Để giải quyết một cách đúng đắn những cuộc khủng hoảng mà châu Âu phải đối mặt, trước tiên Châu Âu phải có hy vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói hôm thứ Tư trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô.
“Niềm hy vọng cần được khôi phục đối với các xã hội châu Âu của chúng ta”, Đức Thánh Cha chia sẻ hôm 27 tháng 9, “đặc biệt là đối với các thế hệ mới”.
“Xã hội của chúng ta, nhiều lần bị chán ngán bởi chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa thoát ly trống rỗng, cần phải cởi mở bản thân, tâm hồn và tinh thần của họ cần được tiếp thêm oxy, và khi đó họ sẽ có thể coi cuộc khủng hoảng như là một cơ hội và giải quyết nó một cách tích cực”, Đức Thánh Cha tiếp tục.
Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về chuyến viếng thăm từ ngày 22 đến 23 tháng 9 tới Marseille, Pháp, để tham gia sự kiện “Rencontres Méditerranéennes”, hay Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải, một cuộc gặp gỡ của các Giám mục, các thị trưởng và giới trẻ để đương đầu với các vấn đề mà khu vực Địa Trung Hải phải đối mặt, trong đó có vấn đề nhập cư.
Đức Thánh Cha đã phát biểu tại cuộc họp vào ngày cuối cùng của sự kiện, ngày 23 tháng 9.
“Điều gì xảy ra từ sự kiện ở Marseille? Những gì đưa ra là một quan điểm về Địa Trung Hải mà tôi gọi đơn giản là mang tính nhân văn, không mang tính ý thức hệ, không mang tính chiến lược, không đúng đắn về mặt chính trị cũng không mang tính công cụ; không, nó mang tính nhân văn, nghĩa là có khả năng quy mọi thứ về giá trị hàng đầu của con người và phẩm giá bất khả xâm phạm của họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha cũng nhận thấy rằng có một cái nhìn đầy hy vọng và huynh đệ, thậm chí đáng ngạc nhiên từ những người “đã sống qua những hoàn cảnh vô nhân đạo”.
“Niềm hy vọng này, tình huynh đệ này không được ‘tan biến; không, đúng hơn, nó cần phải được tổ chức, cụ thể hóa thông qua các hành động dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để mọi người, với phẩm giá trọn vẹn, có thể lựa chọn di cư hoặc không di cư”, Đức Thánh Cha thúc giục.
“Thực ra, làm sao chúng ta có thể chào đón người khác nếu bản thân chúng ta trước hết không có một chân trời rộng mở hướng tới tương lai?”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Làm thế nào những người trẻ, những người nghèo về niềm hy vọng, khép kín trong cuộc sống riêng tư của họ, lo lắng về việc xoay sở tình trạng bấp bênh của mình, có thể cởi mở để gặp gỡ và chia sẻ với người khác?”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã thấy rất nhiều sự sôi nổi và nhiệt huyết trong chuyến viếng thăm Marseille, một thành phố cảng ở miền nam nước Pháp, kể cả trong Thánh lễ ngài cử hành vào ngày 23 tháng 9.
Đức Thánh Cha khuyến khích lục địa Châu Âu cũng nuôi dưỡng sự sôi nổi và nhiệt huyết này để khu vực Địa Trung Hải có thể trở thành “một bức tranh khảm của nền văn minh và hy vọng” chứ không phải là “một ngôi mộ” hay “địa điểm xung đột”.
“Biển Địa Trung Hải”, Đức Thánh Cha nói, “hoàn toàn trái ngược với sự xung đột giữa các nền văn minh, chiến tranh và nạn buôn người”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Biển Địa Trung Hải là một kênh liên lạc giữa Châu Phi, Châu Á và Châu Âu, và mặc dù “đại dương luôn là một vực thẳm cần phải vượt qua theo một cách nào đó, và nó thậm chí có thể trở nên nguy hiểm”, tuy nhiên, “các vùng nước của nó bảo vệ kho báu của sự sống”; những con sóng và những làn gió của nó mang theo mọi kiểu tàu thuyền”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô thậm chí còn xuất phát từ bờ phía đông của Địa Trung Hải.
Vào cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng vào ngày 27 tháng 9, Giáo hội Công giáo cử hành Lễ Thánh Vinh Sơn Phaolô, một Linh mục Công giáo người Pháp, người đồng sáng lập Tu hội Truyền giáo, hay Dòng Vincentians.
“Lễ kính nhớ Thánh Vinh Sơn Phaolô hôm nay nhắc nhở chúng ta về tính trung tâm của tình yêu thương người lân cận”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Tôi mời gọi mọi người hãy trau dồi thái độ quan tâm đến người khác và cởi mở với những người cần đến anh chị em”.
Một số hình ảnh trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư:
Minh Tuệ (theo CNA)