Đức Phanxicô: Những vết thương của Chúa Giêsu tuôn đổ 'Lòng thương xót của Ngài trên sự khốn cùng của chúng ta'

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Santo Spirito, Sassia vào ngày 19 tháng 4 năm 2020

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Santo Spirito, Sassia vào ngày 19 tháng 4 năm 2020

Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta tôn thờ và hôn lên thân thể đầy những thương tích và Phục sinh của Chúa Kitô nơi Bí tích Thánh Thể, kênh thể hiện Lòng thương xót của Người, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót.

Cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Santo Spirito, Sassia hôm 11 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ khi Ngài sống lại và trước khi Ngài lên trời, giải thích rằng các môn đệ đã đón nhận Lòng thương xót của Chúa Giêsu Kitô qua các món quà là sự bình an, sự tha thứ, và những vết thương của Người.

“Những vết thương của Chúa Giêsu chính là những kênh nối thông thoáng giữa Ngài và chúng ta, tuôn đổ Lòng thương xót của Ngài trên sự khốn cùng của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Những vết thương của Chúa Giêsu chính là con đường mà Thiên Chúa đã mở ra để chúng ta bước vào tình yêu nhân hậu của Ngài và thực sự ‘chạm’ vào con người của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ Lòng thương xót của Ngài”.

“Khi tôn thờ và hôn lên những vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng nơi tình yêu dịu dàng của Ngài, tất cả những sự yếu đuối của chúng ta đều được đón nhận”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục. “Điều này xảy ra trong mỗi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta Thân thể đầy thương tích và Phục sinh của Người. Chúng ta chạm vào Ngài và Ngài chạm vào cuộc sống của chúng ta. Ngài làm cho cõi thiên đàng trở nên gần gũi với chúng ta. Những vết thương rạng rỡ của Ngài đã xua tan bóng tối mà chúng ta mang bên trong mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giống như Tôma, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu; chúng ta nhận ra rằng Ngài gần gũi với chúng ta như thế nào và chúng ta cảm động thốt lên: ‘Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!’ (Ga 20:28). Mọi thứ bắt nguồn từ điều này, từ ân sủng của việc lãnh nhận Lòng thương xót”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ Chúa Nhật Lòng Thương Xót cùng với một số Linh mục được chỉ định là “Những Tông đồ Thừa sai của Lòng Thương Xót” trong Năm Thánh Lòng Thương Xót năm 2016.

Khoảng 80 người đã được mời tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành, bao gồm một nhóm tù nhân đến từ ba nhà tù ở Rome: Regina Caeli, Rebibbia và Casal del Marmo.

Các y tá đến từ Bệnh viện S. Spirito ở Sassia gần đó cũng hiện diện trong Thánh lễ, cũng như những người khuyết tật, một gia đình người di cư đến từ Argentina và những người tị nạn trẻ tuổi đến từ Syria, Nigeria và Ai Cập.

Các Nữ tu Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, và các tình nguyện viên của Tổ chức Bảo vệ Dân sự cũng tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành.

“Tôi gửi lời chào đặc biệt đến tất cả anh chị em, hiện diện ở đây trong ngôi Thánh đường Santo Spirito ở Sassia, Đền thờ Lòng Chúa Thương Xót”, Đức Thánh Cha nói vào cuối Thánh lễ.

“Anh chị em đại diện cho một số tình huống mà Lòng thương xót được làm cho trở nên hữu hình; nó trở thành sự gần gũi, sự phục vụ, quan tâm đến những người gặp khó khăn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Tôi hy vọng anh chị em sẽ luôn cảm nhận được mình đã được ban cho Lòng thương xót, để đến lượt mình cũng biết thi thố lòng thương xót với những anh chị em khác”.

Trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, bài tụng ca dâng kính Đức Mẹ được đọc trong mùa Phục sinh, Đức Phanxicô nói: “Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, ban cho tất cả chúng ta nhận được ơn này”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào hỏi từng người trước khi quay trở về Vatican.

Nhà thờ Santo Spirito ở Sassia là Đền thờ dâng kính Lòng Thương Xót chính thức của Rome.

Ban đầu được xây dựng như một Nhà nguyện của một bệnh viện, ngôi Thánh đường có từ thế kỷ 16 đã được chuyển đổi thành Đền thờ dâng kính Lòng Thương Xót theo yêu cầu của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1994. Bên trong nhà nguyện bên cạnh có lưu giữ bức ảnh lớn về Lòng Chúa Thương Xót, và các Thánh tích của Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Một nhà nguyện phụ dành riêng cho Lòng Chúa Thương Xót trong Nhà thờ Santo Spirito ở Sassia/ ACI Stampa

Nhà nguyện bên cạnh dâng kính Lòng Chúa Thương Xót trong Nhà thờ Santo Spirito, Sassia/ ACI Stampa

Trong bài giảng hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng bởi vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ nơi Lòng thương xót vô biên của Người, chúng ta cũng phải bày tỏ lòng thương xót tương tự đối với tha nhân.

“Anh chị em có muốn bằng chứng rằng Thiên Chúa đã chạm vào cuộc đời chúng ta? Hãy xem liệu anh chị em có thể cúi xuống để băng bó vết thương của người khác hay không”, Đức Thánh Cha chia sẻ trong bài giảng ngày 11 tháng 4.

“Hôm nay tôi phải chất vấn bản thân mình rằng: ‘Liệu rằng tôi, người thường xuyên được lãnh nhận sự bình an của Thiên Chúa, lòng nhân từ của Ngài, có biết tỏ lòng thương xót người khác không? Liệu rằng tôi, người đã thường xuyên được lãnh nhận chính Thân Mình của Chúa Giêsu làm của ăn, có thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để giải tỏa cơn đói của người nghèo không?’”.

“Chúng ta đừng thờ ơ”, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục, tuyên bố rằng một đức tin được nhận lãnh nhưng lại không biết cho đi sẽ trở nên khô khan và cằn cỗi.

“Đã được lãnh nhận Lòng thương xót, giờ đây chúng ta cũng hãy trở nên có lòng thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta hãy để cho mình được đổi mới nhờ sự bình an, sự tha thứ và những vết thương của Chúa Giêsu, Đấng giàu Lòng thương xót. Chúng ta hãy xin ơn để biết trở thành những chứng nhân của Lòng thương xót. Chỉ bằng cách này, đức tin của chúng ta mới tồn tại và cuộc sống của chúng ta được hợp nhất. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, vốn là Tin Mừng về Lòng thương xót”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về Bí tích Hòa giải, hay còn gọi là Bí tích Giải tội.

 “Chúng ta hãy cầu xin ân sủng để đón nhận món quà đó, đón nhận Bí tích của sự tha thứ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Và để nhận thức được rằng việc xưng tội không nói về bản thân và tội lỗi của chúng ta, mà nói về Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài. Chúng ta đừng xưng tội để hạ thấp phẩm phẩm giá của mình, nhưng để được nâng dậy. Chúng ta, tất cả chúng ta, rất cần điều này”.

“Giống như những đứa trẻ nhỏ, bất cứ khi nào chúng bị ngã, chúng cần được bố bế lên, chúng ta rất cần điều này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Chúng ta cũng thường xuyên bị ngã quỵ. Và bàn tay của Chúa Cha luôn sẵn sàng nâng chúng ta trên đôi chân của chúng ta một lần nữa và khiến chúng ta tiếp tục bước đi. Bàn tay chắc chắn và đáng tin cậy đó là Bí tích Giải tội”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng các môn đệ, sau khi lãnh nhận Lòng thương xót của Chúa Kitô, đến lượt họ, họ cũng trở nên thương xót. Trong Sách Công vụ Tông đồ, “không ai đòi quyền sở hữu cá nhân đối với bất kỳ tài sản nào, nhưng mọi thứ họ sở hữu đều là của chung”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đây không phải là chủ nghĩa cộng sản”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, “mà là Kitô giáo thuần túy”. Cũng chính những môn đệ trước đó đã tranh cãi xem ai là người cao trọng nhất trong số họ giờ đây cũng chia sẻ mọi thứ.

“Làm thế nào mà họ lại thay đổi như vậy? Giờ đây, họ nhìn thấy nơi những người khác lòng thương xót tương tự vốn đã thay đổi cuộc sống của chính họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Họ khám phá ra rằng họ đã chia sẻ sứ mạng, sự tha thứ và chính Thân Mình của Chúa Giêsu, và do đó, việc chia sẻ những của cải trần gian của họ dường như là lẽ tự nhiên”.

Đức Phanxicô đã đề cập đến câu nói: “Không có một người nào trong số họ lâm cảnh túng thiếu”.

“Nỗi sợ hãi của họ đã được xua tan khi chạm vào những vết thương của Chúa Giêsu, và giờ đây họ không ngần ngại chữa lành những vết thương cho những người cần được giúp đỡ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu hiện diện ở đó, nơi những vết thương của những người cần được giúp đỡ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube