Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta trong Bí tích Thánh Thể

Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Chúa nhật ngày 14 tháng 6, 2020

Vì đại dịch vi rút Corona mà nhiều người trong chúng ta đã phải trải qua vài tuần và hàng tháng không được lãnh nhận Thánh Thể. Điều này rất khó khăn với chúng ta thế nhưng nó cũng giúp chúng ta thêm lòng cảm mến với bí tích ban sự sống này hơn. Những bài giảng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô sẽ giúp chúng ta cảm nhận được món quà tuyệt vời của Chúa Giêsu nơi Thánh Thể.

301ff8a7b87b6d36d9094e5a1d7535faChúng ta có khao khát đón nhận Chúa Giêsu không?

“Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22:15). Với những lời nói này, Chúa Giêsu đã bắt đầu bữa ăn cuối cùng của mình và thiết lập bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã tiến gần đến thời điểm đó bằng niềm mong chờ háo hức. Tận đáy lòng mình, Chúa Giêsu đã chờ đợi khoảnh khắc mà Người có thể trao ban chính mình dưới hình bánh và rượu. Người chờ đợi khoảnh khắc đó, khoảnh khắc được xem như một bữa tiệc cưới thực sự của Đấng Cứu Thế: Khi Người có thể biến đổi những món quà của thế giới và để trở nên một với Người, và vì biến đổi chúng, Người khai mạc sự biến đổi của thế giới này. Với sự háo hức mong chờ này, chúng ta có thể nhận thấy ước muốn của chính Thiên Chúa, một tình yêu mong chờ dành cho nhân loại, dành cho tạo thành. Một tình yêu chờ đợi được hiệp nhất, một tình yêu muốn kéo con người về với chính họ, từ đó thực hiện mong muốn của muôn tạo thành, “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:19). Chúa Giêsu khao khát chúng ta, Người chờ đợi chúng ta.

Còn chính chúng ta thì sao? Chúng ta có thật sự khao khát Người? Có phải chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi đến gặp Người? Liệu chúng ta có mong chờ gặp gỡ Người, để được trở nên một với Người, để đón nhận món quà mà Người đã bạn tặng cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể? Hay chúng ta thờ ơ, phân tâm, bận rộn với những điều khác? Từ những dụ ngôn trong các bữa tiệc của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng Người biết được mọi vị trí trống trong bàn tiệc, vị trí từ chối lời mời, sự thiếu quan tâm đến Người và sự gần gũi của Người. Đối với chúng ta những vị trí trống trong bàn tiệc cưới của Thiên Chúa, dù có thể tha thứ hay không, không còn là câu chuyện ngụ ngôn mà là một thực tế ở chính các quốc gia mà Chúa Giêsu đã tiết lộ sự gần gũi của Người một cách đặc biệt. Chúa Giêsu cũng biết những người khách đến dự tiệc không mặc trang phục ngày cưới, họ tới không phải để vui mừng cho sự hiện diện của Người mà là vì thói quen, bởi lẽ trái tim của họ đang ở một nơi nào đó.

Trong một bài giảng của mình, thánh Grêgôriô Cả hỏi: Ai là người đã đến dự tiệc mà không mặc trang phục cưới? Loại quần áo này là gì và làm cách nào để có được nó? Người đã trả lời rằng những ai được mời và vào đó là nhờ con đường của lòng tin. Chính lòng tin đã mở cửa cho họ. Thế nhưng họ đã thiếu trang phục dự tiệc đó là tình yêu. Những ai không sống trong đức tin của họ và tình yêu chưa sẵn sàng cho bữa tiệc sẽ bị loại. Sự hiệp thông với Thánh Thể đòi hỏi niềm tin, nhưng niềm tin đòi hỏi tình yêu, bằng không đức tin đó cũng chết…

“Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em”. Lạy Thiên Chúa, Người mong chờ chúng con, Người mong chờ chính con. Người nóng lòng mong ước chia sẻ chính bản thân Người cho chúng con trong bí tích Thánh Thể, để được nên một với chúng con. Lạy Chúa, xin khơi dậy trong chúng con lòng khao khát Người. Tăng sức cho chúng con trong sự hiệp nhất với Chúa và nơi mọi người. Xin ban sự hiệp nhất cho Giáo Hội của Người hầu cho thế giới tin tưởng Người, Amen. (Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 21 tháng 04, 2011. Tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.)

Hãy hiến dâng chính mình

Sự tuôn đổ của Máu Thánh Chúa Kitô chính là nguồn sống của Giáo Hội. Như chúng ta đã biết, thánh Gioan nhìn thấy nước và máu tuôn ra từ thân thể Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, đó là điểm khởi nguồn đời sống thiêng liêng được ban tặng bởi Chúa Thánh Thần và được truyền tải cho chúng ta nơi các bí tích (Ga 19:34, Ga 1:7, 5:6-7). Thư gửi tín hữu Hípri đã chỉ rõ ý nghĩa phụng vụ của mầu nhiệm này. Chúa Giêsu, bằng sự đau khổ và cái chết của mình, đã tự hy sinh chính mình trong Thần Linh vĩnh cửu, đã trở nên vị thượng tế tối cao của chúng ta và “Người là trung gian của một Giao Ước Mới” (Thư gửi tín hữu Hípri 9:15). Những lời này đã lặp lại lời của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, trong bữa tiệc ly, khi Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể như là sự hy sinh nơi chính thân thể Ngài, đã thí mạng vì chúng ta; máu của Ngài, máu của Giao Ước Mới và vĩnh cửu đã đổ ra để xóa tội nhân loại (Mc 14:24; Mt 26:28; Lc 22:20)

Trung thành với lệnh truyền của Đức Kitô “anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”(Lc 22:19), Giáo Hội trong mỗi lần, mỗi dịp sẽ cử hành bí tích Thánh Thể cho đến khi Con Người trở lại trong vinh quang và niềm vui, trong sự hiện diện nơi các bí tích và biểu dương sức mạnh về sự hy sinh của Ngài để cứu chuộc thế giới. Sự thực là bí tích Thánh Thể luôn là trung tâm của Đức Tin Kitô Giáo…

Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô lần lượt bao trùm các mầu nhiệm của Thiên Chúa chúng ta, sự say mê kéo dài trong những thành viên thuộc thân thể mầu nhiệm của Người, là Hội Thánh, qua mọi thời đại. Cây Thánh Giá có vai trò như một lời nhắc nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô, vị thượng tế tối cao muôn đời của chúng ta, mỗi ngày sẽ kết hợp với những hy sinh của chúng ta, những dau khổ của chúng ta, những nhu cầu, hy vọng và khát vọng cho sự hy sinh vô hạn của mình. Qua Người, với Người và trong Người, chúng ta được nâng cao vị thế của mình như một hiến lễ “thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12:1). Theo nghĩa này, chúng ta được kéo vào sự hiến dâng vĩnh cửu của Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã nói : “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Thư gửi tín hữu Côlôsê 1:24). Trong đời sống của Hội Thánh, trong những thử thách và đau khổ của mình, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện, như Pascal đã nói những cụm từ khắc nghiệt “Nỗi thống khổ tồn tại cho đến khi thế giới này kết thúc”. (Bài Giảng ngày 18 tháng 09, 2010. Tại thành phố Westminster.)

Thiên Đàng đã xuống ở giữa Trái Đất

Thánh Gioan Maria Viannê thích nói với giáo dân của mình rằng: “Hãy đến hiệp thông… Sự thật là chúng ta không xứng đáng như thế nhưng chúng ta cần nó”. Nhận biết điều không tốt đẹp do bởi tội lỗi, nhưng nguồn nuôi dưỡng cần thiết của chúng ta từ tình yêu mà Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta qua bí tích Thánh Thể, hãy để chúng ta đổi mới niềm tin của mình trong sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa Kitô nơi Thánh Thể. Chúng ta không được coi đức tin này là đương nhiên. Vì ngày nay chúng ta chạy theo nguy cơ thế tục hóa và đang thâm nhập vào trong Giáo Hội. Nó có thể thấy trong các nghi thức cử hành Thánh Thể một cách trống rỗng, thiếu trang nghiêm, được thấy trong việc cử hành mà thiếu đi sự tham gia chân thành được thể hiện nơi sự tôn kính và tôn trọng trong phụng vụ. Những cám dỗ giảm thiểu việc cầu nguyện bằng những khoảng khắc hời hợt, vội vã, hay để bản thân mình bị xâm chiếm bởi những mối bận tâm và hoạt động của trần thế luôn diễn ra mạnh mẽ.

Khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện tuyệt vời, chúng ta thường đọc “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, dĩ nhiên, đó là lương thực hằng ngày cho chúng ta và cho tất cả. Thế nhưng lời xin ấy còn chứa đựng một điều sâu sắc hơn. Từ epioúsios trong tiếng Hy Lạp được dịch là hằng ngày còn ngụ ý một lương thực “siêu cần thiết”, một thứ lương thực “đến cho thế giới”. Có vài vị linh mục trong Hội Thánh đã xem ngụ ý này như bí tích Thánh Thể, nguồn lương thực đời đời, thế giới mới đã được ban cho chúng ta trong Thánh Lễ, chính vì vậy ngay từ lúc này thế giới tương lai đã bắt đầu trong chúng ta. Bởi thế, trong bí tích Thánh Thể, Thiên Đàng đang ở giữa Trái Đất này, tương lai của Thiên Chúa đã đến trong hiện tại, và như thể thời gian đang được bao trùm bởi sự vĩnh hằng thánh thiêng.

… Xin ở cùng với chúng con, lạy Chúa Giêsu. Hãy làm nên món quà của chính Người và xin cho chúng con lương thực nuôi dưỡng chúng con đến sự sống vĩnh cửu! Xin giải thoát thế giới khỏi sự hủy hoại của tội lỗi, bạo hành và thù hận đang phá hủy lương tâm, và xin thanh tẩy chúng bằng sức mạnh của tình yêu lòng thương xót của Người. Lạy Mẹ Maria, người phụ nữ “của Thánh Thể” trong suốt cuộc đời trần thế, xin Mẹ giúp chúng con bước đi trong tình hiệp nhất để hướng về điểm đến Nước Trời, trong sự nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, là Bánh Hằng Sống và là liều thuốc cho sự bất tử thiêng liêng. Amen! (Bài giảng mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô ngày 11 tháng 06, 2009. Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Lateran.)

Đức Maria, người nữ Thánh Thể

Lạy Đức Maria chí thánh, Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, hòm bia của giao ước mới và vĩnh cửu, xin đồng hành cùng chúng trên con đường tìm gặp Thiên Chúa, Đấng sẽ đến. Trong Mẹ chúng con tìm thấy được bản chất hoàn hảo nhất của Giáo Hội. Hội Thánh thấy trong Mẹ – “người nữ Thánh Thể” theo cách gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – một biểu tượng tốt đẹp của Hội Thánh và Hội Thánh chiêm ngưỡng Đức Maria như hình mẫu độc nhất của đời sống Thánh Thể… Mẹ là tuyệt mỹ, tota pulchra, vì trong Mẹ ánh vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa được tỏa sáng. Vẻ đẹp của việc phục vụ Nước Trời, điều phải được phản chiếu trong các hội đoàn của chúng ta, là phải được nhân đôi trong Mẹ. Từ Mẹ Maria, chúng ta phải học được cách trở thành người đàn ông, người phụ nữ của Thánh Thể và của Giáo Hội, do đó sự trình diện của chúng ta trước Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô, “thanh sạch không tì vết, không chi đáng trách”, khi Người trở lại trong vinh quang. (Thư gửi tín hữu Côlôsê 1:22, Êphêsô 1:4)

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa Thánh Thần đến ngự trong chúng ta giống như kinh nghiệm của hai tông đồ trên đường về Emmau (Lc 24:13-35) và làm mới lại “sự huyền nhiệm Thánh Thể” của chúng ta qua sự lộng lẫy và vẻ đẹp được tỏa ra từ các nghi thức phụng vụ, qua dấu hiệu hữu hiệu của vẻ đẹp vĩnh hằng nơi mầu nhiệm Thánh của Thiên Chúa. Các môn đệ đã được hồi sinh và vội vàng quay trở lại Giêrusalem để chia sẻ niềm vui với anh chị em trong đức tin. Niềm vui thật sự đã được tìm thấy khi nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta, là người bạn đồng hành trung thành của chúng ta trên mọi nẻo đường. Thánh Thể giúp chúng ta khám phá ra rằng Đức Giêsu Kitô, Đấng sống lại từ cõi chết, là một với chúng ta trong sự nhiệm mầu của Giáo Hội và trong thân thể Người. Trong tình yêu nhiệm mầu này, chúng ta được trở thành nhân chứng. Chúng ta hãy khích lệ nhau cùng đi trên con đường niềm vui, với trái tim tràn đầy kinh ngạc, hướng về cuộc gặp gỡ nơi bí tích Thánh Thể, nhờ vậy chúng ta có thể trải nghiệm và loan báo cho người khác về sự thật những lời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ trước khi Ngài về Trời: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28:20)

(Bài viết được chọn lựa từ những bài giảng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.)

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org – Jesus Awaits Us in the Eucharist

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube