Đức Phanxicô: ‘Tin Mừng khai mở mọi nền văn hóa với sự tự do lớn hơn trong Chúa Kitô’

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Paul VI tại Vatican, ngày 13 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Ytuyeenf thông Vatican)

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ngày 13 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về bản chất phổ quát của Giáo hội Công giáo, vốn bao trùm tất cả mọi nền văn hóa vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người.

“Đây là ý nghĩa của việc tự gọi mình là người Công giáo, khi nói về Giáo hội Công giáo: đó không phải là một hệ phái xã hội học để phân biệt chúng ta với các Kitô hữu khác. Công giáo là một tính từ có nghĩa là ‘phổ quát'”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ tại Hội trường Phaolô VI của Vatican vào ngày 13 tháng 10.

“Giáo hội chứa đựng trong mình, trong chính bản chất của mình, một sự cởi mở đối với mọi dân tộc và mọi nền văn hóa thuộc mọi thời đại, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết và đã sống lại cho tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Từ “Công giáo” bắt nguồn từ chữ “katholikos” (καθολικός) trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “phổ quát”. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng bởi Thánh Inhaxiô Antiôkhia, người đã viết vào thế kỷ thứ hai rằng “bất cứ nơi nào có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Giáo hội Công giáo”.

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần hôm thứ Tư ngày 13 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về Thư của Thánh Phao-lô gửi Tín hữu Ga-lát, chương 5 câu 13: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong lời kêu gọi hướng đến sự tự do, chúng ta khám phá ý nghĩa đích thực của sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng … có thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, trong khi đồng thời tôn trọng những điều tốt đẹp và sự thật tồn tại trong các nền văn hóa”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Đó không phải là điều dễ dàng. Có rất nhiều cám dỗ để tìm cách áp đặt mô hình sống của riêng một người như thể nó là mô hình tiến triển nhất và hấp dẫn nhất. Đã có biết bao nhiêu những sai lầm trong lịch sử truyền giáo bằng cách tìm cách áp đặt một mô hình văn hóa duy nhất”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra những ví dụ từ lịch sử Giáo hội, trong đó các nhà truyền giáo đắm mình sâu vào các nền văn hóa khác đã bị những người đương thời chỉ trích. Đức Thánh Cha đề cập đến Linh mục Matteo Ricci thuộc Dòng Tên vào thế kỷ 16, người đã sống gần ba thập kỷ ở Trung Quốc, và một nhà truyền giáo Dòng Tên khác, Linh mục Roberto de Nobili (1577-1656), người đã học tiếng Phạn và tiếng Tamil khi thực hiện công việc mục vụ ở Ấn Độ.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Sự giải thoát có được nhờ Bí tích Rửa Tội cho phép chúng ta có được phẩm giá đầy đủ của con cái Thiên Chúa, nhờ đó, trong khi chúng ta vẫn bám chặt vào cội nguồn văn hóa của mình, đồng thời chúng ta mở lòng đón nhận chủ nghĩa phổ quát của đức tin vốn đi vào mọi nền văn hóa, nhận biết những điều cốt lõi của sự thật đang hiện hữu, và làm cho chúng được triển nở, mang lại sự viên mãn cho những điều tốt đẹp chứa đựng trong chúng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Việc thừa nhận rằng chúng ta đã được giải thoát bởi Chúa Kitô – nhờ cuộc khổ nạn, cái chết, và sự phục sinh của Người – là đón nhận và mang lại sự sung mãn ngay cả với những truyền thống khác nhau của mọi dân tộc. Sự viên mãn đích thực”.

Trong bài diễn văn được phát trực tiếp thứ 11 trong loạt bài chia sẻ Giáo lý về Thư gửi gửi Tín hữu Ga-lát, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “tính đồng nhất như một quy tắc sống không phải là Kitô giáo”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Thống nhất nhưng không phải là đồng nhất”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng văn hóa tự bản chất của nó luôn luôn trong trạng thái “biến đổi liên tục”.

“Hãy nghĩ về việc chúng ta được kêu gọi để loan báo Tin Mừng trong thời điểm lịch sử có sự thay đổi lớn về văn hóa, nơi mà công nghệ ngày càng tiên tiến dường như chiếm ưu thế”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nếu chúng ta nói về đức tin như chúng ta đã làm trong những thế kỷ trước, chúng ta sẽ có nguy cơ không còn được các thế hệ mới biết đến. Sự tự do của đức tin Kitô giáo – sự tự do của Kitô giáo – không ngụ ý một tầm nhìn tĩnh tại về đời sống và văn hóa, mà là một tầm nhìn năng động, một tầm nhìn năng động cũng như truyền thống. Truyền thống phát triển nhưng luôn mang cùng bản chất”.

“Do đó, chúng ta đừng đòi chiếm hữu sự tự do. Chúng ta đã lãnh nhận một món quà để trân trọng. Đúng hơn, chính sự tự do đòi hỏi mỗi người chúng ta phải thường xuyên di chuyển, hướng tới sự viên mãn của nó. Đó là tình trạng của những người lữ hành; đó là trạng thái của những người đi đường, trong những cuộc di cư liên tục: được giải thoát khỏi chế độ nô lệ để tiến tới sự tự do viên mãn”.

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng những du khách người Mỹ đang hành hương tại Roma.

“Tôi chào những người hành hương nói tiếng Anh và du khách tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong tháng Mười này, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin cho chúng ta được trưởng thành trong sự tự do Kitô giáo mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội. Nguyện xin Thiên Chúa ban niềm vui và sự bình an cho tất cả anh chị em và gia đình anh chị em. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube