Bài phát biểu của Đức TGM Gallagher với LHQ tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Nelson Mandela

“Di sản của nhà lãnh đạo Mandela đã trở nên đồng nghĩa với việc thúc đẩy hòa bình, bất bạo động, hòa giải, không phân biệt đối xử và nhân quyền”

Hôm 24 tháng 9, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh và Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đã có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Nelson Mandela, vốn là một hội nghị cấp cao ngoại thường của Đại hội đồng. Sự kiện được tổ chức nhằm đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo Mandela vào ngày 18 tháng 7 năm 1918.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher nhấn mạnh rằng di sản của nhà lãnh đạo Mandela đã trở nên đồng nghĩa với việc thúc đẩy hòa bình, bất bạo động, hòa giải, không phân biệt đối xử và nhân quyền. Đức TGM Gallagher đã tập trung vào hai bài học từ cuộc đời của nhà lãnh đạo Mandela. Trước hết đó chính là chiến thắng không bao giờ đồng nghĩa với việc làm nhục kẻ thù đã bị đánh bại, mà ông Mandela đã thể hiện bằng tinh thần khoan dung và quảng đại của mình trong chiến thắng sau 27 năm bị cầm tù và đồng thời đưa ra một tình bạn với những người đã khiến mình đau khổ. Thứ hai đó chính là hòa bình được củng cố khi các quốc gia có thể thảo luận các vấn đề một cách bình đẳng, một điều gì đó được mô tả theo cách Mandela đã thực hành khái niệm triết lý ‘Ubuntu’, vốn dạy rằng chúng ta chỉ có thể phát triển khi chúng ta giúp mọi người xung quanh phát triển. Đức TGM Gallagher đã trích dẫn những lời của nhà lãnh đạo Mandela rằng để có được hòa bình với kẻ thù, chúng ta phải cộng tác với họ và biến họ trở thành đối tác của mình.

Dưới đây là bài phát biểu của Đức TGM Gallagher:

Bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher

Ngoại Trưởng Tòa Thánh,

Trưởng Phái đoàn Tòa thánh

Tại phiên họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Nelson Mandela

New York, ngày 24 tháng 9 năm 2018

Nelson_Mandela-2008_editThưa ngài chủ tịch, phiên họp toàn thể cấp cao này cung cấp một cơ hội đầy hứa hẹn tốt đẹp nhằm tôn vinh 100 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo Nelson Mandela và đồng thời phản ánh về di sản của ông.

Di sản của nhà lãnh đạo Mandela đã trở nên đồng nghĩa với việc thúc đẩy hòa bình, bất bạo động, hòa giải, không phân biệt đối xử và nhân quyền. Trong một bức điện thư bày tỏ sự đau buồn của mình trước sự ra đi của nhà lãnh đạo Nelson Mandela, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ lòng tôn kính đối với “cam kết kiên định […] của ông trong việc thúc đẩy phẩm giá của tất cả mọi công dân của quốc gia và trong việc hình thành nên một Nam Phi mới được xây dựng dựa trên những nền tảng vững chắc như phi bạo lực, hòa giải và sự thật” [1].

Việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Mandela cũng nhắc nhở chúng ta về một sự kiện kỉ niệm bách chu niên: đó chính là sự kết thúc của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cuộc xung đột vốn đã làm biến dạng dữ dội diện mạo của châu Âu. Phản ánh về cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và cuộc đời của Nelson Mandela, hai bài học tuyệt vời xuất hiện có thể phục vụ như những quy tắc vàng để thúc đẩy hòa bình.

Bài học đầu tiên đó chính là chiến thắng không bao giờ đồng nghĩa với việc làm nhục kẻ thù đã bị đánh bại. Hòa bình không được xây dựng bằng cách khoe khoang sức mạnh của kẻ chiến thắng đối với đối phương đã bị đánh bại. Sự vinh quang kiêu căng ngạo mạn của kẻ chiến thắng gieo rắc hạt giống của sự thù hận vốn sẽ biến thành sự trả thù, trong khi sự khiêm tốn trong chiến thắng lại là một lời hứa hẹn về tinh thần hòa giải. Sau 27 năm tù đày, sự hy sinh của Mandela đã được chứng minh với sự chấm dứt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và ông trở thành Tổng thống Nam Phi. Ông đầy tinh thần khoan dung độ lượng và quảng đại trong chiến thắng và, trước sự cổ vũ reo hò của thế giới, ông vẫn một mực khiêm tốn. Sự khôn ngoan của ông đã khiến ông từ chối hành động trả thù để ủng hộ tinh thần hòa giải và đồng thời mở rộng đôi bàn tay của tình bạn đối với những người đã khiến ông đau khổ, đồng thời xác tín rằng tương lai đòi hỏi phải vượt qua quá khứ.

Bài học thứ hai đó chính là hòa bình được củng cố khi các quốc gia có thể thảo luận các vấn đề một cách bình đẳng. Có một lý do về việc tại sao Hội Quốc Liên lại được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và Liên Hiệp Quốc trong đống tro tàn của cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai: Chủ nghĩa đa biên hiệu quả chính là một biểu hiện cụ thể của “gia đình các quốc gia”. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong bài phát biểu của mình với Đại Hội đồng vào ngày 5 tháng 10 năm 1995, “Tổ chức Liên Hợp Quốc cần phải ngày một phát triển hơn nữa vượt qua tình trạng lạnh nhạt của một cơ quan hành chính và trở thành một trung tâm luân lý nơi mà tất cả các quốc gia trên thế giới cảm thấy như đang ở chính quê hương của mình và đồng thời phát triển một nhận thức chung về việc trở thành ‘một gia đình bao gồm nhiều quốc gia’. Ý tưởng về ‘gia đình’ ngay lập tức gợi lên một điều gì đó to lớn hơn là các mối quan hệ thực dụng đơn thuần hoặc chỉ là một sự hội tụ của các mối bận tâm. Gia đình về bản chất là một cộng đồng được dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau và một sự tôn trọng chân thành. Trong một gia đình đích thực, kẻ mạnh không lấn át người khác; thay vào đó, những thành viên yếu hơn, vì sự yếu đuối của họ, tất cả đều được hoan nghênh và được phục vụ nhiều hơn”.

Trong di sản của nhà lãnh đạo Nelson Mandela, chúng ta tìm thấy ý tưởng này trong khái niệm triết lý vô cùng phong phú về ‘Ubuntu’, mà theo đó “Tôi được là chính mình nhờ có những người xung quanh”, chúng ta là một nhân loại gắn bó với nhau, chúng ta phát triển chỉ khi chúng ta giúp mọi người xung quanh phát triển.

Thưa ngài chủ tịch,

Tuyên bố chính trị, được thông qua vào đầu Hội nghị thượng đỉnh hòa bình này, thừa nhận rằng chúng ta phải “hướng đến việc biến đổi trái tim và tâm trí vốn có thể tạo nên sự khác biệt.” Việc cải hóa tâm hồn thực sự quả là vô cùng cần thiết; chúng ta phải nhận ra nơi người khác như anh chị em mình để chăm sóc và làm việc với nhau trong việc xây dựng một cuộc sống trọn vẹn cho tất cả mọi người. Đây chính là tinh thần đã truyền cảm hứng cho nhiều sáng kiến của xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức tôn giáo, trong việc thúc đẩy hòa bình.

Vào mỗi ngày đầu năm mới, Giáo hội Công giáo đề cử hành “Ngày Thế giới Hòa bình” để thu hút sự chú ý đến những lợi ích to lớn và phổ quát của hòa bình. Hội nghị thượng đỉnh hôm nay cũng chính là một hình thức của “Ngày Thế giới Hòa bình”, mà trong đó chúng ta tuyên bố rằng hòa bình chính là một món quà từ Thiên Chúa được giao phó cho tất cả chúng ta. Chúng ta có nhiệm vụ phải chăm sóc nó. Tòa Thánh cùng tham gia với các quốc gia thành viên trong tất cả mọi nỗ lực để không ngừng dấn thân cho một nền hòa bình đích thực và đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “cam kết mỗi ngày của tất cả các quốc gia sẽ tiếp tục mang lại những hoa trái và sẽ có một sự áp dụng hiệu quả trong luật pháp quốc tế về quyền hòa bình, quyền con người và điều kiện tiên quyết cần thiết cho mọi quyền khác” [2].

Đây sẽ chính là hình thức của việc cải đổi tâm trí, để phát triển mạnh mẽ thông qua việc giúp đỡ các quốc gia khác phát triển trong hòa bình và tự do, mà chúng ta kỷ niệm qua cuộc đời đầy cao thượng của nhà lãnh đạo Nelson Mandela.  Như nhà lãnh đạo Mandela đã chia sẻ trong cuốn tự truyện “Long Walk to Freedom” (Hành trình hướng tới Tự do): “Nếu bạn muốn có được hòa bình với kẻ thù của mình, bạn phải nỗ lực làm việc với kẻ thù của mình. Sau đó, hắn sẽ trở thành đối tác của bạn”. Chớ gì sự kiên trì đầy cảm hứng của Mandela trong việc tìm kiếm công lý, tự do và hòa bình, sẽ trở thành động lực thúc đẩy việc gia tăng gấp đôi những nỗ lực cũng như sự cống hiến của chúng ta trong việc tìm kiếm một thế giới hòa bình và công bằng hơn.

Xin cám ơn ngài chủ tịch!

  1. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi Tổng thống Cộng hòa Nam Phi, ngày 6 tháng 12 năm 2013.
  2. Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Hòa bình, ngày 1 tháng 1 năm 2014.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube