Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích Con đường Công nghị của Đức là vô ích và có nguy cơ gây tổn hại về ý thức hệ đối với các tiến trình của Giáo hội.
“Kinh nghiệm của Đức không giúp ích được gì”, Đức Thánh Cha phát biểu với Associated Press khi được hỏi về tiến trình gây tranh cãi, đồng thời giải thích rằng cuộc đối thoại nên liên quan đến “tất cả mọi thành phần dân Chúa”.
Vị Giáo hoàng 86 tuổi đã so sánh sự kiện ở Đức, vốn không phải là một Thượng hội đồng, với Thượng hội đồng về Hiệp hành được kéo dài thêm gần đây của Giáo hội hoàn vũ.
Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng mục đích của Thượng hội đồng toàn cầu là “giúp đỡ con đường tinh hoa hơn này [của Đức] để nó không kết thúc tồi tệ theo một cách nào đó, nhưng cũng được hội nhập vào Giáo hội”.
Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô không đi sâu vào chi tiết về các yêu cầu được đưa ra ở Đức, ngài đã mô tả rõ ràng Con đường Công nghị là nguy hiểm.
“Điều nguy hiểm ở đây là có một thứ gì đó rất, rất ý thức hệ len lỏi vào. Khi ý thức hệ tham gia vào các tiến trình của Giáo hội, Chúa Thánh Thần sẽ về nhà, bởi vì ý thức hệ lấn át Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề vốn cũng bao gồm những nhận xét về lập trường của Giáo hội về vấn đề đồng tính luyến ái, sự ra đi của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI – và sức khỏe của ngài.
Kể từ khi được Đức Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng vào năm 2019, Con đường Công nghị của Đức đã gây tranh cãi.
Các tham dự viên tham gia Con đường Công nghị đã bỏ phiếu ủng hộ các văn bản dự thảo kêu gọi việc truyền chức Linh mục cho phụ nữ, chúc phúc cho những người đồng giới và thay đổi Giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái, dẫn đến cáo buộc dị giáo và lo ngại ly giáo.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội từ Ba Lan, các quốc gia Bắc Âu, và trên toàn thế giới đã công khai bày tỏ mối quan ngại của họ.
Những lo ngại về một “sự ly giáo nhơ nhuốc” từ Đức đã gia tăng trong vài tháng qua, khi ban tổ chức Con đường Công nghị vào tháng 11 đã từ chối một chỉ thị tạm hoãn đối với tiến trình này do Vatican đề xuất.
Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Hãy luôn nỗ lực hiệp nhất”.
Chỉ hai ngày trước đó, vào hôm thứ Hai, sự can thiệp mới nhất của Vatican chống lại Con đường Công nghị cho thấy rằng ngay cả những người tham gia vào tiến trình này cũng không hiệp nhất với nhau: 5 Giám mục người Đức, theo báo cáo, đã đề nghị Rôma làm rõ những lo ngại về một hội đồng công nghị.
Vào tháng 9 năm 2022, các tham dự viên của Con đường Công nghị Đức đã bỏ phiếu để thành lập một cơ quan kiểm soát như vậy vốn sẽ giám sát vĩnh viễn Giáo hội ở Đức.
Vatican đã tuyên bố trong một bức thư được công bố vào ngày 23 tháng 1 rằng người Đức không được phép thành lập một hội đồng công nghị thường trực để giám sát Giáo hội ở Đức. Bức thư đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức phê duyệt.
Bất chấp tất cả những can thiệp này, Con đường Công nghị – Synodaler Weg trong tiếng Đức, đôi khi được dịch là Synodal Path – hiện vẫn được cho là sẽ tiếp tục theo kế hoạch của ban tổ chức. Cuộc họp công nghị tiếp theo (và cho đến nay là cuối cùng) dự kiến sẽ diễn ra tại Frankfurt vào tháng Ba.
Minh Tuệ (theo NCR)