Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Chúa Thánh Thần cải tổ Giáo hội qua các thánh’

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 25 tháng 4 năm 2018 (Ảnh: Shutterstock / CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 25 tháng 4 năm 2018 (Ảnh: Shutterstock / CNA)

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng cần phải có các vị thánh để cải cách Giáo hội và vì điều này, mỗi người Công giáo được mời gọi thực hiện một “cuộc hoán cải thứ hai” sâu sắc hơn.

“Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hình thành và cải tổ Giáo hội và làm như vậy qua Lời Chúa và qua các thánh, Đấng đã đưa Lời vào thực hành trong đời sống của họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 15 tháng Giêng.

Trong buổi tiếp kiến Dòng tu do Thánh Cajetan sáng lập, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “công cuộc cải tổ phải bắt đầu từ chính bản thân mình”.

Là người cùng thời với Martin Luther ở thế kỷ 16, Thánh Cajetan đã tìm cách cải tổ Giáo hội Công giáo, đặc biệt là hàng giáo phẩm, nhưng từ bên trong chính Giáo hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng khi Thánh Cajetan “đến Rôma để làm việc trong Giáo triều, Ngài đã nhận thấy sự xuống cấp lan rộng về tinh thần và luân lý một cách đáng tiếc”.

“Và trong khi thực hiện công việc văn phòng của mình, Thánh Cajetan đã thường xuyên lui tới Nhà nguyện Tình yêu Thiên Chúa, trau dồi đời sống cầu nguyện và hình thành tâm linh; và sau đó Ngài đến bệnh viện để trợ giúp các bệnh nhân. Đây là cách bắt đầu với chính mình để sống Phúc Âm một cách sâu sắc và mạch lạc hơn”, Đức Thánh Cha nói.

“Tất cả các thánh đều chỉ cho chúng ta cách thức này. Họ là những nhà cải cách thực sự của Giáo hội”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng mỗi vị thánh là “một kế hoạch của Chúa Cha để phản ánh và thể hiện, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử, một khía cạnh của Tin Mừng”.

Thánh Cajetan và một nhóm nhỏ các Linh mục có cùng chí hướng đã thành lập Dòng các Giáo sĩ Hèn Mọn, được gọi là Dòng Theatines, vào năm 1524.

Cộng đoàn các Linh mục đã tìm cách cứu rỗi các linh hồn chủ yếu qua việc sống đạo đức, qua việc rao giảng, và qua việc chăm sóc các bệnh nhân và người nghèo.

Giống như nhiều vị thánh khác, Thánh Cajetan đã có một “ơn gọi không có ơn gọi”, hay điều còn có thể được gọi là “một cuộc hoán cải thứ hai”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đó là về việc đi từ một cuộc sống vốn đã tốt đẹp và được quý trọng sang một cuộc sống thánh thiện, viên mãn phát xuất từ Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Bước đột phá này là điều làm cho không chỉ đời sống cá nhân của người nam hay người nữ đó phát triển, mà còn là đời sống của Giáo hội. Đây là điều, theo một nghĩa nào đó, canh tân nó bằng cách gạn đục khơi trong và mang lại vẻ đẹp Tin Mừng của nó”.

Dòng Theatine được biết đến như những nhà cải cách Công giáo mạnh mẽ ngay cả trước khi cuộc Cải cách Tin lành hoàn toàn được tiến hành.

“Thánh Cajetan đã truyền giáo cho Rôma, Venice, Naples, và Ngài đã làm điều đó trước hết nhờ chứng tá của đời sống và những việc làm của lòng thương xót, thực hành ‘giao thức’ tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta với dụ ngôn về Ngày Cánh Chung, Mát-thêu chương 25”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Năm 1527, cơ sở của Dòng Theatine ở Rôma đã bị quân đội của Hoàng đế Charles V cướp phá, và các thành viên đã phải chạy trốn đến Venice.

Vào năm 42 tuổi, Thánh Cajetan đã thành lập một bệnh viện dành cho “những người mắc bệnh nan y” ở Venice, và làm việc để an ủi và chữa lành cho các bệnh nhân trong thời gian xảy ra bệnh dịch.

Năm 1533, Đức Giáo hoàng đã phái Thánh Cajetan đến Naples, nơi Ngài xây dựng một ngôi thánh đường khác. Nhà thờ tương ứng, San Paolo Maggiore, đã trở thành một trung tâm quan trọng của cuộc cải cách Công giáo.

Khi ở Naples, Thánh Cajetan cũng đã thành lập một ngân hàng phi lợi nhuận từ thiện được thiết kế để bảo vệ người nghèo khỏi nạn cho vay nặng lãi – hoặc cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Cuối cùng, ngân hàng này đã trở thành Ngân hàng Naples.

Thánh Cajetan đã mắc căn bệnh hiểm nghèo và Ngài dâng những đau khổ của mình cho sự trở lại của người dân Naples. Thánh nhân qua đời vào ngày 6 tháng 8 năm 1547, Lễ Chúa Hiển Dung, và được chôn cất tại Vương Cung Thánh Đường San Paolo Maggiore ở Naples.

Ngày nay, các Tu sĩ Dòng Theatines hiện diện tại Argentina, Brazil, Colombia, Hoa Kỳ, Mexico, Tây Ban Nha và Ý. Hội dòng đã có cuộc hội kiến Đức Thánh Cha Phanxicô tại Điện Tông Tòa khi tiến hành Tổng Công Hội Dòng lần thứ 164 của mình.

“Tôi khuyến khích các huynh đệ tiến về phía trước … với sự vâng phục đối với Chúa Thánh Thần, không có những kế hoạch cứng nhắc… nhưng được thiết lập vững chắc trong những điều thiết yếu: cầu nguyện, tôn thờ, đời sống chung, tình bác ái huynh đệ, tinh thần khó nghèo và phục vụ người nghèo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tất cả những điều này với lòng nhiệt thành tông đồ, với tinh thần nhiệt huyết truyền giáo để trước hết tìm kiếm Nước Thiên Chúa”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube