Gặp gỡ các chính quyền dân sự vào ngày đầu tiên của chuyến Tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến quốc gia châu Phi, bao gồm xung đột đang diễn ra và chủ nghĩa thực dân kinh tế, đồng thời kêu gọi người dân Congo từ bỏ bạo lực.
Trong bài phát biểu đầu tiên khi đến Cộng hòa Dân chủ Congo hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án các cuộc xung đột đang tiếp tục tàn phá đất nước và việc các thế lực nước ngoài khai thác một cách táo bạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn của nước này.
Gặp gỡ các cơ quan chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn trong khu vườn “Palais de la Nation” ở Kinshasa, sau chuyến thăm xã giao Tổng thống Congo Felix Tshisekedi, Đức Thánh Cha kêu gọi người dân Congo hãy tự nắm lấy vận mệnh của mình bằng cách từ chối bạo lực và sự hận thù.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng chuyến viếng thăm của ngài xuất phát từ mong muốn mang lại cho họ “sự gần gũi, tình cảm và sự an ủi của toàn thể Giáo hội Công giáo”, và đồng thời cũng cho biết rằng ngài đến “như một lữ khách của tinh thần hòa giải và hòa bình”.
Người dân Congo quý giá hơn cả kim cương
Ví Cộng hòa Dân chủ Congo như một viên kim cương, một trong nhiều tài sản của đất nước, Đức Thánh Cha lưu ý rằng người dân Congo “vô cùng quý giá hơn bất kỳ kho báu nào được tìm thấy trên mảnh đất màu mỡ của họ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng ngoài sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, họ còn có một “sự giàu có về tinh thần” được tìm thấy trong trái tim của họ từ nơi “hòa bình và sự phát triển được sinh ra”, mà theo Đức Thánh Cha, mọi người dân Congo nên “cảm thấy được kêu gọi thực hiện nhiệm vụ của mình”.
“Chớ gì bạo lực và sự hận thù không còn chỗ trong trái tim hay trên môi miệng của bất kỳ ai, vì đây là những cảm nghĩ vô nhân đạo và phi Kitô giáo kìm hãm sự phát triển và đưa chúng ta quay trở lại một quá khứ u ám”.
Những viên kim cương nhuốm máu
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục than phiền về sự bóc lột mà Cộng hòa Dân chủ Congo và toàn bộ lục địa Châu Phi ngày nay vẫn tiếp tục chịu đựng dưới hình thức “chủ nghĩa thực dân kinh tế”, mà theo ngài, “đang dẫn tới tình trạng nô lệ không kém”, khiến người dân Congo trở nên “xa lạ” với chính mảnh đất của họ.
“Chất độc của lòng tham đã vấy máu những viên kim cương của nó”, Đức Thánh Cha lên án, đồng thời kêu gọi thế giới thừa nhận những bất công “thảm khốc” đã gây ra trong quá khứ, và chấm dứt vấn nạn cướp bóc tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra.
“Đừng can dự vào Cộng hòa Dân chủ Congo! Đừng can dự vào Châu Phi! Đừng bóp nghẹt Châu Phi: đó không phải là cái mỏ để bị tước đoạt hoặc một địa thế để bị cướp bóc. Chớ gì Châu Phi trở thành nhân vật chính của vận mệnh của chính nó!”.
Cộng đồng quốc tế cam chịu bạo lực tại CHDC Congo
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô quay sang cộng đồng quốc tế, mà theo ngài, “trên thực tế đã cam chịu tình trạng bạo lực đang nuốt chửng” Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời kêu gọi một nỗ lực mới nhằm hỗ trợ sự phát triển và hòa bình tại quốc gia châu Phi này.
“Các tiến trình hòa bình hiện nay, mà tôi hết sức khuyến khích, cần phải được củng cố bằng những hành động cụ thể, và các cam kết cần phải được duy trì”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các quốc gia và các tổ chức đang cung cấp viện trợ đáng kể trong vấn đề này, giúp chống lại tình trạng nghèo đói và bệnh tật, hỗ trợ pháp quyền và thúc đẩy việc tôn trọng vấn đề nhân quyền.
“Cần phải dành chỗ cho chính sách ngoại giao thực sự mang tính nhân văn, cho một nền ngoại giao mà mọi người quan tâm đến các dân tộc khác, cho một nền ngoại giao không tập trung vào kiểm soát đất đai và tài nguyên, chủ nghĩa bành trướng và gia tăng lợi nhuận, nhưng tập trung vào việc tạo cơ hội cho mọi người và phát triển”.
Tránh thoái lui quay trở lại chủ nghĩa bộ lạc và sự thù địch
Quay trở lại với hình ảnh viên kim cương, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng sự phong phú của xã hội Congo bắt nguồn từ đặc tính “đa diện” của nó, điều mà do đó phải được bảo tồn “tránh mọi hình thức thoái lui quay trở lại chủ nghĩa bộ lạc và sự thù địch”.
“Vấn đề”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét, nhắc lại một câu ngạn ngữ Congo, “không phải là bản chất của các nhóm sắc tộc và xã hội, mà là cách họ chọn chung sống với nhau: họ sẵn sàng hay không gặp gỡ nhau, hòa giải và một lần nữa bắt đầu tạo ra sự khác biệt giữa sự nghiệt ngã của xung đột và một tương lai tươi sáng của hòa bình và sự thịnh vượng”.
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh vai trò quan trọng mà các tôn giáo và xã hội dân sự được kêu gọi đóng góp cho sự phong phú này bằng cách cam kết xây dựng hòa bình và tình huynh đệ tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Sự cần thiết đối với sự minh bạch trong đời sống dân sự và chính trị
Tiếp tục với lối nói ẩn dụ về viên kim cương, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào tính minh bạch trong đời sống dân sự và chính trị, đồng thời lưu ý rằng điều “làm lu mờ ánh sáng của sự tốt lành trong một xã hội thường là bóng tối của bất công và tham nhũng”.
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc thúc đẩy các cuộc bầu cử minh bạch và đáng tin cậy cũng như tham gia nhiều hơn vào các tiến trình hòa bình và theo đuổi vấn đề công ích và an ninh của người dân, thay vì lợi ích cá nhân hoặc phe nhóm.
Ngoài ra, Đức Thánh Cha nói, sự hiện diện của nhà nước ở mọi khu vực trên lãnh thổ cần phải được tăng cường và nhiều người tị nạn và những người di tản cần được quan tâm chăm sóc.
Làm cho những viên kim cương quý giá nhất của CHDC Congo tỏa sáng
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần phải đầu tư vào giáo dục để làm cho “những viên kim cương quý giá nhất của nó tỏa sáng”. Ngài than phiền về vấn đề này khi có quá nhiều trẻ em Congo vẫn không được đi học, thay vào đó chúng bị bóc lột và bị bắt làm nô lệ trong các khu vực hầm mỏ.
“Trẻ em, các thiếu nữ và tất cả những người trẻ đại diện cho niềm hy vọng về tương lai: chúng ta đừng để niềm hy vọng đó bị dập tắt, mà thay vào đó hãy nuôi dưỡng nó bằng tinh thần nhiệt huyết!”.
Kết thúc bài phát biểu dài của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trách nhiệm chung trong việc trở thành “những người quản lý tốt công trình sáng tạo”, bảo vệ môi trường tự nhiên, và đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của sự hỗ trợ quốc tế lâu dài để cải thiện cuộc sống của người dân châu Phi, vượt ra ngoài các can thiệp khẩn cấp.
Tham gia vào việc đổi mới xã hội một cách can đảm và toàn diện
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bằng cách kêu gọi người dân Congo đừng nhượng bộ trước “sự nản lòng” và “cam chịu”, nhưng hãy tham gia vào việc “đổi mới xã hội một cách can đảm và toàn diện” của đất nước họ.
“Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa của niềm hy vọng, Chúa của mọi điều khả dĩ, Đấng luôn ban cho chúng ta sức mạnh để bắt đầu lại, nhân danh phẩm giá và giá trị của những viên kim cương quý giá nhất của vùng đất lộng lẫy này, nơi mà với tư cách là công dân của nó, tôi muốn khuyến khích tất cả mọi người thực hiện một cuộc đổi mới xã hội can đảm và toàn diện”.
Những cuộc xung đột và thách thức hiện tại ở Cộng hòa Dân chủ Congo cũng là trọng tâm trong bài phát biểu của Tổng thống Felix Tshisekedi trước Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ông cảm ơn Đức Thánh Cha, thay mặt cho tất cả người dân Congo, vì sự quan tâm mà Đức Thánh Cha luôn thể hiện đối với tình hình trong nước, và vì “những lời cầu nguyện chân thành cho hòa bình ở các tỉnh phía đông của đất nước”. Tổng thống Felix cũng bày tỏ lòng biết ơn vì Đức Thánh Cha đã sẵn lòng gặp gỡ một phái đoàn gồm những người tản cư trong nước đến từ các tỉnh này.
Minh Tuệ (theo Vatican News)