Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi công việc của tổ chức phi chính phủ Công giáo Ý đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ở Châu Phi

medium_2022-11-19-133a18022d

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ ‘Các Bác sĩ với Châu Phi CUAMM’, một tổ chức phi chính phủ Công giáo của Ý tham gia vào việc thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe ở Châu Phi, nhân dịp hội nghị thường niên của họ tại Rôma.

Trước đây được gọi là Đại học dành cho các Bác sĩ Truyền giáo Nhiệt huyết, CUAMM được thành lập vào năm 1950 và hiện có mặt tại 7 quốc gia châu Phi – Angola, Ethiopia, Mozambique, Nam Sudan, Sierra Leone, Tanzania và Uganda, hợp tác với các bệnh viện, các trường học và trường đại học điều dưỡng và hộ sinh châu Phi. Các dự án và nghiên cứu của tổ chức tập trung vào lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh; các bệnh truyền nhiễm; bảo hiểm y tế toàn dân và công bằng; dinh dưỡng và các bệnh mãn tính.

Chào đón các thành viên của hiệp hội đến Vatican vào sáng thứ Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lịch sử của hiệp hội bắt đầu từ 70 năm trước tại Padua, Ý, khi một ký túc xá được mở ra để đón tiếp các sinh viên y khoa trẻ người châu Phi. Kể từ thời điểm đó, hoạt động chia sẻ và phục vụ này đã mở rộng ra toàn bộ lục địa châu Phi bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, đào tạo tại địa phương và thúc đẩy sự phát triển.

Chăm sóc sức khỏe, một lợi ích chính yếu

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả công việc của CUAMM như một ví dụ cụ thể về việc thực hành điều chúng ta cầu xin trong Kinh Lạy Cha, đó là “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, với ‘lương thực’ trong trường hợp này có nghĩa là sức khỏe. Đức Thánh Cha lưu ý rằng sức khỏe là “lợi ích chính yếu” giống như lương thực, nước uống, nhà cửa hay công việc. Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực của họ trong việc cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và chứng tá mà tổ chức này mang lại trái ngược với hàng tỷ đô la chi cho vũ khí hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu là rất lớn, và Đức Thánh Cha nhắc lại rằng vẫn còn rất nhiều người khác không thể sinh con một cách an toàn và trẻ em tiếp tục chết trong thời thơ ấu.

Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan

Nhắc lại chuyến viếng thăm Cộng hòa Trung Phi vào năm 2015 để mở Cửa Thánh ở thủ đô Bangui, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Nam Sudan mà ngài hy vọng sẽ đến thăm vào đầu năm tới. Là những quốc gia nghèo và mong manh, thường bị khai thác bóc lột các nguồn tài nguyên, Đức Thánh Cha cho biết “thay vào đó, Thiên Chúa quan tâm đến những người kẻ Ngài yêu mến, qua đó Ngài sai anh chị em trở thành những người Samaritanô nhân hậu, những chứng nhân của Tin Mừng của Ngài”.

“Đừng sợ đối mặt với những thử thách khó khăn, hãy can thiệp vào những nơi xa xôi bị đánh dấu bởi bạo lực, nơi người dân không có cơ hội được quan tâm. Hãy ở bên họ! Nếu phải mất nhiều năm vất vả cực nhọc, nếu có những thất vọng và thất bại liên tiếp để đạt được kết quả, đừng nản lòng. Hãy kiên trì với sự phục vụ và đối thoại bền bỉ, cởi mở với tất cả mọi người với tư cách là những khí cụ hòa bình trong việc vượt qua những xung đột”.

Làm việc cùng với nhau

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ về cách thức CUAMM hoạt động ở Châu Phi luôn hợp tác với các nhà thờ và tổ chức địa phương để chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy hiệu quả hơn các cộng đồng mà họ phục vụ ở Châu Phi. Bằng cách hợp lực và chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, họ có thể phục vụ mọi người tốt hơn, Đức Thánh Cha lưu ý, nhất là khi bị thử thách bởi đại dịch Covid, chiến tranh và cuộc khủng hoảng kinh tế đang đè nặng lên cuộc sống của mọi người, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả nó như một “cuộc chiến” ẩn giấu thường bị bỏ qua và “thay vào đó, nó tác động đến những người khó khăn nhất, đặc biệt là những người nghèo nhất”.

“Nguyện xin Thiên Chúa giúp anh chị em vượt qua ‘đêm tối’ này với lòng can đảm, với trái tim hướng về bình minh, ánh sáng sẽ chiếu tỏa những tia hy vọng nhỏ nhoi mà chúng ta đã thoáng thấy và qua đó chính các anh chị em là những nhân chứng. Tôi cảm ơn anh chị em vì đã trở thành tiếng nói của những gì Châu Phi đang trải qua; vì đã phơi bày những đau khổ âm thầm và thầm kín của những người nghèo mà anh chị em gặp gỡ trong cuộc dấn thân hàng ngày của mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi họ tiếp tục lên tiếng cho châu Phi, nâng cao nhận thức, nói với thế giới về những cuộc tranh đấu và hy vọng của họ “để đánh động lương tâm của một thế giới đôi khi tập trung quá nhiều vào chính nó và ít quan tâm đến ngươi khác. Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của những người bị áp bức và yêu cầu chúng ta trở thành những nghệ nhân kiến tạo một tương lai mới, khiêm tốn và ngoan cường, với những người nghèo nhất”.

Đào tạo các nhà lãnh đạo

Tóm lại, Đức Thánh Cha khuyến khích họ tập trung đặc biệt vào giới trẻ bằng cách giúp đỡ họ bằng mọi cách thông qua việc đào tạo, các cuộc họp, các chương trình trao đổi đại học, v.v., để họ có thể trở thành những nhân vật chính trong hiện tại và tương lai vì lợi ích của đất nước họ, đào tạo nên những nhà lãnh đạo có khả năng thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube