ĐTC Phanxicô với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Kazakhstan: "Mỗi con người đều thánh thiêng"

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại phiên khai mạc và phiên họp toàn thể của Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống tại Cung điện Độc lập ở Nur-Sultan hôm thứ Tư ngày 14 tháng 9 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại phiên khai mạc và phiên họp toàn thể của Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống tại Cung điện Độc lập ở Nur-Sultan hôm thứ Tư ngày 14 tháng 9 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Nhiệm vụ của các tôn giáo là nhắc nhở xã hội về sự thánh thiêng của tất cả mọi sự sống con người, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới tại Kazakhstan hôm thứ Tư.

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu hôm thứ Tư ngày 14 tháng 9 tại phiên khai mạc và phiên họp toàn thể của Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống tại Cung điện Độc lập ở Nur-Sultan.

“Ngày nay, chúng ta nhận thấy thật khó để đón nhận con người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các tham dự viên tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn. “Mỗi ngày, những đứa trẻ, được sinh ra và chưa chào đời, những người di cư và những người lớn tuổi, đều bị gạt ra bên lề. Nhiều anh chị em của chúng ta bị sát tế trên tế đàn của lợi nhuận, giữa những làn hương khói của sự thờ ơ. Tuy nhiên, mỗi con người đều thánh thiêng”.

 “Homo sacra res homini”, Đức Thánh Cha nói, trích lời nhà triết học La Mã Seneca. “Trước hết, nhiệm vụ của chúng ta, nhiệm vụ của các tôn giáo, là nhắc nhở thế giới về điều này”.

Phiên khai mạc của hội nghị thượng đỉnh liên tôn bắt đầu với vài phút cầu nguyện riêng trước khi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phát biểu khai mạc, tiếp theo là bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô và ba nhà lãnh đạo tôn giáo khác: Đại Imam Ahmed El Tayeb của Đại học al-Azhar, Đức Tổng Giám mục Anthony Địa phận Volokolamsk từ Tòa Thượng phụ Moscow, và Giáo sĩ trưởng Sephardi của Israel Yitzhak Yosef.

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam Ahmed El Tayeb của Đại học al-Azhar tại Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống lần VIIthống tại Cung điện Độc lập ở Nur-Sultan hôm thứ Tư, ngày 14 tháng 9 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Imam Ahmed El Tayeb của Đại học al-Azhar tại Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống lần VII tại Cung điện Độc lập ở Nur-Sultan hôm thứ Tư, ngày 14 tháng 9 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo.

“Quyền tự do tôn giáo là một quyền nền tảng, cơ bản và bất khả xâm phạm, phải được khuyến khích ở mọi nơi và không thể chỉ giới hạn ở quyền tự do thờ phượng”,  Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Mỗi người có quyền làm chứng công khai đối với niềm tin của mình, đề xuất, nhưng không bao giờ áp đặt”.

“Việc loại bỏ niềm tin quan trọng nhất trong cuộc sống vào lĩnh vực riêng tư”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “sẽ tước đi một kho tàng khổng lồ của xã hội”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết cách thức tốt nhất để đề cao những nét đặc trưng của sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc và văn hóa là “nỗ lực làm việc vì một xã hội được đánh dấu bằng sự chung sống trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau”.

Chúng ta nên “gắn kết mọi người lại với nhau trong khi đồng thời tôn trọng sự đa dạng của họ”, Đức Thánh Cha nói, và thúc đẩy “những khát vọng cao cả nhất của họ mà không làm ảnh hưởng đến sức sống của họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan vào ngày 13 tháng 9, nơi ngài phát biểu với các nhà chức trách dân sự Kazakhstan và các nhà ngoại giao của quốc gia có đa số người Hồi giáo nằm giữa Nga và Trung Quốc.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia Trung Á cũng sẽ bao gồm các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo tôn giáo và tham dự phiên họp bế mạc của đại hội liên tôn.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ và gặp gỡ các Giám mục Công giáo, Linh mục, Chủng sinh, các Tu sĩ nam nữ sống đời thánh hiến, và những người làm công tác mục vụ khác trong khu vực. Vào sáng ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha sẽ có một cuộc gặp gỡ riêng với các Tu sĩ Dòng Tên, giống như ngài thường làm trong tất cả các chuyến Tông du nước ngoài của mình.

Bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô tại phiên họp khai mạc và hội nghị toàn thể của hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tôn giáo vào ngày 14 tháng 9 được tổ chức xoay quanh bốn thách thức toàn cầu: đại dịch COVID-19, hòa bình, sự đón nhận huynh đệ, và việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết trong bối cảnh của đại dịch, chúng ta được mời gọi quan tâm đến những người khác, bắt đầu từ những người nghèo và thiếu thốn, “những người đã phải chịu đựng nhiều nhất bởi đại dịch, điều này đã gây ra sự bất công của tình trạng bất bình đẳng và mất cân bằng toàn cầu một cách mạnh mẽ”.

“Chừng nào sự bất bình đẳng và bất công còn tiếp tục gia tăng, thì sẽ không có sự kết thúc đối với các loại vi-rút thậm chí còn tồi tệ hơn COVID: vi-rút của sự hận thù, bạo lực và khủng bố”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô ngồi giữa các tham dự viên tham gia Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống tại Cung điện Độc lập ở Nur-Sultan hôm thứ Tư, ngày 14 tháng 9 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô ngồi giữa các tham dự viên tham gia Đại hội các nhà Lãnh đạo Thế giới và các Tôn giáo Truyền thống lần VII tại Cung điện Độc lập ở Nur-Sultan hôm thứ Tư, ngày 14 tháng 9 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo tiếp tục thúc đẩy hòa bình. “Cần phải có một bước tiến nhảy vọt, và nó phải xuất phát từ chúng ta”, Đức Thánh Cha nói.

“Nếu Đấng Tạo Hóa, Đấng mà chúng ta dâng hiến cuộc đời, là tác giả của sự sống cho con người, thì làm sao chúng ta, những người tự nhận mình là tín hữu, lại có thể cho phép sự sống đó bị huỷ diệt? Và làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng những con người trong thời đại của chúng ta, nhiều người trong số họ sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, có thể được truyền cảm hứng để tham gia vào một cuộc đối thoại tôn trọng và có trách nhiệm nếu các tôn giáo lớn, vốn là linh hồn của rất nhiều nền văn hóa và truyền thống, không tích cực dấn thân cho hòa bình?”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Thiên Chúa là nguồn mạch sự bình an”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh. “Ngài luôn hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường hòa bình, không bao giờ đưa đến chiến tranh”.

“Do đó, chúng ta hãy dấn thân hơn nữa, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết xung đột không phải bằng quyền lực, vũ khí và đe dọa không đi đến hồi kết, nhưng bằng những phương tiện không đem lại kết quả được Trời Cao ban cho và xứng với con người: gặp gỡ, đối thoại, các cuộc đàm phán kiên nhẫn, vốn sẽ đạt được sự tiến bộ đặc biệt khi họ tính đến các thế hệ trẻ và tương lai”, Đức Thánh Cha nói.

 “Người trẻ là hiện thân của hy vọng rằng hòa bình không phải là kết quả mong manh của những cuộc đàm phán khó khăn, nhưng là kết quả của cam kết bền bỉ đối với một nền giáo dục có thể hỗ trợ khát vọng phát triển và một tương lai an yên của họ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube