Bầu cử Quốc hội: Kiểm phiếu tín nhiệm trong miếu cô hồn

Sau vụ dùng mắm tôm tại vòng hiệp thương lần thứ hai hôm 28/3 làm vũ khí để đối phó với ứng cử viên Hoàng Dũng – ứng cử viên tự ứng cử Quốc hội khóa 14, sáng ngày 1/4/2016, nhiều ứng cử viên tự do khác cũng đã được chính quyền thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của các cử tri tại địa phương.

Một nạn nhân ủng hộ ứng viên Hoàng Dũng bị ném mắm tôm ngoài hội trường.

Một nạn nhân ủng hộ ứng viên Hoàng Dũng bị ném mắm tôm ngoài hội trường.

Ai cũng biết, xưa nay trong các kỳ bầu cử của nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính hình thức đối với các ứng cử viên do Trung ương hay do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu. Riêng đối với các ứng cử viên tự do, thì đây là lúc họ phải đối diện với những màn đấu tố kiểu thời cải cách ruộng đất, nhằm tạo hồ sơ để loại những người này ra khỏi danh sách ứng cử viên cho kỳ bầu cử sắp tới.

Biết thì biết vậy, nhưng không ai lại có thể tưởng tưởng ra được, trong thời đại thông tin toàn cầu, người ta lại có thể nghĩ ra nhiều kế bẩn hơn “mắm tôm” để đối phó, miễn là loại được những ứng cử viên không thuộc diện “cơ cấu” trong hệ thống chính trị hiện nay tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.

Luật sư Võ An Đôn, trên facebook cá nhân, đã tường thuật lại diễn biến buổi lấy phiếu tín nhiệm, do Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên tổ chức tại nơi ông cư trú, sáng ngày 1/4/2016, như sau:

Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên tổ chức đấu tố Ls. Võ An Đôn ngày 1/4/2016. Ảnh facebook Võ An Đôn

Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên tổ chức đấu tố Ls. Võ An Đôn ngày 1/4/2016. Ảnh facebook Võ An Đôn

Tham dự Hội nghị có hơn 100 người, phần lớn là công an, cán bộ các đoàn thể chính quyền địa phương, người lạ mặt ở địa phương khác, dân chúng trong thôn chỉ vài người được mời đến dự.

Mở đầu Hội nghị họ giới thiệu sơ lược về tôi, sau đó cho người đấu tố tôi. Người đầu tiên đấu tố là một anh đảng viên của chi bộ thôn trước đây làm kiểm sát viên bị tuột xích cho về hưu sớm. Người thứ hai là một công an về hưu. Người thứ ba là một công an huyện. Người thứ tư là một đảng viên thuộc chi bộ thôn và người thứ năm là Chủ nhiệm đoàn luật sư…

Sau khi đấu tố xong thì phát phiếu bầu. Phiếu bầu rất đơn giản chỉ ghi họ tên tôi. Nếu ai đồng ý thì giữ nguyên phiếu bầu. Nếu không đồng ý thì gạch tên. Họ phát ra 86 phiếu rồi thu lại. Họ không kiểm phiếu tại chỗ mà đem phiếu bầu vào trong một ngôi miếu vắng vẻ gần đó để kiểm phiếu, bên ngoài thì có công an canh gác”.

Kiểm phiếu trong miếu có công an canh gác. Ảnh facebook Võ An Đôn

Kiểm phiếu trong miếu có công an canh gác. Ảnh facebook Võ An Đôn

Không chỉ luật sư Võ An Đôn, tất cả các ứng cử viên tự do tham gia buổi lấy phiếu tín nhiệm của cử tri địa phương do Mặt trận Tổ quốc tổ chức trong ngày 1/4/2016, đều phải trải qua những bi – hài kịch được chính quyền “lập trình” một cách có hệ thống như vậy: mời đến, cho quân xanh, quân vàng đấu tố, phát phiếu, thu phiếu…đem ra miếu kiểm phiếu một cách rất cô hồn.

Trong một diễn biến khác, sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa 13 sáng ngày 31/3/2016 thay ông Nguyễn Sinh Hùng mà Quốc hội vừa miễn nhiệm, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã lập tức thực thi quyền hành bằng quyết định trình miễn nhiệm chức Chủ tịch Nước của ông Trương Tấn Sang và giới thiệu ông Trần Đại Quang làm ứng cử viên duy nhất cho chức vụ Chủ tịch Nước để Quốc hội bỏ phiếu kín vào 2/4/2016. Sau khi ông Trần Đại Quang trúng cử chức Chủ tịch Nước, thì ngày 6/4/2016 tới đây, ông sẽ trình miễn nhiệm chức thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng và giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc làm ứng cử viên duy nhất cho chức vụ thủ tướng để Quốc hội bầu phiếu kín vào ngày 7/4/2016.

Nếu dân chúng chỉ được đóng vai những khán giả xem tuồng, chứ không thực sự được tham dự vào hệ thống chính trị trong tư thế những người làm chủ, thì tương lai đất nước và xã hội sẽ thế nào? Nếu việc kiểm phiếu tín nhiệm ứng viên đại biểu Quốc hội chỉ được thực hiện trong miếu cô hồn, thì phải chăng sẽ chỉ những kẻ cô hồn mới đáng được tín nhiệm?

Hà Thạch

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube