ĐTC Phanxicô bày tỏ quan điểm cứng rắn về cuộc chiến Ukraine trong bài phát biểu trước phái đoàn Chính thống giáo

Job of Telmessos, Ihor Wladimir Getcha, Tổng Giám mục Chính thống giáo Đông phương của Tòa Thượng phụ Đại kết, trái, ôm Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối Thánh lễ trọng thể mừng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Vatican, thứ Tư, ngày 29 tháng 6, 2022 Ảnh: Alessandra Tarantino / AP)

Đức Tổng Giám mục Ihor Wladimir Getcha, Tổng Giám mục Chính thống giáo Đông phương của Tòa Thượng phụ Đại kết, trái, ôm Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối Thánh lễ trọng thể mừng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Vatican, thứ Tư, ngày 29 tháng 6, 2022 Ảnh: Alessandra Tarantino / AP)

Bằng một số ngôn ngữ mạnh mẽ nhất của mình về cuộc chiến Ukraine, hôm thứ Năm, ngày 30 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu với phái đoàn bao gồm các nhà lãnh đạo Chính thống giáo rằng cuộc xung đột ở Ukraine tương đương với một “cuộc chiến tranh xâm lược”, vốn là điều không thể chấp nhận được đối với các Kitô hữu có quan điểm ủng hộ.

Phát biểu với một phái đoàn đến từ Tòa Thượng Phụ Constantinople đang có mặt tại Rôma để cử hành Lễ Thánh Phêrô và Phaolô của Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất Kitô giáo vào thời điểm “thế giới của chúng ta bị phá vỡ bởi một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và vô nghĩa mà trong đó rất nhiều, rất nhiều Kitô hữu đang chiến đấu chống lại nhau”.

Mặc dù không nêu cụ thể tên kẻ xâm lược trong cuộc xung đột, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền về nỗi đau khổ của những người “đã mất đi những người thân yêu và bị buộc phải từ bỏ nhà cửa và quê hương đất nước của mình!”.

Trong một phản ứng rõ ràng trước việc Đức Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill bảo vệ cuộc chiến Ukraine như một biện pháp bảo vệ các giá trị Kitô giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với sự hoán cải, đồng thời cho biết rằng cần phải thừa nhận rằng “cuộc chinh phục vũ trang, chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa đế quốc không liên quan gì đến Vương quốc mà Chúa Giêsu đã tuyên bố”.

Thái độ này “không liên quan gì đến Chúa Kitô Phục sinh, Đấng mà trong vườn Gethsemane đã bảo các môn đệ từ chối bạo lực, xỏ gươm về vị trí cũ, vì những ai dùng đến gươm sẽ chết vì gươm”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng nhiệm vụ tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo nên thúc giục tất cả các Kitô hữu tự hỏi mình xem họ muốn nhìn thấy kiểu thế giới nào sau “sự bùng nổ khủng khiếp của sự thù địch và xung đột”, và chúng ta đã chuẩn bị đóng góp gì ngay bây giờ để hướng tới “một nhân loại huynh đệ hơn”.

Câu trả lời cho những câu hỏi này, Đức Thánh nói, xuất phát từ Phúc âm, nơi Chúa Giêsu “kêu gọi chúng ta phải có lòng thương xót và đừng bao giờ gây hấn bạo lực, trở nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện, và đừng theo tinh thần thế gian”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Kitô hữu không nên “khuất phục trước sự cám dỗ bóp nghẹt sự mới mẻ bùng nổ của Phúc âm với những quyến rũ của thế giới này”, và đồng thời cảnh báo chống lại việc biến Thiên Chúa “thành vị thần của các ý tưởng cá nhân của chúng ta và của các quốc gia của chúng ta”.

 “Chúng ta hãy bắt đầu lại từ nơi Người, và nhận ra rằng không còn là lúc để sắp xếp các chương trình nghị sự của Giáo hội theo các tiêu chuẩn quyền lực và tính thiết thực của thế giới, nhưng phù hợp với thông điệp hòa bình mang tính tiên tri táo bạo của Phúc Âm”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô không nêu tên cụ thể Ukraine hay Nga hoặc xác định ai là người mà ngài tin là phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến, nhưng mô tả của Đức Phanxicô về cuộc xung đột như một hành động “gây hấn” và việc ngài lên án những ý tưởng bành trướng trái ngược với Tin Mừng của Chúa Kitô dường như là một trong những những lời chỉ trích trực tiếp nhất của ngài đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đức Thượng phụ Kirill về việc họ biện minh cho cuộc chiến.

Những nhận xét này của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra khi ngài đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng về một số bình luận công khai của ngài về cuộc chiến Ukraine cho thấy rằng không có “người tốt” hay “kẻ xấu” rõ ràng trong cuộc xung đột, và Nga có lẽ đã bị phản đối sau cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 bởi các lực lượng NATO “đang sủa” ngay trước cửa nước Nga.

Tranh cãi về phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô đã leo thang đến mức Đức Giám mục Vitaliy Krivitskiy theo nghi thức Latinh Địa phận Kyiv cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng ngài không còn tin rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Ukraine là có thể xảy ra, bởi vì ngài không còn được coi là “người phi đảng phái”.

Phát biểu với Avvenire, tờ báo chính thức của các Giám mục Ý, Đức Giám mục Krivitskiy cho biết “so với thời kỳ đầu của cuộc xung đột, một bộ phận dân chúng đã không hoan nghênh những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, vốn được coi là không đúng”.

Đối với việc Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ukraine, cần phải “tái xây dựng ‘một sự đồng thuận’ xung quanh cuộc hành trình của ngài”.

Trong cuộc trò chuyện với các biên tập viên của tờ báo La Civiltà Cattolica do Dòng Tên điều hành, được xuất bản vào đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô, khi đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, chia sẻ: “Không có người tốt và kẻ xấu siêu hình nào ở đây, theo một cách trừu tượng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý rằng cuộc chiến là kết quả của một số yếu tố “đan xen” và đồng thời nhắc lại cuộc trò chuyện với một nguyên thủ quốc gia giấu tên trước khi Nga xâm lược Ukraine, trong đó chính trị gia này rõ ràng nói rằng NATO “đang sủa trước cửa nước Nga”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lên án việc buôn bán vũ khí toàn cầu và đã kiềm chế không lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đói với việc trang bị vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Bất chấp nhiều lời kêu gọi hòa bình và cử chỉ công khai của Đức Thánh Cha Phanxicô như hôn lên lá cờ Ukraine từ Bucha, nơi bị cáo buộc tội ác chiến tranh, Đức Thánh Cha hiện vẫn chưa chỉ đích danh Nga hoặc Tổng thống Nga Vladimir Putin như là những kẻ xâm lược trong cuộc xung đột, khiến nhiều người Ukraine bối rối không biết ngài đang đứng ở đâu trong cuộc chiến.

Phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí còn bị các đồng minh thân cận chỉ trích, bao gồm cả người bạn lâu năm của ngài từ Buenos Aires, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người giám sát Giám sát Công giáo Hy Lạp ở Ukraine và người đã ủng hộ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Ukraine trong nhiều năm.

Trong một phản ứng rõ ràng đối với phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trên tờ La Civiltà Cattolica, Đức Tổng Giám mục Shevchuk trong một thông điệp video gần đây cho biết, “nguyên nhân của cuộc chiến này nằm ở chính nước Nga. Và kẻ xâm lược Nga đang cố gắng giải quyết các vấn đề nội bộ của mình với sự trợ giúp của sự xâm lược bên ngoài”.

“Hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine hoàn toàn vô cớ”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói. “Bất cứ ai nghĩ rằng một số nguyên nhân bên ngoài đã kích động Nga xâm lược quân sự hoặc là họ đang nằm trong sự kềm kẹp của sự tuyên truyền của Nga hoặc đơn giản là họ đang cố ý lừa dối thế giới”.

Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tổ chức một buổi tiếp kiến kéo dài gần hai tiếng đồng hồ với một nhóm nhỏ người Ukraine, những người lo ngại về lối nói “mơ hồ” của ngài về chiến tranh.

Không rõ liệu lời phát biểu nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Năm có báo hiệu một sự thay đổi sâu rộng hơn trong giọng điệu về quan điểm của ngài đối với cuộc chiến, hay liệu ngài có sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn trong các buổi tiếp kiến của mình hay không, vì Tòa Thượng phụ Constantinople có truyền thống mâu thuẫn với Tòa Thượng phụ Moscow về sự cởi mở với phương Tây.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube