
ĐTC Phanxicô trả lời các câu hỏi từ các thành viên báo chí trên chuyến bay từ Bahrain trở về Rôma (Ảnh: Vsatican News)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến cuộc chiến vì quyền bình đẳng của phụ nữ trong một cuộc họp báo trên chuyến bay Giáo hoàng trở về Rôma hôm Chúa nhật.
Phát biểu trên chuyến bay từ Bahrain trở về Ý vào ngày 6 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết phụ nữ là một món quà cho xã hội – nhưng cuộc đấu tranh cho các quyền cơ bản của họ chắc chắn sẽ tiếp tục nếu có những nơi trên thế giới mà ở đó phụ nữ không được đánh giá bình đẳng.
Trở về từ quốc gia Bahrain đa số theo đạo Hồi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi liệu ngài có ủng hộ những nỗ lực của phụ nữ và thanh thiếu niên tại Iran để đấu tranh cho sự tự do hơn hay không.
“Chúng ta phải nói sự thật”, Đức Thánh Cha nói, “cuộc chiến vì quyền của phụ nữ là một cuộc chiến liên tục vì ở một số nơi phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới nhưng ở những nơi khác thì không”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ là hành vi “tội ác”, ngài đặt câu hỏi: “tại sao, trong thế giới ngày nay, chúng ta lại không thể ngăn chặn thảm kịch xâm hại tình dục những thiếu nữ trẻ?”.
“Theo hai nhận xét mà tôi đã nghe, phụ nữ là thứ đồ dùng một lần (thật tệ quá nhỉ) hoặc là chủng loài được bảo vệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Nhưng sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ vẫn chưa được tìm thấy phổ biến và có những trường hợp như thế này khi phụ nữ là công dân hạng hai hoặc tệ hơn”.
“Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu vì điều đó, bởi vì phụ nữ là một món quà”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra trên khắp Iran kể từ cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ Iran 22 tuổi người Kurd bị cảnh sát đạo đức giam giữ ngày 13/9 vì bị cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục của chế độ yêu cầu phụ nữ phải che tóc bằng khăn trùm đầu và ngực. Theo Tổ chức Nhân quyền Iran, có trụ sở tại Na Uy, ít nhất 304 người đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của cảnh sát đối với các cuộc biểu tình, trong đó có 41 trẻ em.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết khi Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ, Ngài không tạo nên người phụ nữ để làm “con chó” cho người nam. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng mặc dù những lời của Thánh Phaolô về mối tương quan giữa người nam và người nữ ngày nay có vẻ là “lỗi thời”, nhưng vào thời điểm đó, nó đã mang tính cách mạng.
“Người đàn ông phải chăm sóc người phụ nữ như chính thân mình, và tất cả các quyền của phụ nữ đều xuất phát từ sự bình đẳng này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Một xã hội không có khả năng đặt phụ nữ vào vị thê đúng đắn của họ thì sẽ không thể thăng tiến được”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi cách thức độc đáo mà người phụ nữ tiếp cận giải quyết vấn đề và đồng thời cũng cho biết rằng nó “không hề thua kém, nó mang tính bổ sung cho nhau”. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích nam giới và phụ nữ cùng cộng tác làm việc vì thiện ích chung.
“Tôi đã nhận thấy điều đó ở Vatican; mỗi khi một phụ nữ đến làm việc ở Vatican, mọi thứ đều trở nên tốt hơn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến việc bổ nhiệm một phụ nữ làm Tổng Thư ký Phủ Thống đốc thành Vatican, và đưa phụ nữ vào nắm giữ chức vụ trong Hội đồng Kinh tế, mà ngài gọi là “một cuộc cách mạng, bởi vì phụ nữ biết cách tìm ra đường hướng đúng đắn, họ biết cách tiến về phía trước”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc tên nhà kinh tế học người Mỹ gốc Ý Mariana Mazzuccato, người gần đây ngài đã bổ nhiệm làm thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống.
Cuộc bổ nhiệm này đã bị chỉ trích vì bà Mazzuccato là một người ủng hộ thẳng thắn quyền phá thai trên Twitter.
“Và bây giờ, tôi đã nhờ đến hội đồng gia đình Mazzuccato, một nhà kinh tế học vĩ đại đến từ Hoa Kỳ, để mang lại một chút tính nhân văn hơn cho việc này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về phụ nữ, vấn nạn lạm dụng trong Giáo hội, cuộc khủng hoảng ở Lebanon, mối quan hệ Hồi giáo-Kitô giáo, và cuộc chiến ở Ukraine trong chuyến bay trở về sau chuyến viếng thăm 4 ngày tới Vương quốc Bahrain ở Vịnh Ba Tư.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Bahrain, một quốc gia có đông đảo người Hồi giáo.
Chuyến Tông du từ ngày 3-6 tháng 11 của Đức Thánh Cha Phanxicô bao gồm các cuộc gặp gỡ với các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo Hồi giáo và cộng đồng Công giáo nhỏ bé, bao gồm Thánh lễ với khoảng 30.000 người tại sân vận động bóng đá quốc gia của Bahrain.
Nhóm thiểu số Kitô giáo nhỏ bé ở Bahrain chủ yếu gồm những người nhập cư, đặc biệt là những người di cư đến từ Ấn Độ và Philippines.
Theo thống kê năm 2020 của Vatican, hơn 70% tổng dân số – 1,5 triệu người – là người Hồi giáo, trong khi chỉ có khoảng 161.000 người Công giáo sống ở nước này.
Có hai Nhà thờ Công giáo và 20 Linh mục Công giáo.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi một câu hỏi về sự thiếu minh bạch rõ ràng liên quan đến các biện pháp trừng phạt về Giáo luật do Vatican áp dụng đối với các Linh mục hoặc Giám mục trong các trường hợp lạm dụng.
Đức Thánh Cha cho biết cách tiếp cận của Giáo hội Công giáo đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng đang được tiến hành, đặc biệt là sau những tiết lộ vào năm 2002 tại Tổng giáo phận Boston.
“Chúng tôi đang nỗ lực làm việc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Ý thức rằng có những người trong Giáo hội vẫn không nhìn rõ vấn đề, họ không chia sẻ. Đó là một quá trình mà chúng tôi đang thực hiện với lòng can đảm và không phải ai trong chúng ta cũng có lòng can đảm, đôi khi có sự cám dỗ để thỏa hiệp đến với bạn. Tất cả chúng ta đều là nô lệ cho tội lỗi của mình”.
“Nhưng mong muốn của Giáo hội là làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm, đồng thời cũng lưu ý rằng gần đây ngài đã nhận được hai đơn khiếu nại về trường hợp lạm dụng “đã được bao che và không bị chỉ trích bởi Giáo hội”.
“Ngay lập tức tôi nói: một nghiên cứu mới đang được thực hiện và một phán quyết mới đang được đưa ra”.
“Chúng ta là những tội nhân mà các bạn biết, và điều đầu tiên chúng ta phải cảm thấy là sự hổ thẹn, sự hổ thẹn sâu sắc về điều đó”, Đức Thánh Cha nói. “Tôi thiết nghĩ sự hổ thẹn là một ân huệ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi công việc của Đức Hồng y Seán O’Malley, OFM Cap, người đã đấu tranh chống lại vấn nạn lạm dụng trong Giáo hội Công giáo với tư cách là Tổng Giám mục Địa phận Boston và là Chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên ở Vatican.
Cuộc chiến tại Ukraine
Trả lời câu hỏi về cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Quốc Vụ Khanh Vatican đang làm việc rất tích cực ở hậu trường nhằm cổ võ hòa bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã đề xuất một cuộc gặp gỡ tại Moscow với Tổng thống Nga Putin. “Tôi đã nói rằng tôi sẵn sàng đến Moscow để trò chuyện với Putin nếu ông ấy muốn, tôi đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sergey Lavrov trả lời rất lịch sự, người đã nói cảm ơn, nhưng hiện tại thì điều đó là không cần thiết”.
“Từ thời điểm đó, chúng tôi đã trở nên rất quan tâm”, Đức Thánh Cha nói.
Đối thoại liên tôn
Về chủ đề đối thoại liên tôn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hãy để “các nhà thần học thảo luận về các vấn đề thần học. Nhưng chúng ta nên cùng nhau bước đi với tư cách là anh chị em với nhau”.
Đề cập đến một nhà báo người Hồi giáo đến từ Bahrain, Đức Thánh Cha nói: “Ở đất nước của bạn, có chỗ dành cho tất cả mọi người”.
Lebanon
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Lebanon để trả lời câu hỏi của một nhà báo người Lebanon.
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo Lebanon, thúc giục họ đạt được các thỏa thuận vì lợi ích của đất nước. “Trước hết là Thiên Chúa, kế đến là đất nước, và sau đó là lợi ích cá nhân”, Đức Thánh Cha nói.
Giáo hội tại Đức
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã được yêu cầu bình luận về cộng đồng Công giáo đang suy giảm ở Đức do dân số Công giáo rất nhỏ bé trên Bán đảo Ả Rập.
Đức Thánh Cha nói rằng người Đức không nên “đánh mất ý thức tôn giáo của dân tộc”.
Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu Công giáo Đức chú ý đến đức tin của những người Công giáo bình thường, chẳng hạn như các bậc ông bà của họ, và đồng thời cũng cho biết rằng các vấn đề thần học không phải lúc nào cũng là trọng tâm của vấn đề.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại một lời nói bông đùa mà ngài đã đưa ra trong quá khứ, cảnh báo Giáo hội Công giáo ở Đức không được đánh mất bản sắc của mình.
“Tôi nói với những người Công giáo Đức: Nước Đức có một Giáo hội Tin lành tuyệt vời và đẹp đẽ; tôi không muốn một Giáo hội Tin Lành khác, sẽ không tốt bằng Giáo hội kia; nhưng tôi muốn một Giáo hội Công giáo, trong tình huynh đệ với Giáo hội Tin Lành”.
Minh Tuệ (theo CNA)