Đức Phanxicô thúc giục các hệ thống lương thực bền vững và toàn diện

Một phụ nữ bán rau và thực phẩm trong một khu chợ ở Jakarta, Indonesia (ANSA)

Một phụ nữ bán rau và thực phẩm trong một khu chợ ở Jakarta, Indonesia (ANSA)

Khi Tổ chức Nông lương (FAO) có trụ sở tại Rome khai mạc Hội nghị 4 ngày vào hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp về việc thế giới cần phải tái thiết sau cuộc khủng hoảng hiện nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cam kết sự ủng hộ của Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo đối với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) trong việc “dấn thân vì một thế giới công bằng hơn, phục vụ những anh chị em không có khả năng tự vệ và thiếu thốn của chúng ta”. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi sự quan tâm đặc biệt đến những người sản xuất lương thực nghèo ở nông thôn, những người có nhiều khả năng bị suy dinh dưỡng và đói kém.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời bình luận trên hôm thứ Hai trong một thông điệp gửi tới ông Michal Kurtyka, Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan, người đang chủ trì Hội nghị lần thứ 42 của FAO tại trụ sở chính của tổ chức này ở Rome, từ ngày 14-18 tháng 6. Trong khi xem xét tình hình thực phẩm và nông nghiệp trên thế giới, phiên họp trực tuyến có chủ đề tổng thể: “Chuyển đổi các hệ thống lương thực nông nghiệp: Từ chiến lược thành hành động”.

Tạo ra các hệ thống lương thực bền vững và toàn diện

FAO phối hợp các nỗ lực quốc tế nhằm đánh bại nạn đói kém và đồng thời cải thiện vấn đề dinh dưỡng và an ninh lương thực. Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng nhiệm vụ này được coi là đặc biệt nổi bật trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vì “nhiều anh chị em của chúng ta vẫn không được tiếp cận với thực phẩm họ cần, cả về số lượng và chất lượng”. Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, số lượng những người này đã lên đến con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Với các cuộc xung đột, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, các cuộc khủng hoảng kinh tế, cùng với cuộc khủng hoảng y tế hiện tại, tương lai có thể còn tồi tệ hơn. Do đó, các chính sách có khả năng giải quyết các nguyên nhân cơ cấu của những lỗ hổng ngày càng gia tăng này cần phải được thông qua.

Về vấn đề này, một nền kinh tế tuần hoàn, vốn đảm bảo các nguồn lực cho tất cả mọi người, bao gồm cả các thế hệ tương lai và thúc đẩy việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo, sẽ giúp tạo ra các hệ thống thực phẩm bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi nhằm cung cấp các chế độ ăn uống lành mạnh và hợp túi tiền cho mọi người. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản để phục hồi sau cuộc khủng hoảng đang tàn phá chúng ta là một nền kinh tế phù hợp với nhân loại, không chỉ vì lợi nhuận, mà phải hướng đến thiện ích chung, hợp với luân lý và tôn trọng môi trường.

Các cộng đồng nông nghiệp và nông thôn

Việc tái thiết nền kinh tế sau đại dịch cần tính đến vai trò quý giá của trang trại gia đình và các cộng đồng nông thôn. Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền rằng những người sản xuất lương thực là những người phải chịu cảnh thiếu hoặc khan hiếm lương thực. “Ba phần tư số người nghèo trên thế giới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “sống ở các vùng nông thôn và phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp để kiếm kế sinh nhai ”. Tuy nhiên, do thiếu khả năng tiếp cận thị trường, quyền sở hữu đất đai, các nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng và công nghệ, nên họ dễ bị mất an ninh lương thực nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đánh giá cao đối với nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc cho phép các quốc gia riêng lẻ đạt được quyền tự chủ về lương thực trong khi bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học địa phương. Đức Thánh Cha khuyến khích các cách thức sáng tạo nhằm hỗ trợ và giúp các nhà sản xuất nhỏ lẻ nâng cao năng lực và khả năng phục hồi của họ.

Tinh thần huynh đệ và vi rút của sự thờ ơ

Khi thế giới chuẩn bị tái khởi động sau đại dịch, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng điều cơ bản đó là phải thúc đẩy một nền văn hóa quan tâm chống lại xu hướng loại bỏ chủ nghĩa cá nhân và hiếu chiến, vốn hiện diện thường trực trong các xã hội của chúng ta. “Trong khi một số ít gieo rắc những sự căng thẳng, đối đầu và giả dối”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “mặt khác, chúng ta được mời gọi kiên nhẫn và dứt khoát xây dựng một nền văn hóa hòa bình, hướng tới những sáng kiến bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống con người và giúp đỡ chúng ta loại bỏ vi-rút của sự thờ ơ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết việc chỉ phác thảo các kế hoạch thôi thì không đủ. Những cử chỉ cụ thể là điều cần thiết bởi vì điểm quy chiếu đó chính là sự thuộc về gia đình nhân loại chung và việc nuôi dưỡng tinh thần huynh đệ. Những cử chỉ tạo điều kiện cho việc tạo ra một xã hội thúc đẩy giáo dục, đối thoại và sự bình đẳng.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả hoan nghênh thách đố hiện tại như một cơ hội để chuẩn bị cho một tương lai cho tất cả mọi người mà không loại bỏ bất kỳ ai, đồng thời cảnh báo: “nếu không có tầm nhìn bao quát, sẽ không có tương lai cho bất kỳ người nào”.

Hội nghị này là cơ quan quản lý cấp cao của FAO có chức năng chính là xác định các chính sách của Tổ chức, phê duyệt ngân sách và đưa ra các khuyến nghị cho các thành viên và các tổ chức quốc tế.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube