Chúng ta cần một hệ thống dân chủ thực sự

Có quá nhiều chuyện đang xảy ra, buộc chúng ta phải đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền.

Xin kể một vài ví dụ:

  1. Chuyện đối phó với khô hạn và ngập mặn

Hạn hán. Đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt, ngập mặn. Hệ lụy của sự biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, và của việc xây dựng các đập thủy điện từ thượng nguồn.

Vấn đề là kể từ mùa khô 2014-2015, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo sự trở lại của El Nino và đã đưa ra dự báo khô hạn năm 2016. Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cũng đã lên tiếng cảnh báo trước. Nhưng các cơ quan chức năng và gần như toàn bộ hệ thống chính quyền, cấp quốc gia cũng như cấp vùng và cấp tỉnh, đã không hề có một sự chuẩn bị đối phó nào đáng kể.

Đang khi ấy, tất cả các quốc gia láng giềng đều có những điều chỉnh kịp thời về kế hoạch sản xuất và cung ứng khi có những cảnh báo nguy cơ hạn hán: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, và kể cả Campuchia. Chỉ trừ chính quyền Việt Nam vẫn bình chân như vại!

  1. Chuyện quản lý các chất cấm và vấn nạn thực phẩm nhiễm chất cấm cứ ngang nhiên tràn lan trên thị trường

Các cơ quan quản lý gần như bất lực trong việc này. Hơn nữa, có khi họ còn là nhân tố làm cho vấn nạn thêm nghiêm trọng, thí dụ như vai trò của Cục Quản lý dược thuộc Bộ y tế trong việc quản lý nhập chất salbutamol. Thịt, cá, khô, măng… nhiễm chất cấm, dân chúng đối diện nguy cơ ung thư, bệnh tật…

  1. Chuyện tham nhũng

Nạn tham nhũng không hề suy giảm. Dân chúng càng ngày càng phải chịu cảnh viên chức chính quyền nhũng nhiễu làm càn. Những con số gây phẫn nộ:

44% người dân phải hối lộ để có được sổ đỏ;

51,29% người dân phải hối lộ khi xin việc làm trong các cơ quan nhà nước (tại Hà Nội, chỉ có 14% người được hỏi trả lời rằng họ không phải hối lộ mà vẫn có việc làm trong cơ quan nhà nước, trong số đó, không biết những người thuộc loại ‘con ông cháu cha’ chiếm tỷ lệ bao nhiêu);

32,76% phụ huynh phải chi thêm tiền để con em mình được nhà trường ‘quan tâm hơn’…

Đó là những con số được công bố trong báo cáo PAPI 2015 do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc phối hợp cùng các cơ quan Việt Nam thực hiện.

  1. Chuyện nợ công: 29.000.000 đồng / người!

Đó là khoản nợ công mà mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu, từ em bé sơ sinh vừa cất tiếng khóc chào đời cho đến cụ già nằm liệt trên giường! Nợ công của Việt Nam tăng nhanh từ 10 năm qua.

Từ 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng nợ công của Việt Nam là trung bình 20% mỗi năm. 80% nợ công là nợ của Chính phủ. Số tiền để trả lãi nợ công, lấy từ ngân sách nhà nước, riêng trong năm 2015, đã là 83.410 tỷ đồng!

***

Không thể kể hết những yếu kém trong việc quản lý và điều hành của hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tất nhiên, càng không dễ quy trách nhiệm cá nhân về những yếu kém đó.

Giải pháp cần thiết là nhân dân phải chọn lựa cho mình những đại biểu có khả năng và trách nhiệm xây dựng một hệ thống chính quyền đủ tâm và tầm. Vấn đề là hệ thống hiện hành của chúng ta, theo Hiến Pháp, đã tiên thiên khẳng định sự lãnh đạo của một đảng phái chính trị duy nhất, và như thế, trong thực tế, đã tước mất của nhân dân quyền làm chủ đất nước và xã hội.

Trong tài liệu góp ý về sửa đổi Hiến Pháp, đề ngày 1/3/2013, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định:

Quyền bính chính trị cần thiết để điều hành xã hội, nhưng chủ thể của quyền bính chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào… Chính nhân dân có quyền đánh giá năng lực của những đại diện họ đã bầu, và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện đó.”

Các Đức Giám mục đề nghị thẳng thắn:

Để tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào (x.điều 4), vì chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua việc bầu chọn. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc họ làm, chứ không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả.”

Để giải quyết vấn nạn về sự yếu kém của các cơ quan chức năng trong việc quản lý và điều hành đất nước, cần đi đến tận căn của hiện trạng.

Chúng ta cần một hệ thống dân chủ đích thực, trong đó, người dân có quyền thay đổi những người cầm quyền, khi cần, bằng các biện pháp ôn hòa.  “Trong hệ thống dân chủ, mọi cơ quan nắm giữ quyền hành chính trị đều phải trả lời trước nhân dân. Các đoàn thể đại biểu phải chịu sự kiểm soát hữu hiệu của xã hội. Việc kiểm soát này có thể được thực hiện triệt để qua các cuộc bầu cử tự do, cho phép chọn lựa và thay đổi các đại biểu.[1]

Trong hệ thống đó, các viên chức chính quyền và các đảng cầm quyền sẽ có thể bị thay thế khi dân chúng bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử, nếu họ không làm tốt công việc quản lý và điều hành đất nước. Vì thế, họ buộc phải nỗ lực hết mình vì công ích.

Giuse Nguyễn Thể Hiện

[1] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 408.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube