của công việc:

Ngày nay, Ngài chiếu toả gương sáng,

khiêm hạ trước mặt người đời

nhưng cao trọng nhất trước mặt Thiên Chúa:

xin gìn giữ hộ phù những người lao động trong cuộc sống khó nhọc hàng ngày của họ,

bảo vệ họ khỏi sự nản lòng,

khỏi sự nổi loạn cách tiêu cực,

và khỏi những cám dỗ yêu thích sự khoái lạc;

và xin gìn giữ thế giới được luôn hoà bình,

thứ hoà bình mà chỉ có nó mới có thể bảo đảm sự phát triển của các dân tộc. Amen!

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube