Bầu cử Quốc hội: Phiếu dự phòng, đừng hòng chạy thoát…

Chỉ còn mấy ngày nữa, ngày bầu cử Quốc hội khóa 14 và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ diễn ra tại 184 địa điểm bầu cử trong cả nước.

Phiếu dự phòng

Càng ngày càng có nhiều chuyện liên quan tới bầu cử khiến những ai quan tâm tới vận mạng dân tộc, đất nước cũng phải nản lòng về “tính kịch” của vở diễn “đảng cử dân bầu”.

Thẻ cử tri của một gia đình: chồng sinh năm 1974, vợ sinh năm 1967 và con sinh năm 1970. Ảnh: Maika Nguyễn

Thẻ cử tri của một gia đình: chồng sinh năm 1974, vợ sinh năm 1967 và con sinh năm 1970. Ảnh: Maika Nguyễn

Những ngày qua, theo phản ánh của một số cử tri trên mạng xã hội, phiếu cử tri không chỉ trùng lặp ngày sinh của cả gia đình mà nhiều người còn than phiền vì bị ban bầu cử thay tên đổi họ hay hiện tượng “sinh con rồi mới sinh cha”.

Sự tắc trách trong khâu chuẩn bị cho thấy thái độ coi thường người dân của cơ quan chức năng; đồng thời, phản ánh một sự thật đã thành hệ thống trong các kỳ bầu cử trước đây: việc người dân đi bầu chỉ là hình thức, những ai trở thành đại biểu đều đã được cơ cấu từ trước. Dĩ nhiên, những người được cơ cấu tỷ lệ đảng viên chiếm đa số, trên 90%.

85 phiếu được gọi là dự phòng mà bà Trịnh Thị Hoa nhặt được. Ảnh báo tuổi trẻ

85 phiếu được gọi là dự phòng mà bà Trịnh Thị Hoa nhặt được ngày 22/5/2011. Ảnh báo Tuổi trẻ

Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13, nhiệm kỳ 2011-2016 vừa qua, người dân Cà Mau còn phát hiện một sự thật mà ai cũng đã biết từ lâu, đó là “thùng phiếu dự phòng” mà mỗi đơn vị bầu cử đều có để làm cho kết quả phiếu bầu phù hợp với những người đã được cơ cấu.

Theo báo Tuổi trẻ, số ra ngày 30 tháng 6 năm 2011, ngày 28/6/2011, bà Trịnh Kim Hoa tìm đến Phòng dân nguyện – văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Cà Mau để giao nộp 85 phiếu bầu cử HĐND cấp xã (nhiệm kỳ 2011-2016) do bà nhặt được, đồng thời tố cáo tổ bầu cử gian lận để một ứng cử viên trúng cử vào HĐND xã Khánh Bình Tây.

Theo bà Hoa, ngày 22-5 (ngày diễn ra bầu cử), trên đường đi bán cá bà nhặt được bịch nilông màu đen, giở ra thấy xấp phiếu bầu cử HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011-2015, tổ bầu cử số 9 (ấp Kinh Hòn và ấp Kinh Hòn Bắc).

Người dân bắt đầu chiến dịch tẩy chay bầu cử. Ảnh: Lã Việt Dũng

Người dân bắt đầu chiến dịch tẩy chay bầu cử. Ảnh: Lã Việt Dũng

Phiếu bầu gồm sáu ứng cử viên, cử tri bầu lấy bốn, có đóng dấu đỏ. Bà Hoa mang về nhà, tự kiểm phiếu với kết quả của 85 phiếu thì ứng cử viên nói trên chỉ được một phiếu bầu (ấp Kinh Hòn có 776 cử tri).

Khi bị truy vấn, ông Thái Hồng Tư – phó bí thư, chủ tịch HĐND xã Khánh Bình Tây – nói: “Phiếu của bà Hoa lượm được có thể là phiếu dự phòng được tổ bầu cử đóng dấu sẵn” – theo báo Tuổi trẻ.

Ai cũng biết, tại Việt Nam, từ trước đến nay, các thành viên trong Hội đồng bầu cử quốc gia từ trung ương tới địa phương – những người có quyền quyết định về bầu cử và trúng cử, đa phần đều là ứng cử viên quốc hội hay hội đồng nhân dân các cấp. Họ cũng là người nắm thùng phiếu và kiểm phiếu. Không có bất cứ một cơ quan độc lập nào để có thể giám sát việc bầu cử và kiểm phiếu xem có trung thực hay không. Thực tế, với những ứng cử viên không được cơ cấu, ủy ban bầu cử có đủ mọi thủ thuật để loại những người này khỏi cuộc chơi và “thùng phiếu dự phòng” chính là nhát dao cuối cùng không cho bất cứ ứng cử viên nào chạy thoát.

Tẩy chay bầu cử có phạm pháp không?

Trong bối cảnh việc bầu cử chỉ là hình thức, mọi sự đã có “đảng và nhà nước lo”, người dân chỉ còn biết “vâng dạ tối mặt” thì, vô tình, lá phiếu mà người dân mang bỏ vào thùng phiếu lại là sự chuẩn nhận hợp pháp những điều mà ai cũng biết đó là sự dối trá.

Trong bối cảnh đó, nhiều người coi việc tẩy chay bầu cử là một việc làm cần thiết, không những phù hợp với đạo lý mà còn được pháp luật bảo vệ.

Viết trên Facebook của mình, luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết:

tẩy chay

Một cách tẩy chay bầu cử. Ảnh Mai Phương Thảo

Việc bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ, cho nên việc thực hiện hay không thuộc ý chí tự quyết của mọi người. Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử. Còn Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 trong toàn nội dung văn bản cũng đều quy định công dân có quyền bầu cử chứ không có nghĩa vụ.

Vì là quyền cho nên công dân không bị buộc phải thực hiện vì đó không phải nghĩa vụ. Do vậy người dân được toàn quyền tự quyết định xem có muốn đi bầu hay không. Rà soát các văn bản pháp luật hiện tại tôi không thấy bất cứ một quy định chế tài nào đối với người không đi bầu cử.”

Theo ông, “việc không đi bầu cũng có tác dụng tốt cho sự tiến bộ phát triển của đất nước. Vì thứ nhất đây là một cách biểu thị bày tỏ dân nguyện cho thấy Quốc hội đã không tạo được niềm tin là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Và việc tổ chức bầu cử cũng không tạo được sự tin tưởng về tính công bằng, thực chất ở những người không muốn đi bầu. Thứ hai, việc không đi bầu sẽ giúp Quốc hội nhìn lại về vai trò năng lực của mình để từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giúp cho việc làm luật và giám sát được tốt hơn.”

Như thế, xét trên khía cạnh đạo lý hay dựa trên luật pháp, người dân không buộc phải đi bầu, trái lại, việc tẩy chay bầu cử cũng có thể được coi là một việc làm giúp đất nước pháp triển, công bằng và tự do.

Sinh thời, ông Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Yêu nước không là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước.”

Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, trước tình trạng đạo đức xã hội suy đồi, khủng hoảng kinh tế trầm trọng, xã hội bất an, nợ công tăng cao, quan chức tham nhũng như “bầy sâu”, thì thiết nghĩ tẩy chay bầu cử cũng chính là một cách thức thể hiện lòng yêu nước cách cụ thể.

19/5/2016

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết