Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng thỏa thuận Vatican - Trung Quốc sẽ được gia hạn

Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe một câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với Phóng viên cấp cao Philip Pullella của Reuters (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe một câu hỏi trong cuộc phỏng vấn với Phóng viên cấp cao Philip Pullella của Reuters (Ảnh: Vatican News)

Trong phần thứ hai của cuộc phỏng vấn với Reuters, phần đầu tiên được công bố hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài hy vọng thỏa thuận tạm thời của Vatican với Trung Quốc sẽ được gia hạn và đồng thời tin rằng đó là lựa chọn đúng đắn về lâu dài.

Phát biểu với Reuters hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thỏa thuận của Vatican với Trung Quốc, tuy không lý tưởng nhưng “đang tiến triển tốt và tôi hy vọng rằng vào tháng 10, thỏa thuận này có thể được gia hạn”.

Năm 2018, Vatican đã thực hiện một thỏa thuận tạm thời hai năm lịch sử với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục. Mặc dù các điều khoản của thỏa thuận đó chưa bao giờ được công khai, nhưng người ta tin rằng thỏa thuận cho phép Đức Giáo hoàng có tiếng nói cuối cùng về các ứng viên cho các Giáo phận từ danh sách rút gọn do chính phủ Trung Quốc cung cấp.

Như một phần của các điều khoản của thỏa thuận đó, bảy Giám mục trước đây đã bị vạ tuyệt thông vì được tấn phong mà không được sự cho phép của Rôma, nhưng đã được chính phủ chấp thuận, đã được chính thức hóa và các hình thức trừng phạt của họ cũng đã được dỡ bỏ.

Mặc dù bản ghi đầy đủ của cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy không được cung cấp, nhưng theo Reuters, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo vệ thỏa thuận này giống như những nỗ lực của cả Đức Giáo hoàng Gioan XXIII lẫn Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong những năm 1960 và 1970 để can dự với các quốc gia cộng sản Đông Âu, đôi khi thực hiện những cuộc thương lượng mạo hiểm đi kèm với những nhượng bộ đáng kể để bảo vệ Giáo hội trong Chiến tranh Lạnh.

“Ngoại giao là như vậy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Khi bạn đối mặt với một tình huống bế tắc, bạn phải tìm ra cách khả thi, không phải là cách lý tưởng, để thoát khỏi nó. Ngoại giao là nghệ thuật của những điều khả thi và làm những việc để biến những điều khả thi đó trở thành hiện thực”.

Vào thời Xô Viết, “nhiều người đã nói rất nhiều điều chống lại Đức Gioan XXIII, chống lại Đức Phaolô VI, chống lại Ðức Hồng Y Agostino Casaroli, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thời bấy giờ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Vị Hồng y người Ý Agostino Casaroli, người từng là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh từ năm 1979-1990, vào thời điểm đó, là kiến trúc sư chính của chính sách ‘Ostpolitik’ (Chính sách hướng Đông) của Vatican đối với khối cộng sản phía đông.

Ban đầu, ‘Ostpolitik’ là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả việc bình thường hóa quan hệ giữa Đông và Tây Đức. Sau đó, nó cũng có nghĩa là những nỗ lực dưới thời Đức Phaolô VI nhằm kết ước với các chế độ cộng sản Đông Âu thông qua các thỏa hiệp và thỏa thuận với mục đích xây dựng dựa trên những lợi ích nhỏ theo thời gian.

Cách tiếp cận của Ðức Hồng Y Casaroli đã bị nhiều nhà phê bình lên án là quá mong muốn thỏa hiệp, nhưng nó cũng đã được các nhà sử học ca ngợi, những người cho rằng chiến thuật mềm mỏng này đã giúp giữ cho Giáo hội tồn tại cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh cam kết của ngài với Trung Quốc với thời kỳ trước năm 1989 ở châu Âu, đồng thời cũng cho biết rằng thỏa thuận năm 2018, được gia hạn thêm 2 năm vào năm 2020, “diễn ra chậm chạp, nhưng họ [các Giám mục Trung Quốc] đang được bổ nhiệm”.

Cho đến nay, chỉ có 6 Giám mục mới được bổ nhiệm trong gần 4 năm thỏa thuận có hiệu lực, khiến các nhà phê bình cho rằng Vatican đang thu được rất ít lợi ích từ thỏa thuận, điều đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các tín hữu Công giáo tại thực địa.

Đức Hồng y Joseph Zen, nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, 90 tuổi, là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất thỏa thuận này, và đã nhiều lần cáo buộc các quan chức hàng đầu, bao gồm cả Quốc Vụ Khanh Vatican đương nhiệm là Đức Hồng y Pietro Parolin, phản bội đức tin Kitô giáo và lừa dối Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết người Trung Quốc “có những vấn đề riêng của họ bởi vì hoàn cảnh không giống nhau ở mọi vùng miền trong nước”, và cách đối xử với các tín hữu Công giáo “cũng phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo địa phương”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự xác quyết của mình rằng thỏa thuận hiện tại là sự lựa chọn đúng đắn về lâu dài, đồng thời gọi quá trình này là “‘đường lối của Trung Quốc’, bởi vì người Trung Quốc có ý thức về thời gian mà không ai có thể hối thúc họ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube