Đức Phanxicô: ‘Chính Chúa Kitô, với ân sủng của Người, là Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính’

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Paul VI tại Vatican, ngày 29 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Pablo Esparza / CNA)

Buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Điện Phaolô VI tại Vatican, ngày 29 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Pablo Esparza / CNA)

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực của chính mình”, vì “chính Chúa Kitô, với ân sủng của Người, mới là Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính”.

Phát biểu trong buổi tiếp kiến chung tại Điện Phaolô VI tại Vatican vào ngày 29 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về “sự công chính”, một học thuyết gây tranh cãi gay gắt vào thời điểm của Cuộc cải cách Tin lành.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sự công chính là gì? Chúng ta, những người từng là tội nhân, đã trở nên công chính. Ai làm cho chúng ta trở nên công chính? Quá trình thay đổi này chính là sự công chính hóa. Chúng ta, trước mặt Thiên Chúa, được làm cho trở nên công chính. Đó là sự thật, chúng ta có những tội lỗi cá nhân của mình. Nhưng về cơ bản, chúng ta đã được công chính hóa. Đây chính là sự công chính”.

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả học thuyết về sự công chính là “một chủ đề khó nhưng quan trọng”, đồng thời lưu ý rằng nó đã gây ra “rất nhiều cuộc thảo luận” giữa các Kitô hữu, tập trung vào các tác phẩm của Thánh Phaolô Tông đồ.

Đức Thánh Cha cho biết rằng mặc dù Giáo lý là điều mang tính “quyết định cho đức tin”, nhưng thật khó để đưa ra “một định nghĩa đầy đủ”.

“Trên thực tế, Thiên Chúa, qua cái chết của Chúa Giêsu – và chúng ta cần nhấn mạnh điều này: qua cái chết của Chúa Giêsu – đã tiêu diệt tội lỗi và ban cho chúng ta sự ân xá và ơn cứu độ của Ngài. Vì thế, những người tội lỗi đã được công chính hóa được Thiên Chúa chào đón và hòa giải với Ngài”, Đức Thánh Cha giải thích.

“Dường như mối tương quan ban đầu giữa Đấng Tạo Hóa và tạo vật trước khi sự bất tuân của tội lỗi can thiệp đã được khôi phục. Do đó, sự công chính do Thiên Chúa Trời ban tặng cho phép chúng ta phục hồi trạng thái vô tội đã đánh mất do tội lỗi”.

Trong những năm gần đây, các tín hữu Công giáo và Tin lành đã bắt đầu vượt qua sự chia rẽ của họ về sự công chính hóa.

Năm 1999, Giáo hội Công giáo và Liên đoàn Thế giới Luther đã ban hành Tuyên bố chung về Học thuyết về sự công chính hóa mang tính bước ngoặt, kết luận rằng các tín hữu Công giáo và Tin lành Luther “giờ đây có thể trình bày rõ ràng sự hiểu biết chung về sự công chính hóa của chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa thông qua đức tin vào Đức Giêsu Kitô”.

Bài phát biểu được phát trực tiếp của Đức Thánh Cha, dành riêng về chủ đề “Đời sống đức tin”, là bài phát biểu thứ chín trong loạt bài chia sẻ Giáo lý của ngài về Thư của Thánh Phaolô gửi Tín hữu Galát.

Vào đầu buổi tiếp kiến, Galát 2: 19-20 đã được đọc lên cho các tín hữu hành hương bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh điều mà ngài nói là một “sự mới mẻ” trong giáo huấn của Thánh Phaolô: rằng sự công chính xuất phát từ ân sủng của Thiên Chúa.

“Thánh Phaolô Tông đồ luôn tâm niệm về trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời của mình: cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường đến Đa-mát. Phao-lô là một người đàn ông kiêu hãnh, sùng đạo và nhiệt thành, xác quyết rằng sự công chính bao gồm việc tuân giữ cẩn thận các giới luật trong Lề luật”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tuy nhiên, giờ đây, Phao-lô đã bị chinh phục bởi Đức Kitô, và đức tin vào Ngài đã hoàn toàn biến đổi ông, cho phép ông khám phá ra một chân lý đã bị che giấu: chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực của chính mình, không, không phải là chúng ta, mà là chính là Đức Kitô, với ân điển của Ngài, Đấng làm cho chúng ta trở nên công chính”.

Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng sẽ là điều sai lầm nếu cho rằng Phaolô bác bỏ Luật Mô-sê, vốn đã định hình sâu sắc cuộc đời ông.

“Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng Luật Mô-sê, đối với Phaolô, đã mất giá trị; đúng hơn, đó vẫn là một món quà không thể hủy bỏ từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô Tông đồ viết, ‘Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh’ (Rm 7:12)”, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý.

“Ngay cả đối với đời sống tâm linh của chúng ta, việc tuân giữ các điều răn là điều cần thiết – chúng ta đã nhiều lần đề cập điều này. Nhưng ngay cả ở đây, chúng ta cũng không thể trông chờ vào những nỗ lực cá nhân của mình: ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận trong Đức Giêsu Kitô chính là điều nền tảng”.

Những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô rất đáng chú ý vì những nhận xét của ngài về luật Do Thái trong các buổi tiếp kiến chung trước đây đã làm dấy lên tranh cãi. Các Giáo sĩ Do Thái đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô sau bài phát biểu của ngài vào ngày 11 tháng 8, bày tỏ lo ngại rằng những phát biểu của Đức Thánh Cha ngụ ý rằng luật Do Thái đã lỗi thời.

Đức Hồng y Kurt Koch của Vatican đã trả lời các nhà lãnh đạo Do Thái, đảm bảo với họ rằng những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô không làm giảm giá trị của Torah (Ngũ Thư).

Tiếp tục giải thích về sự công chính hóa, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại những lời của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ rằng: “nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2:24).

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng Giáo huấn của Thánh Gia-cô-bê, mà nhà lãnh đạo Cải cách Martin Luther đã chỉ trích gay gắt, đã bổ sung cho Giáo huấn của Thánh Phao-lô.

“Đối với cả hai, sự đáp lại của đức tin đòi hỏi chúng ta phải tích cực trong tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta dành cho người lân cận”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục: “Sự công chính hóa kết hợp chúng ta vào lịch sử cứu độ lâu dài vốn minh chứng cho sự công bằng của Thiên Chúa: trước khi chúng ta liên tục sa ngã và thiếu sót, Ngài đã không bỏ cuộc, nhưng Ngài muốn làm cho chúng ta trở nên công chính và Ngài đã làm như vậy nhờ ân sủng, qua việc ban tặng Chúa Giêsu Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng ngài thường xuyên mô tả “phong cách của Thiên Chúa” bằng ba từ: gần gũi, từ bi và dịu dàng.

“Và sự công chính hóa chính là sự gần gũi lớn nhất của Thiên Chúa với chúng ta, tất cả mọi người nam cũng như nữ, lòng từ bi cao vời nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta, tất cả mọi người nam cũng như nữ, sự dịu dàng khôn xiết nhất của Chúa Cha”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Sự công chính là món quà của Đức Kitô, của cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô vốn làm cho chúng ta được tự do. ‘Nhưng thưa Cha, con là một tội nhân… Con đã trộm cướp… Con đã…’Đúng, đúng. Nhưng về cơ bản, con đã được làm hco trở nên công chính. Hãy để cho Đức Kitô thực hiện sự công chính hóa đó. Về cơ bản, chúng ta không bị lên án. Cho phép tôi nói rằng, chúng ta là những vị thánh. Nhưng, về cơ bản, chúng ta là những vị thánh: chúng ta hãy để cho ân sủng của Đức Kitô tuôn đổ và công lý này, sự công chính hóa này, sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để thăng tiến”.

Kết thúc bài chia sẻ Giáo lý của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Quyền năng của ân sủng cần được kết hợp với ‘các mối thương người’ mà chúng ta được kêu gọi để sống để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa vĩ đại đến nhường nào. Chúng ta hãy tiến về phía trước với sự tin tưởng này: tất cả chúng ta đều đã được trở nên công chính, chúng ta được trở nên công chính trong Đức Kitô. Chúng ta phải thực thi công lý đó bằng những công việc của mình”.

Tóm lược bài chai sẻ Giáo lý của Đức Thánh Cha đã được đọc bằng bảy thứ tiếng. Sau mỗi bản tóm tắt, ngài chào hỏi các thành viên của mỗi nhóm ngôn ngữ.

Trong lời phát biểu trước những người hành hương nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngày 29 tháng 9 là Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael.

“Vào ngày này khi Giáo hội mừng Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần, nguyện xin Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Đấng bảo vệ nước Pháp, chở che hộ phù đất nước của anh chị em, giữ cho đất nước này luôn trung thành với cội nguồn của nó, và đồng thời dẫn dắt dân tộc của anh chị em đi theo con đường của sự thống nhất và đoàn kết hơn bao giờ hết”, Đức Thánh Cha nói.

Chào mừng các tín hữu Công giáo đến từ Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha nói: “Theo cách thức đặc biệt, tôi gửi lời chào mừng đến các Chủng sinh của Trường Cao đẳng Giáo hoàng Bắc Mỹ và gia đình của họ đã cùng nhau quy tụ nhân dịp họ được truyền chức Phó tế. Nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn niềm vui và sự bình an xuống trên các con cùng với gia đình các con. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho các con!”.

Vào cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho các nạn nhân của một vụ tấn công gần đây ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi.

“Tôi hết sức đau buồn khi hay tin về các vụ tấn công vũ trang xảy ra hôm Chúa nhật tuần trước nhằm vào các làng Madamai và Abun, miền bắc Nigeria”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

 “Tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời, những người bị thương, và cho toàn bộ người dân Nigeria. Tôi hy vọng rằng sự an toàn của mọi công dân có thể được đảm bảo trên khắp đất nước này”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube