Chuyến viếng thăm Indonesia của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm ‘củng cố thông điệp về sự khoan dung, đoàn kết và hòa bình thế giới’

156-768x364

Chuyến viếng thăm Indonesia của Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối năm nay hiện đã được Vatican công bố và chính phủ Indonesia đã xác nhận rằng nước này sẽ là điểm đến đầu tiên trong chuyến Tông du của vị Giáo hoàng 87 tuổi tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương, dự kiến sẽ diễn ra diễn ra từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9.

Chuyến đi quốc tế kéo dài 11 ngày dự kiến sẽ là chuyến Tông du dài nhất trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau chuyến viếng thăm Indonesia, Đức Thánh Cha sẽ đến Papua New Guinea từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9 và Đông Timor từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9, kết thúc chuyến hành trình của ngài tại Singapore từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9.

Sau lời mời chính thức của Tổng thống Joko Widodo vào ngày 25 tháng 3, một tuyên bố chính thức từ Bộ Ngoại giao Indonesia nêu rõ: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Indonesia có tầm quan trọng đặc biệt đối với người dân Indonesia, không chỉ đối với các tin hữu Công giáo mà còn đối với tất cả các cộng đồng tôn giáo. Chuyến viếng thăm cũng được kỳ vọng sẽ củng cố thông điệp về lòng khoan dung, sự đoàn kết và hòa bình thế giới”.

Giáo hội Công giáo hiện là cộng đồng tôn giáo lớn thứ ba trong nước với khoảng 8,5 triệu thành viên, chiếm 3% tổng dân số cả nước.

Mặc dù Indonesia không có quốc giáo chính thức nhưng 87% dân số theo Hồi giáo, khiến nước này trở thành quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Sau đó, Công giáo là một trong 6 tôn giáo chính thức được công nhận ở nước này cùng với Hồi giáo, Tin lành, Ấn giáo, Nho giáo và Phật giáo.

Sau thông báo về chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tới Indonesia, Đức Hồng Y Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám mục Địa phận Jakarta và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Indonesia, đã nhắc lại tầm quan trọng của việc xây dựng lòng khoan dung tôn giáo, hòa bình và sự đoàn kết – đặc biệt giữa các Kitô hữu và các tín đồ người Hồi giáo – trong nước.

“Đền thờ Hồi giáo quốc gia, được gọi là Istiqlal, có nghĩa là quyền tự do, hay tự do, nằm ngay trước Nhà thờ Chính tòa Công giáo ở Jakarta”, Đức Hồng Y Hardjoatmodjo nói trong một thông điệp video. “Đền thờ Hồi giáo quốc gia được cố ý xây dựng tại địa điểm này như một biểu tượng của sự hòa hợp”.

Nhà thờ Graha Maria Annai Velangkanni, một nhà thờ Công giáo theo phong cách Ấn Độ-Mughal ở Medan, Indonesia (Ảnh: MarlonH / Shutterstock)

Nhà thờ Graha Maria Annai Velangkanni, một nhà thờ Công giáo theo phong cách Ấn Độ-Mughal ở Medan, Indonesia (Ảnh: MarlonH / Shutterstock)

Benedictus Nuwa, một tu sĩ thuộc Dòng Thừa Sai Claret người Indonesia hiện đang nghiên cứu đối thoại liên tôn tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Rôma, tin rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quê hương của mình sẽ mang đến “thông điệp về hòa bình, công bằng xã hội, tự do tôn giáo và tự do thờ phượng”, và đồng thời là chìa khóa trong việc củng cố “mối quan hệ và đối thoại giữa người Công giáo và người Hồi giáo”.

Mặc dù tu sĩ Nuwa bày tỏ niềm tự hào về sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo ở đất nước mình, nhưng vị tu sĩ Dòng Thừa Sai Claret đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về sự phân biệt đối xử và đàn áp đối với người thiểu số đang xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước. “Vẫn có những nhóm không khoan dung với những khác biệt”, tu sĩ Nuwa nói. “Người dân Indonesia nói chung và chính phủ nói riêng không được nhắm mắt làm ngơ trước những thực tế này”.

Chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Indonesia sẽ đánh dấu chuyến Tông du thứ ba của một vị Giáo hoàng đến Indonesia. Đức Phaolô VI đã đến thăm Indonesia vào năm 1970, sau đó là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1989.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube