Chúng ta không cần phải hoàn hảo để sống theo cách làm chứng cho Chúa Kitô và cuốn hút người khác đến với Người, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm thứ Tư.
Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về việc Chúa Giêsu kêu gọi Thánh Mát-thêu, khi đó là một người thu thuế, đi theo Người với tư cách là một trong 12 Tông đồ của Người.
“Đây là thông điệp dành cho chúng ta: chúng ta không cần phải đợi cho đến khi chúng ta hoàn hảo và đã đi một chặng đường dài theo Chúa Giêsu để làm chứng cho Người; không, lời công bố của chúng ta bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, ngay tại nơi chúng ta đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Phát biểu tại Đại thính đường Phaolô VI của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng truyền giáo và việc chiêu dụ thuyết phục một cá nhân khác từ một hệ thống tôn giáo hoặc tín ngưỡng khác cải đạo hoàn toàn không giống nhau.
“Và nó không bắt đầu bằng cách nỗ lực thuyết phục người khác, mà bằng việc làm chứng mỗi ngày cho vẻ đẹp của Tình yêu vốn đã nhìn đến chúng ta và nâng chúng ta lên”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một dòng trong bài giảng của Đức Bênêđíctô XVI tại cuộc gặp gỡ các Giám mục Mỹ Latinh và Caribbean ở Aparecida, Brazil, vào năm 2007: “Giáo hội không tham gia vào việc chiêu dụ người khác cải đạo. Thay vào đó, Giáo hội phát triển nhờ ‘sự cuốn hút’ của mình”.
“Đừng quên điều này”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm, đồng thời gọi những Kitô hữu chiêu dụ người khác cải đạo là “những người ngoại giáo trong diện mạo như người Kitô hữu”.
Thông điệp trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư của Đức Thánh Cha là phần đầu tiên trong loạt bài chia sẻ Giáo lý mới về lòng nhiệt thành tông đồ.
“Đó là một chiều kích quan trọng đối với Giáo hội”, Đức Thánh Cha giải thích. “Tuy nhiên, điều có thể xảy ra là lòng nhiệt thành tông đồ, ước muốn đem Tin Mừng đến cho người khác, giảm sút”.
“Khi đời sống Kitô hữu đánh mất tầm nhìn về chân trời của việc loan báo, thì nó trở nên ốm yếu, nó trở nên khép kín, tự lấy mình làm điểm tham chiếu, nó trở nên hao mòn héo úa. Nếu không có lòng nhiệt thành tông đồ, đức tin sẽ trở nên khô héo. Mặt khác, truyền giáo là dưỡng khí của đời sống Kitô hữu: nó tiếp thêm sinh lực và thanh lọc đời sống ấy”.
Đức Thánh Cha chia sẻ rằng cách thức Chúa Giêsu kêu gọi Mát-thêu bỏ lại cuộc sống trước đây của mình là một tấm gương cho các Kitô hữu ngày nay.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng Mát-thêu, với tư cách là người thu thuế cho đế quốc La Mã, đã bị người khác coi là “công chức” và là kẻ phản bội dân chúng.
“Nhưng trong mắt của Chúa Giêsu, Mát-thêu là một con người, với cả những đau khổ và sự vĩ đại của mình”, Đức Thánh Cha nói.
Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, không xem ai đó như những “tính từ” được dùng để mô tả họ, nhưng như một con người.
“Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta nhìn người khác như thế nào? Chúng ta có thường xuyên nhìn thấy lỗi lầm của họ chứ không phải nhu cầu của họ không; chúng ta có thường xuyên gán mác cho mọi người theo những gì họ làm khôn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Ngay cả với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta cũng tự nhủ: anh ta có phải là một trong số chúng ta hay không? Đây không phải là cái nhìn của Chúa Giêsu: Người luôn nhìn mỗi người với lòng thương xót, thực sự, với sự ưu ái”.
“Và các Kitô hữu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “được mời gọi để noi gương Chúa Kitô đã làm, trở nên giống như Người, đặc biệt là ở những người được gọi là ‘những người ở xa’. Thật vậy, lời tường thuật của Thánh Mát-thêu về lời kêu gọi kết thúc với việc Chúa Giêsu nói: ‘Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi kẻ tội lỗi’”.
Minh Tuệ (theo CNA)