Đức Phanxicô: ‘Giữa bối cảnh của sự phân cực trong Giáo hội, chúng ta được mời gọi nói sự thật với đức bác ái’

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành khi đọc kinh Truyền Tin buổi trưa từ cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra Quảng trường Thnahs Phêrô tại Vatican, Chúa Nhật, ngày 22 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: AP/Andrew Medichini)

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành khi đọc kinh Truyền Tin buổi trưa từ cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican, Chúa Nhật, ngày 22 tháng 1 năm 2023 (Ảnh: AP/Andrew Medichini)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các Kitô hữu “nói sự thật và làm như vậy với lòng bác ái” giữa bối cảnh của sự phân cực và chia rẽ trong Giáo hội.

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội vào ngày 24 tháng 1, Đức Thánh Cha nói rằng mọi người đều có trách nhiệm “truyền đạt sự thật với đức bác ái” trong một thời đại “được đánh dấu bằng những sự phân cực và tương khắc – điều mà tiếc là thậm chí ngay cả cộng đồng Giáo hội cũng không được miễn nhiễm”.

“Chúng ta không nên sợ công bố sự thật, ngay cả khi đôi khi điều đó bất tiện, nhưng hãy sợ rằng mình công bố sự thật nhưng lại không có đức bác ái, không có sự tận tâm”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Bởi vì ‘chương trình của người Kitô hữu – như Đức Bênêđíctô XVI đã viết – “là ‘một trái tim quan sát’”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm, trích dẫn thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng lời kêu gọi nói sự thật từ trái tim này “thách thức triệt để thời đại mà chúng ta đang sống” mà trong đó sự thật có thể bị khai thác lợi dụng bằng thông tin sai lệch. Đức Thánh Cha cho rằng “cần phải thanh lọc tâm hồn” thì mới nhìn thấy rõ và sinh hoa kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực truyền thông.

“Đặc biệt là các Kitô hữu liên tục được thúc giục giữ miệng lưỡi của chúng ta khỏi sự gian ác (x. Tv 34:13), bởi vì như Kinh Thánh dạy chúng ta, cũng từ chính miệng lưỡi ấy, chúng ta có thể chúc tụng Thiên Chúa và nguyền rủa những người nam nữ được dựng nên giống Thiên Chúa (x. Ga 3:9)”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4:29)”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha được công bố vào ngày Lễ Thánh Phanxicô Salê, Quan Thầy của các nhà văn và các nhà báo.

“Với tư cách là một trí thức lỗi lạc, một nhà văn thành công và một nhà thần học sâu sắc, Thánh Phanxicô Salê là Giám mục Địa phận Geneva vào đầu thế kỷ 17 trong những năm khó khăn được đánh dấu bởi những tranh chấp gay gắt với những người theo thuyết Calvin”, Đức Thánh Cha nói.

“Thái độ nhu mì, nhân bản và sẵn sàng kiên nhẫn đối thoại với tất cả mọi người, đặc biệt với những người bất đồng với Ngài, khiến Ngài trở thành chứng nhân phi thường về tình yêu thương xót của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng năm 2023 sẽ đánh dấu 100 năm ngày Đức Giáo hoàng Piô XI tuyên bố Thánh Phanxicô Salê là bổn mạng của các nhà báo Công giáo trong Thông điệp Rerum Omnium Perturbationem.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng những lời từ “trái tim nói với trái tim” của Thánh Phanxicô Salê đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ Kitô hữu, bao gồm cả Thánh Gioan Henry Newman, người đã chọn nó làm khẩu hiệu của mình, “Cor ad cor loquitur”.

Thánh Phanxicô Salê nhận thức rằng truyền thông là “sự phản chiếu của tâm hồn”, chứ không phải là “một chiến lược tiếp thị”, Đức Thánh Cha nói.

“Một trong xác quyết của Thánh nhân đó là: ‘Để công bố hiệu quả, chỉ cần yêu thương đong đầy là đủ’”, Đức Thánh Cha nói. “Đối với Thánh Phanxicô Salê, ‘chính trong trái tim và qua trái tim, diễn ra một quá trình tinh tế, mãnh liệt và thống nhất, trong đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài mơ về “một nền truyền thông Giáo hội biết cách để cho mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần… biết cách tìm ra những cách thức và phương tiện mới cho việc loan báo tuyệt vời mà nó được mời gọi thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba”.

Nói về “Tiến trình Hiệp hành” đang diễn ra của Giáo hội, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo hội có một nhu cầu cấp bách là “lắng nghe mà không thành kiến” và truyền thông “có tác động xoa dịu những vết thương và soi sáng hành trình của anh chị em chúng ta”.

Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng với cuộc chiến ở Ukraine, điều cấp bách là phải từ chối các hình thức truyền thông thù địch để ủng hộ “những con đường cho phép đối thoại và hòa giải ở những nơi mà sự hận thù và thù hận hoành hành”.

“Thật đáng sợ khi nghe những lời kêu gọi hủy diệt con người và các vùng lãnh thổ được nói ra một cách dễ dàng như thế nào. Thật không may, những lời nói thường biến thành những hành động hiếu chiến của sự bạo lực tàn khốc đáng ghê tởm”, Đức Thánh Cha nói.

“Đây là lý do tại sao cần phải bác bỏ mọi luận điệu hiếu chiến, cũng như mọi hình thức tuyên truyền thao túng sự thật, làm biến dạng sự thật vì mục đích ý thức hệ. Thay vào đó, điều phải được thúc đẩy là một hình thức truyền thông giúp tạo điều kiện để giải quyết các cuộc tranh cãi giữa các dân tộc”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Sứ điệp của mình, được ký tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateranô vào ngày 24 tháng 1, bằng một lời cầu nguyện ngắn:

“Nguyện xin Chúa Giêsu, Lời tinh tuyền tuôn trào từ Thánh Tâm của Chúa Cha, giúp chúng con thực hiện việc truyền thông một cách rõ ràng, cởi mở và chân thành. Nguyện xin Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, giúp chúng con lắng nghe nhịp đập của con tim, ngõ hầu tái khám phá mình là anh chị em với nhau, và đồng thời giải trừ sự thù địch gây ra sự chia rẽ. Nguyện xin Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Sự thật và Tình yêu, giúp chúng con nói sự thật trong đức bác ái, để chúng con cảm thấy mình như những người bảo vệ lẫn nhau”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube