Đức Phanxicô: Giáo huấn xã hội Công giáo có những nguyên tắc hữu ích để các phong trào quần chúng tuân theo

Ảnh chụp màn hình Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong Cuộc họp Thế giới lần thứ tư về các Phong trào Phổ biến vào ngày 16 tháng 10 năm 2021 / CNA

Ảnh chụp màn hình Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong Đại hội các Phong trào quàn chúng Thế giới lần IV vào ngày 16 tháng 10 năm 2021 / CNA

Phát biểu trong cuộc gọi video hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ với các thành viên của các phong trào quần chúng rằng Giáo huấn xã hội Công giáo có những nguyên tắc hữu ích có thể giúp mọi người thuộc bất kỳ tín ngưỡng nào cải thiện thế giới.

“Giáo huấn xã hội của Giáo hội không có tất cả mọi câu trả lời, nhưng nó có một số nguyên tắc mà dọc theo cuộc hành trình này có thể giúp cụ thể hóa các câu trả lời, các nguyên tắc hữu ích cho các Kitô hữu cũng như những người không phải là Kitô hữu”, Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 16 tháng 10.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết các nguyên tắc được biên soạn trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, cẩm nang về Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, “đã được thử nghiệm, mang tính nhân văn, và Kitô giáo”.

“Tôi khuyên tất cả anh chị em nên đọc nó, anh chị em và tất cả các nhà lãnh đạo xã hội, công đoàn, tôn giáo, chính trị và doanh nghiệp”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp của mình trong Cuộc gặp gỡ các Phong trào quần chúng Thế giới lần thứ IV, diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào ngày 16 tháng 10. Cuộc họp quốc tế lần trước mà Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tham dự, đã diễn ra tại Bolivia vào tháng 7 năm 2015.

Theo trang web khu vực của Hoa Kỳ, “các phong trào quần chúng là các tổ chức cấp cơ sở và các phong trào xã hội được thành lập trên khắp thế giới bởi những người có quyền bất khả xâm phạm về công việc, nhà ở tử tế, đất đai màu mỡ và lương thực bị phá hoại, bị đe dọa hoặc bị từ chối hoàn toàn”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã so sánh các phong trào quần chúng với Người Samaritanô nhân hậu, và đồng thời cho biết rằng hai điều này khiến ngài nhớ đến các cuộc biểu tình đã xảy ra vì cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen 46 tuổi bị sát hại ở Minneapolis, Minnesota vào ngày 25 tháng 5 năm 2020, bởi sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin.

Các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đã được tổ chức trên khắp Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới sau cái chết bất công của Floyd.

“Rõ ràng là kiểu phản ứng chống lại sự bất công xã hội và chủng tộc này có thể bị thao túng hoặc bị lợi dụng bởi mưu đồ chính trị hoặc bất cứ điều gì, nhưng điều chính yếu là, trong cuộc phản đối cái chết này, có nhóm những Người Samaritanô không hề xuẩn ngốc!”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Phong trào này đã không trôi qua bên kia đường khi nó chứng kiến sự tổn thương đối với phẩm giá con người do lạm quyền gây ra. Các phong trào quần chúng không chỉ là các nhà thơ xã hội mà còn là nhóm những người Samaritanô”.

 Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các nhóm cũng truyền cho các thế hệ tương lai “điều tương tự vốn thổi bùng trái tim anh chị em”.

“Về vấn đề này, anh chị em có một nhiệm vụ hoặc trách nhiệm kép”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Giống như Người Samaritanô nhân hậu, chăm chú quan tâm đến tất cả những người đang gặp khó khăn trên đường đi, đồng thời, để đảm bảo có thêm nhiều người hơn nữa cùng tham gia: người nghèo và những người bị áp bức trên trái đất xứng đáng được hưởng điều đó, và ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi từ chúng ta điều đó”.

 Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh một số nguyên tắc có thể được tìm thấy trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, “chẳng hạn như lựa chọn ưu tiên người nghèo, mục đích phổ quát của của cải, liên đới, bổ trợ, sự tham gia và công ích”.

“Đây là tất cả những cách thức mà từ đó Niềm vui của Tin Mừng hình thành cụ thể trên bình diện xã hội và văn hóa”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời lưu ý rằng “Đức Giáo hoàng không được ngừng đề cập đến Giáo huấn này, ngay cả khi nó thường làm mọi người khó chịu, bởi vì điều bị đe dọa không phải là Đức Giáo hoàng mà là Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng chúng ta cần dựa trên các nguyên tắc liên đới và bổ trợ để thực hiện sứ mạng của Tin Mừng theo cách thức cụ thể.

“Đây là những nguyên tắc cân bằng và vững vàng trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội. Với hai nguyên tắc này, tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện bước tiếp theo từ ước mơ đến hành động. Vì đã đến lúc cần phải hành động”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngài không có tất cả mọi câu trả lời cho câu hỏi, “chúng ta phải làm gì?”. Tuy nhiên, ngài chỉ ra rằng thu nhập cơ bản mang tính phổ quát và ngày làm việc được rút ngắn là hai giải pháp khả thi cho việc phân phối nguồn lực và lao động không công bằng.

“Tôi tin rằng những biện pháp này là cần thiết, nhưng tất nhiên là không đủ. Chúng không giải quyết được tận gốc vấn đề, cũng như không đảm bảo việc tiếp cận đất đai, nhà ở và việc làm với số lượng và chất lượng mà những người nông dân không có đất đai, những gia đình không có nơi ở an toàn và những người lao động bấp bênh xứng đáng có được. Chúng cũng sẽ không giải quyết được những thách thức nghiêm trọng về môi trường mà chúng ta phải đối mặt. Nhưng tôi muốn đề cập đến chúng vì chúng là những biện pháp khả thi và sẽ chỉ cho chúng ta đi đúng hướng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cho biết khi phục vụ các phong trào quần chúng, ngài nhận thấy chính Thiên Chúa đang hiện diện.

“Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng ơn cứu rỗi bao gồm việc chăm sóc những người đói ăn, những người đau yếu bệnh tật, các tù nhân, những người ngoại kiều; nói tóm lại, qua việc nhận ra Ngài và phục vụ Ngài nơi toàn thể nhân loại đang đau khổ”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục. “Đó là lý do tại sao tôi muốn nói với anh chị em: ‘Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng’ (Mt 5, 6), ‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5, 9)”.

Trong số các tham dự viên tham gia hội nghị video hôm 16 tháng 10 với Đức Thánh Cha Phanxicô có một nhóm người tị nạn bị mắc kẹt ở Libya, một số người trong số họ là những người sống sót sau các cuộc tra tấn và bị giam giữ trong các trại tù.

Theo một đoạn video và thông tin do một người di cư gửi đến Avvenire, tờ báo của Hội đồng Giám mục Ý, những người tị nạn đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài trụ sở của các cơ quan Liên hợp quốc ở Tripoli, Libya, trong hơn 16 ngày yêu cầu được sơ tán đến một đất nước an toàn.

Trong video, người di cư cho biết rằng họ sẽ tham gia Đại hội Thế giới của các Phong trào quần chúng “bởi vì cuộc đấu tranh của chúng tôi là cuộc đấu tranh của tất cả mọi người… vì công lý và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói “theo kinh nghiệm của tôi, khi mọi người, những người nam giới và phụ nữ, phải chịu bất công, bất bình đẳng, lạm dụng quyền lực, thiếu thốn và bài ngoại – theo kinh nghiệm của tôi, tôi có thể thấy rằng họ hiểu rõ hơn những gì người khác đang trải qua và có thể giúp họ một cách thực tế để mở ra những con đường hy vọng”.

“Điều quan trọng là tiếng nói của anh chị em được lắng nghe, được thể hiện ở tất cả những nơi mà các quyết định được đưa ra. Hãy đưa ra tiếng nói của anh chị em trên tinh thần hợp tác; nói với xác quyết luân lý về những gì phải thực hiện”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube