Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ nhân Ngày Thế giới Người nghèo: Đừng nghe ‘những tiên tri về sự diệt vong’ mà hãy ‘thắp lên những ngọn nến hy vọng’.

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong bài giải Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Người nghèo hôm Chúa nhật ngày 13 tháng 11 năm 2022 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong bài giải Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Người nghèo hôm Chúa nhật ngày 13 tháng 11 năm 2022 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tại Vatican (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

Trong bài giảng đầy thách thức và đầy cảm hứng nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến cáo các Kitô hữu “đừng nghe những tiên tri về sự diệt vong” vào thời điểm mà nhân loại đang phải chịu đựng nhiều cuộc khủng hoảng bao gồm chiến tranh, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid, và bất công xã hội và kinh tế. Thay vào đó, Ngài kêu gọi họ “thắp lên những ngọn nến hy vọng giữa bóng tối” và đồng thời “nắm bắt cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng của niềm vui và xây dựng một thế giới huynh đệ hơn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô luôn quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của người nghèo—với tư cách là một Tu sĩ Dòng Tên, với tư cách là Tổng Giám mục Địa phận Buenos Aires và giờ đây là Giáo hoàng. Kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2013, Đức Thánh Cha đã tìm kiếm vô số cách thức, cả ở Vatican lẫn quốc tế, để thu hút sự chú ý đến người nghèo trên thế giới.

Sáng hôm Chúa nhật, ngày 13 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đánh dấu Ngày Thế giới Người nghèo. Vì đại dịch, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019 Đức Thánh Cha có thể cử hành Thánh lễ này với sự tham dự của một cộng đoàn đông đảo bao gồm 1.300 người nghèo và thành viên của các tổ chức hoạt động vì và với người nghèo, chẳng hạn như Caritas và Sant’Egidio. Đức Thánh Cha đã thiết đãi những người nghèo bữa trưa miễn phí sau Thánh lễ tại Điện Phaolô VI và đích thân đến chào đón họ.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2019, một sáng kiến khác của Đức Thánh Cha Phanxicô, phòng khám sức khỏe tại Quảng trường Phêrô, có thể cung cấp dịch vụ khám sức khỏe và chăm sóc sức khỏe miễn phí trong một tuần lễ (từ ngày 7-13 tháng 11)— bao gồm khám tổng quát, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, tiêm phòng cúm, xét nghiệm Covid và sàng lọc HIV, viêm gan C và bệnh lao—cho những người không có khả năng tiếp cận.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh vô số cuộc khủng hoảng đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói trên thế giới ngày nay và gây ra nhiều đau khổ hơn cho người nghèo. Đức Thánh Cha đã đặc biệt đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu và cuộc chiến “tàn khốc và tàn bạo” ở “Ukraine chịu giày vò khốn khổ” hiện đã bước qua ngày thứ 236, mà ngài đã nhắc đến nhiều lần vì sự tàn phá và mất mát vô số sinh mạng mà nó đang gây ra và số lượng các quốc gia— hơn 50 —hiện đang bị liên lụy theo một cách thức nào đó.

Chia sẻ về bài Tin Mừng trong ngày (Lu-ca chương 21), trong đó Chúa Giêsu tiên đoán về sự phá hủy của Đền thờ ở Giêrusalem và thu hút sự chú ý đến những sự kiện hỗn loạn và kịch tính đánh dấu lịch sử nhân loại, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “điều quan trọng là có thể phân định được thời đại mà chúng ta đang sống, để tiếp tục là những người môn đệ của Tin Mừng ngay cả giữa những biến động của lịch sử”.

“Để chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự phân định như vậy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, Chúa Giêsu “cho chúng ta hai lời khuyên: anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt và hãy làm chứng”.

Đức Thánh Cha cho biết trước tiên Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt”. Điều này có nghĩa là “tránh sự cám dỗ giải thích các sự kiện kịch tính theo cách thức mê tín hoặc thảm khốc, như thể chúng ta đang cận kề ngày tận thế và việc cam kết làm điều thiện là điều vô ích”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu chúng ta suy nghĩ theo cách này, chúng ta để cho nỗi sợ hãi dẫn dắt mình, và cuối cùng chúng ta có thể tìm kiếm câu trả lời với sự hiếu kỳ bệnh hoạn nơi sự xảo biện luôn hiện hữu của ma thuật hoặc lá số tử vi” hoặc “dựa vào một ‘đấng cứu thế’ nào đó vào phút cuối, kẻ đưa ra những giả thuyết hoang đường, thường là âm mưu và đầy sự diệt vong và u ám”. Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng “Không thể tìm thấy Chúa Thánh Thần nơi những cách tiếp cận như vậy”, và ngài nói: “Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta đừng cả tin hay sợ hãi mà hãy học cách giải thích các sự kiện với con mắt đức tin, chắc chắn rằng bằng cách luôn gần gũi với Thiên Chúa ‘không một sợi tóc nào trên đầu của anh em sẽ bị hư mất’ (Lc 21, 18)”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu lịch sử nhân loại chứa đầy những sự kiện kịch tính, những tình huống đau khổ, chiến tranh, những cuộc cách mạng và thảm họa, đó cũng là thực tế, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng đó không phải là ngày tận thế”, và vì vậy, “đó không phải là lý do chính đáng để để cho bản thân bị tê liệt bởi nỗi sợ hãi hoặc bị khuất phục trước bại chiến luận của những người nghĩ rằng mọi thứ đã qua đi và việc tham gia tích cực vào cuộc sống là vô ích”.

Vị Giáo hoàng Dòng Tên nhắn nhủ cộng đoàn tham dự bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê ô và đông đảo khán giả toàn cầu đang theo dõi trên truyền hình và mạng xã hội: “Người môn đệ của Chúa Kitô không nên cam chịu hay nản lòng, thậm chí ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, vì Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự phục sinh và hy vọng, Đấng luôn luôn trỗi dậy”. Vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các Kitô hữu khi đối mặt với thử thách tự vấn: Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta, đặc biệt là giữa bối cảnh của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này? Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta? Và khi những biến cố tồi tệ xảy ra dẫn đến sự nghèo đói và đau khổ, người Kitô hữu tự hỏi: ‘Tôi có thể làm điều tốt nào một cách cụ thể?’ Đừng chạy trốn, nhưng hãy tự hỏi: ‘Thiên Chúa đang nói gì với tôi và tôi có thể làm điều tốt nào?’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết lời khuyên thứ hai của Chúa Giêsu – “đừng để mình bị lừa gạt” —là điều tích cực “bởi vì Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng ‘Điều này sẽ cho các con cơ hội để làm chứng’. Điều đó có nghĩa là có cơ hội để làm điều gì đó tốt đẹp, bắt đầu từ hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống, ngay cả khi nó không lý tưởng”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Đó là một kỹ năng điển hình của người Kitô hữu để không trở thành nạn nhân của mọi thứ xảy ra, nhưng nắm bắt cơ hội tiềm ẩn trong mọi thứ xảy đến với chúng ta, điều tốt đẹp có thể xảy đến ngay cả từ những tình huống tiêu cực. Mọi cuộc khủng hoảng đều có khả năng xảy ra và mang lại cơ hội phát triển. Chúng ta nhận ra điều này nếu nghĩ lại lịch sử của chính bản thân mình: Trong cuộc sống, thường những bước tiến quan trọng nhất của chúng ta được thực hiện giữa những cuộc khủng hoảng nhất định, trong những tình huống thử thách, ngoài tầm kiểm soát hoặc nguy hiểm”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết những lời này của Chúa Giêsu khích lệ chúng ta ngày nay khi chúng ta chứng kiến “những sự kiện đáng lo ngại xảy ra khắp nơi, trong khi chiến tranh và xung đột đang gia tăng, trong khi những trận động đất, nạn đói kém và bệnh dịch đang xảy ra”. Những sự kiện này khuyến khích chúng ta vì chúng cho phép chúng ta xem “những hoàn cảnh này” như là “cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng những lời của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “vượt qua sự điếc lác nội tâm vốn ngăn cản chúng ta nghe thấy tiếng kêu đau đớn bị bóp nghẹt của những người yếu thế nhất”.

Thu hút sự chú ý đối với tình hình gay cấn trong thế giới ngày nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “chúng ta cũng đang sống trong những xã hội đầy rắc rối và là những nhân chứng, như Tin Mừng đã nói với chúng ta, trước những cảnh bạo lực, bất công và ngược đãi”, và “chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do vấn đề biến đổi khí hậu và đại dịch gây ra, vốn đã để lại những hậu quả không chỉ về thể chất, mà còn về tâm lý, kinh tế và xã hội”. Hơn nữa, Đức Thánh Cha nói: “Ngay cả giờ đây chúng ta chứng kiến dân tộc này nổi dậy chống lại các dân tộc kia và chúng ta kinh hoàng chứng kiến sự mở rộng rộng lớn của các cuộc xung đột và thảm họa chiến tranh, vốn gây ra cái chết của rất nhiều người vô tội và làm sinh sôi chất độc của sự hận thù”.

Sau đó đề cập đến một nhóm người nghèo khác, hàng triệu người di cư trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay, hơn nhiều so với trước đây, nhiều anh chị em của chúng ta, bị thử thách nặng nề và chán nản, di cư để tìm kiếm hy vọng, và nhiều người cảm thấy bất an do thiếu việc làm hoặc những điều kiện làm việc bất công và không được tôn trọng phẩm giá. Ngày nay cũng vậy, người nghèo phải trả giá đắt nhất trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào”.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục: “Nếu trái tim của chúng ta u mê và thờ ơ, chúng ta không thể nghe thấy tiếng kêu đau đớn yếu ớt của họ, chúng ta không thể khóc cùng với họ và vì họ, chúng ta không thể nhận thấy biết bao nỗi cô đơn và thống khổ ẩn giấu trong những ngóc ngách bị lãng quên của các thành phố của chúng ta”.

Tại thời điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi đầy xúc động đối với các Kitô hữu trên toàn thế giới: “Chúng ta hãy ghi nhớ lời kêu gọi rõ ràng và không thể nhầm lẫn trong Tin Mừng là đừng để mình bị lừa gạt. Chúng ta đừng nghe những tiên tri về sự diệt vong. Chúng ta đừng để mình bị mê hoặc bởi tiếng còi gầm rú của chủ nghĩa dân túy, vốn lợi dụng những nhu cầu thực sự của người dân bằng các giải pháp dễ dãi và hấp tấp. Chúng ta đừng đi theo những ‘đấng cứu thế’ giả dối, những kẻ nhân danh lợi nhuận, công bố những phương pháp chỉ hữu ích để làm tăng sự giàu có của một số ít người, trong khi đẩy người nghèo ra bên lề xã hội”.

“Thay vào đó, chúng ta hãy làm chứng. Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng giữa bóng tối. Giữa những hoàn cảnh bi đát, chúng ta hãy nắm lấy cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng của niềm vui và xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Chúng ta hãy can đảm dấn thân cho công lý, pháp quyền và hòa bình, và đứng về phía những người yếu thế nhất. Chúng ta đừng lùi bước để bảo vệ mình trước lịch sử, mà hãy cố gắng mang đến cho thời điểm lịch sử này một diện mạo khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của mình bằng cách nhắc nhở các tín hữu rằng họ “tìm thấy sức mạnh cho tất cả những điều này” bằng “sự tin cậy phó thác nơi Chúa Cha, Đấng luôn dõi theo chúng ta”. “Chúng ta nên luôn lặp lại điều này với chính mình, đặc biệt là vào những lúc khó khăn nhất: Thiên Chúa là Cha chăm sóc tôi. Nếu tôi ở gần Ngài, không một sợi tóc nào trên đầu tôi sẽ bị hư mất”.

Và, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Vì Người yêu chúng ta, chúng ta hãy quyết tâm yêu mến Người nơi những đứa con bị bỏ rơi nhất của Người. Chúng ta hãy quan tâm đến người nghèo, những người mà qua đó chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube