Đức Phanxicô: ‘Đối thoại Công giáo-Chính thống giáo Đông phương có thể thúc đẩy hòa bình thế giới’

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp phái đoàn đến từ Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople tại nhà khách Santa Marta của Vatican, ngày 30 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp phái đoàn đến từ Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople tại nhà khách Santa Marta của Vatican, ngày 30 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

“Tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo không chỉ là một vấn đề nội bộ đối với các Giáo hội”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 30 tháng 6. “Đó là điều kiện thiết yếu để hiện thực hóa một tình huynh đệ phổ quát đích thực, được thể hiện trong công lý và tình liên đới đối với tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về vai trò của đối thoại đại kết trong việc xây dựng hòa bình trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Chính thống giáo Đông phương tại Vatican.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ vỡ Tinh thần Hiệp nhất Kitô giáo, cũng tham dự cuộc họp, được tổ chức tại nhà khách Santa Marta của Vatican, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đang cư ngụ.

Phái đoàn đã được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew I Tòa Thượng phụConstantinople cử đến Rôma, đồng thời cũng tham dự Thánh Lễ do Đức Thánh Cha chủ sự nhân dịp Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vào ngày 29 tháng 6, cùng cầu nguyện với Đức Thánh Cha Phanxicô tại phần mộ của Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Phanxicô và phái đoàn đến từ Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople cầu nguyện trước phần mộ của Thánh Phêrô, ngày 29 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô và phái đoàn đến từ Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople cầu nguyện trước phần mộ của Thánh Phêrô, ngày 29 tháng 6 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong cuộc gặp gỡ vào ngày 30 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Chúa Kitô chính là ngọn nguồn của hòa bình trên thế giới.

“Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói. “Qua sự nhập thể, cuộc khổ nạn và sự phục sinh, Chúa Kitô đã phá bỏ những bức tường của sự thù hận và chia rẽ giữa mọi người”.

 “Chúng ta hãy bắt đầu lại từ nơi Người”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “và nhận ra rằng không còn là lúc để sắp xếp các chương trình nghị sự của Giáo hội theo các tiêu chuẩn quyền lực và tính thiết thực của thế giới, nhưng phù hợp với thông điệp hòa bình mang tính tiên tri táo bạo của Phúc Âm”.

Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople là một Giáo hội Chính thống giáo Đông phương độc lập với khoảng 5,3 triệu thành viên, hầu hết đều ở Hy Lạp. Dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng phụ Bartholomew I, bắt đầu vào năm 1991, Giáo hội đã nhấn mạnh đến các sáng kiến đại kết và đối thoại giữa các Kitô hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “sự hòa giải giữa các Kitô bị ly tán, như một phương tiện góp phần cho hòa bình giữa các dân tộc đang xung đột, là một sự cân nhắc kịp thời nhất hiện nay, vì thế giới của chúng ta đang bị phá vỡ bởi một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và vô nghĩa, trong đó rất nhiều Kitô hữu đang chiến đấu chống lại nhau”.

Khoảnh khắc này đòi hỏi một sự suy ngẫm nghiêm túc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, khi đặt câu hỏi, “kiểu thế giới nào chúng ta muốn xuất hiện sau sự bùng nổ của sự thù địch và xung đột khủng khiếp này? Và chúng ta đã chuẩn bị đóng góp gì ngay bây giờ để hướng tới một nhân loại huynh đệ hơn?”.

“Với tư cách là những người có đức tin, chúng ta nhất thiết phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi này trong Tin Mừng: nơi Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta phải có lòng thương xót và đừng bao giờ gây hấn bạo lực, trở nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện, và đừng theo tinh thần thế gian”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cho biết rằng các Kitô hữu nên giúp đỡ lẫn nhau “để đừng khuất phục trước sự cám dỗ bóp nghẹt sự mới mẻ bùng nổ của Phúc âm với những quyến rũ của thế giới này”.

“Trước khi xảy ra chiến tranh, trước tiên, mối bận tâm của chúng ta không phải là trò chuyện và thảo luận, mà là khóc lóc, giúp đỡ người khác và tự mình trải nghiệm sự cải đổi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Chúng ta cần phải khóc thương cho các nạn nhân và sự đổ máu quá lớn, cái chết của rất nhiều người vô tội, những đau thương đã gây ra cho các gia đình, các thành phố và toàn thể người dân”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng các Kitô hữu có nghĩa vụ thực thi lòng bác ái đối với Chúa Kitô đang hiện diện nơi những người nghèo khổ, bị thương và bị di tản.

“Nhưng chúng ta cũng cần phải trải qua sự hoán cải và nhận ra rằng cuộc chinh phục vũ trang, chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa đế quốc không liên quan gì đến Vương quốc mà Chúa Giêsu đã tuyên bố”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cho biết ngài hy vọng rằng cuộc đối thoại thần học giữa Công giáo và Chính thống giáo Đông phương “sẽ tiến triển bằng cách thúc đẩy một não trạng mới, ý thức về những sai lầm của quá khứ, có thể giúp chúng ta cùng nhau nhìn về hiện tại và tương lai”.

“Chúng ta đừng bằng lòng với một ‘hoạt động ngoại giao Giáo hội’ vốn sẽ cho phép chúng ta duy trì một cách lịch thiệp quan điểm của riêng mình, mà thay vào đó là cùng nhau thực hiện cuộc hành trình với tư cách là huynh đệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube