Bầu cử Quốc hội: tẩy chay có khi lại là cách tham gia hữu hiệu

Đúng một tháng nữa sẽ là ngày bầu cử Quốc hội: 22/5/2016.

Việc bầu cử các đại biểu Quốc hội, cứ bình thường, là một trong những sinh hoạt chính trị quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và cuộc sống của mọi người dân.

Chúng ta có nhiệm vụ tham gia vào sinh hoạt chính trị quan trọng này.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết trong Thông điệp Deus Caritas Est (2005): “Là công dân, các Kitô hữu được kêu gọi thiết thân tham gia vào đời sống cộng đồng. Vì thế, họ không được từ chối tham gia vào những sáng kiến đa dạng và khác biệt trên những bình diện kinh tế, xã hội, luật pháp, hành chính và văn hoá, tất cả bình diện này đều phục vụ cho việc thực thi có tổ chức và cơ chế cho công ích” (số 29).

Nhưng vấn đề là một sự tham gia đích thực, trưởng thành, nhắm mục tiêu “phục vụ cho việc thực thi có tổ chức và cơ chế cho công ích”, chứ không chỉ là sự tham gia bề ngoài.

Có nhiều cách thức tham gia khác nhau.

Một số người tham gia cuộc sinh hoạt chính trị này bằng cách tự ứng cử đại biểu Quốc hội, với mục tiêu rất thực tế và minh bạch là thức tỉnh người dân và thúc đẩy quá trình học tập dân chủ, như lời tiến sỹ Nguyễn Quang A – một người tự ứng cử – đã ung dung chia sẻ. Họ biết rất rõ khả năng lọt vào các vòng trong là không nhiều, huống nữa là khả năng trúng cử. Cả một hệ thống độc tài và độc quyền với rất nhiều mánh lới hạ cấp được huy động để loại trừ các ứng viên tự ứng cử. Nhưng với tất cả trách nhiệm công dân, họ đã tự ứng cử trong ý thức về tầm quan trọng của việc phục vụ công ích bằng những cách thực thi có tổ chức và cơ chế, chứ không chỉ bằng những hành động cá nhân và tự phát. Vì thế, dù bị cái quy trình bầu cử “dân chủ đến thế là cùng” loại trừ, họ vẫn được cộng đồng xã hội (và ngay cả các viên chức chính quyền đã làm hết cách để loại trừ họ) kính trọng.

Nhưng đó không phải là cách tham gia duy nhất. Trong các cách tham gia, sự từ khước việc bỏ phiếu bầu cử cũng có thể là một chọn lựa có trách nhiệm. Không tham gia có khi lại là một cách tham gia hữu hiệu.

Tương tự như tự ứng cử, việc tẩy chay bầu cử cũng là một cách gây ý thức cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Tương tự như tự ứng cử, việc tẩy chay bầu cử cũng là một cách gây ý thức cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Chúng ta biết, Nhà Nước có trách nhiệm bảo vệ và cổ vũ ích chung của xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Evangelii Gaudium (2013): “Dựa trên các nguyên tắc phân quyền và liên đới, và hoàn toàn dấn thân cho đối thoại chính trị và xây dựng sự đồng thuận, Nhà Nước đóng một vai trò cơ bản không thể thoái thác trong việc hoạt động cho sự phát triển toàn diện của mọi người. Ở thời điểm hiện nay, vai trò này đòi hỏi một sự khiêm tốn xã hội sâu xa” (số 240).

Những sự kiện thời sự hàng ngày về mọi phương diện chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội…, và ngay cả những gì đã diễn ra liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội 22/5/2016, nhất là trong hai vòng hiệp thương vừa kết thúc, cho thấy Nhà Nước không tôn trọng nguyên tắc phân quyền và liên đới, càng không dấn thân cho đối thoại chính trị và xây dựng sự đồng thuận xã hội. Thực tế chứng minh hệ thống chính trị hiện hành không thực sự toàn tâm dấn thân cho công ích và sự phát triển toàn diện của mọi người, như đáng lẽ nó phải làm.

Trật tự công bằng của xã hội và của Nhà nước là trách nhiệm chính yếu của chính trị. Một Nhà nước, nếu không được tổ chức theo sự công bằng sẽ chí là một nhóm trộm cướp … Công bằng là mục đích và từ đó cũng là tiêu chuẩn nội tại của mọi thứ chính trị. Chính trị không phải chỉ là kỹ thuật cho việc thiết lập các trật tự công cộng : nguồn gốc và mục đích của chính trị chính là sự công bằng và công bằng thuộc bản chất đạo đức” (Deus Caritas Est, số 28). Thế mà chính cuộc bầu cử cơ quan quyền lực chính trị cao nhất nước, lại đã diễn ra không công bằng và dân chủ, mà chỉ là “đảng cử dân bầu”, thì thử hỏi cái cơ quan ấy có đủ khả năng xây dụng và bảo vệ công lý không?

Từ nhiều thập niên, tuyệt đại đa số các ứng viên “đảng cử dân bầu” vào Quốc hội đều không phải là “các chính trị gia có khả năng đối thoại chân thành và hiệu quả nhằm chữa lành những cội rễ sâu nhất—chứ không chỉ những hiện tượng—của những sự dữ trong thế giới chúng ta!” (x. Evangelii Gaudium, 205). Họ không phải là những chính trị gia biết thực lòng lo âu trước tình trạng của xã hội, dân chúng, và cuộc sống của những người nghèo. Thế mà, “Điều cốt tử [để quốc gia phát triển] là các lãnh đạo chính quyền và các lãnh đạo tài chánh phải biết lắng nghe và mở rộng tầm nhìn của mình, làm việc để bảo đảm mọi công dân có công ăn việc làm, sự giáo dục và chăm sóc sức khoẻ xứng đáng” (Evangelii Gaudium, 205).

Thật khó có thể coi việc bỏ phiếu bầu những người như thế vào Quốc hội, là một hành động chính trị có trách nhiệm và đúng đắn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ: “Người dân tại mọi quốc gia phát huy chiều kích xã hội của cuộc sống họ bằng cách hành động như những công dân dấn thân và có trách nhiệm, chứ không phải như một đám đông đu đưa theo bất cứ thế lực nào. Chúng ta không được quên rằng “tư cách công dân có trách nhiệm là một nhân đức, và sự tham gia đời sống chính trị là một bổn phận đạo đức” (Evangelii Gaudium, số 220).

Một công dân có trách nhiệm sẽ không đặt đại một chính trị gia không đủ phẩm chất vào cơ quan nắm giữ quyền lực cao nhất, ít là về lý thuyết, của quốc gia.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi người đều phải tẩy chay bầu cử. Tùy theo lương tâm và ý thức trách nhiệm mà mỗi người sẽ đưa ra quyết định của mình về cách thức tham gia vào một sinh hoạt chính trị quan trọng như việc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Điều rõ ràng – lời Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI – là tình yêu phải là động lực sống động cho toàn bộ đời sống của người giáo dân và từ đó in dấu trên hoạt động chính trị của họ theo nghĩa một “tình yêu mang tính xã hội” (Deus Caritas Est, số 29).

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube