Trong Sứ điệp Phục sinh, ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình tại Ukraine và trên toàn thế giới: ‘Hòa bình là nghĩa vụ; hòa bình là trách nhiệm của tất cả mọi người!"

Đức Thánh Cha Phanxicô xông hương ảnh Chúa Giêsu Phục sinh trong Thánh lễ Chúa nhật Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican ngày 17 tháng 4 năm 2022 (Ảnh: CNS / truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô xông hương ảnh Chúa Giêsu Phục sinh trong Thánh lễ Chúa nhật Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican ngày 17 tháng 4 năm 2022 (Ảnh: CNS / truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẩn thiết kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong Sứ điệp Phục sinh “Urbi et Orbi” — cho thành phố Rôma và toàn thế giới. Đức Thánh Cha ám chỉ nguy cơ rằng cuộc xung đột này có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân và đồng thời nhấn mạnh: “Hòa bình là điều hoàn toàn có thể xảy ra; hòa bình là một nhiệm vụ; hòa bình là trách nhiệm quan trọng của mọi người!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “một quyết định vì hòa bình” trong cuộc chiến đó hiện đã bước qua ngày thứ 53 và đồng thời “chấm dứt hành động phô trương sức mạnh trong khi người dân đang lamafg than đau khổ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi của mình sau khi cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô và sự Phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết, vào Chúa nhật Phục sinh, ngày 17 tháng 4. Đức Thánh Cha nhắc nhở 100.000 người hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô — cuộc tụ tập lớn nhất được chứng kiến tại Quảng trường đó và các khu vực xung quanh kể từ khi bắt đầu đại dịch cách đây hai năm — và vô số khán giả toàn cầu với hàng triệu người theo dõi qua truyền hình, đài phát thanh và mạng xã hội rằng thông điệp đầu tiên của Chúa Giêsu Phục Sinh gửi đến “những người thương tiếc Ngài, trốn sau cánh cửa đóng kín và đầy sợ hãi và thống khổ” là một trong những lời cầu chúc bình an. “Bình an cho anh em!”.

Phát biểu vào ngày Chúa nhật thứ tám của cuộc chiến ở Ukraine, sau khi di chuyển trên chiếc popemobile giữa đám đông quy tụ tại Quảng trường, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta đã xuất hiện trở lại sau hai năm đại dịch, vốn đã gây những thiệt hại nặng nề. Đã đến lúc chúng ta cùng nhau bước ra khỏi đường hầm, tay trong tay, góp sức, tập hợp sức mạnh và mọi nguồn lực của mình … Thay vào đó, chúng ta đang cho thấy rằng chúng ta vẫn mang trong mình tinh thần của Cain, người đã coi Abel không phải là người anh em của mình, mà là một đối thủ, và nghĩ về cách thức loại bỏ em mình. Chúng ta cần Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh để chúng ta có thể tin tưởng vào sự chiến thắng của tình yêu và hy vọng hòa giải. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần Chúa Giêsu Phục Sinh đứng giữa chúng ta và lặp lại với chúng ta: ‘Bình an cho anh em!’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng đây là thông điệp của Chúa Giêsu Phục Sinh gửi đến chúng ta trong “Mùa Phục sinh trong cảnh chiến tranh”, một cuộc chiến mà trong đó “chúng ta đã chứng kiến quá nhiều sự đổ máu, quá nhiều bạo lực” và “trái tim của chúng ta tràn ngập sự sợ hãi và đau khổ, vì rất nhiều anh chị em của chúng ta đã phải tự nhốt mình để được an toàn khỏi các cuộc ném bom”.

“Chúng ta hãy để cho sự bình an của Đức Kitô đến trong cuộc sống của chúng ta, đến trong gia đình của chúng ta, đất nước của chúng ta!”, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục.

“Chớ gì hòa bình sẽ đến với Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, bị thử thách nghiêm trọng bởi bạo lực và sự tàn phá của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa mà nó đã bị kéo vào. Trong bóng đêm tối tăm của sự đau khổ và chết chóc khủng khiếp này, cầu mong một tia sáng hy vọng mới sẽ sớm xuất hiện!”.

“Hãy để cho có một quyết định cho hòa bình. Chớ gì hành động phô trương sức mạnh sẽ chấm dứt trong khi người dân đang lầm than đang khổ sở”. Như Đức Thánh Cha nói, Nga đang kêu gọi các lực lượng Ukraine đầu hàng tại thành phố cảng Mariupol bị bao vây và gần như bị phá hủy hoàn toàn, nơi hơn 100.000 người đang sống trong sợ hãi trong những hầm trú ẩn dưới lòng đất thiếu thức ăn, nước và điện.

“Chúng ta đừng để mình trở nên quen thuộc với chiến tranh! Tất cả chúng ta hãy cam kết kêu gọi hòa bình, từ ban công và trên các ngả đường phố của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “các nhà lãnh đạo của các quốc gia” hãy “lắng nghe lời cầu xin hòa bình của người dân” và “lắng nghe lời chất vấn đầy nhức nhối mà các khoa học gia đã đặt ra cách đây gần 70 năm trước: ‘Liệu chúng ta sẽ chấm dứt nhân loại hay nhân loại sẽ từ bỏ chiến tranh?’”.

Câu hỏi này lần đầu tiên được nêu ra trong lời kêu gọi phản đối chống lại chiến tranh hạt nhân của hai nhà trí thức vĩ đại của châu Âu trong thế kỷ 20, Bertrand Russell và Albert Einstein, trong một bản tuyên ngôn hòa bình được ban hành vào ngày 9 tháng 7 năm 1955, và việc Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến nó hiện nay phản ánh mối nguy cơ mà ngài nhận thấy nếu chiến tranh tiếp tục ở Ukraine.

Sau đó, đề cập đến thực tế của việc 11 triệu người Ukraine trong tổng số 44 triệu dân, đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ – trở thành những người tị nạn hoặc những người di cư kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 – Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi đau đáu và lo lắng không yên cho tất cả những nạn nhân người Ukraine, hàng triệu người tị nạn và những người phải di tản trong nước, những gia đình bị chia cắt, những người già bị bỏ mặc bơ vơ một mình không ai giúp đỡ, những cuộc đời tan nát và những thành phố tan hoang. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của những đứa trẻ mồ côi chạy trốn khỏi chiến tranh”.

“Khi nhìn chúng”, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta không thể không nghe thấy tiếng kêu đau đớn của chúng, cùng với tiếng kêu đau đớn của tất cả những đứa trẻ khác đang phải chịu đựng đau khổ trên khắp thế giới của chúng ta: những đứa trẻ đang chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế, những nạn nhân bị lạm dụng và bạo lực và những đứa trẻ bị từ chối quyền được sinh ra”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói, “Giữa nỗi đau của chiến tranh, cũng có những dấu hiệu đáng khích lệ, chẳng hạn như cánh cửa rộng mở của tất cả các gia đình và các cộng đồng đang chào đón những người di cư và tị nạn trên khắp châu Âu”. Đức Thánh Cha cầu nguyện để “rất nhiều những hành động từ thiện bác ái này” có thể “trở thành một phước lành cho các xã hội của chúng ta, đôi khi bị hạ thấp giá trị bởi tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân, và giúp họ chào đón tất cả mọi người”.

Sau đó, nhắc lại nhiều cuộc xung đột ở các quốc gia trên thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chớ gì cuộc xung đột ở châu Âu cũng khiến chúng ta quan tâm hơn đến các tình huống xung đột khác, sự đau đớn và khốn khổ, những tình huống ảnh hưởng đến rất nhiều khu vực trên thế giới của chúng ta, những tình huống mà chúng ta không thể bỏ qua và không muốn quên đi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin Chúa Kitô Phục sinh ban hòa bình cho Trung Đông, “bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột và chia rẽ”. Đức Thánh Cha đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình tại Giêrusalem, nơi đã xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực trong những ngày gần đây và cho hòa bình giữa các Kitô hữu, giữa người Do Thái và người Hồi giáo cũng như chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa người Israel và người Palestine.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải ở Lebanon, Syria và Iraq, và “cho tất cả các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông”. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho hòa bình và ổn định ở Libya và cho Yemen, “quốc gia đang hứng chịu một cuộc xung đột bị mọi người lãng quên với các nạn nhân liên tiếp” và đồng thời bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn được ký kết trong những ngày gần đây có thể mang lại hòa bình cho người dân của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người cầu nguyện với Chúa Giêsu Phục Sinh “ban món quà hòa giải cho Myanmar, nơi mà viễn cảnh đầy kịch tính của sự hận thù và bạo lực vẫn còn tồn tại, và cho Afghanistan, nơi những căng thẳng xã hội nguy cấp hiện vẫn chưa nguôi ngoai và một cuộc khủng hoảng nhân đạo bi thảm đang mang lại đau khổ nghiêm trọng cho người dân nước này”.

Sau đó, hướng đến châu Phi, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình ở lục địa đó, “để tình trạng bóc lột mà nó phải gánh chịu và sự đổ máu do các cuộc tấn công khủng bố – đặc biệt là ở vùng Sahel – có thể chấm dứt”. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho “tinh thần đối thoại và hòa giải” mới ở Ethiopia, “bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”, và “chấm dứt bạo lực” ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Đức Thánh Cha kêu gọi tinh thần liên đới với những người sống ở miền đông Nam Phi, nơi bị lũ lụt tàn phá.

Vị Giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên cũng cầu nguyện để Chúa Kitô Phục sinh có thể “đồng hành và trợ giúp người dân Châu Mỹ Latinh, những người trong một số trường hợp đã nhận thấy các điều kiện xã hội của họ xấu đi trong những thời điểm khó khăn của đại dịch, trầm trọng hơn cũng như các trường hợp tội phạm, bạo lực, tham nhũng, và buôn bán ma túy”.

Vào tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các phái đoàn đến từ các dân tộc bản địa của Canada và hứa sẽ đến thăm họ vào tháng 7. Hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cầu nguyện để Chúa Phục sinh “có thể đồng hành với hành trình hòa giải mà Giáo hội Công giáo ở Canada đang thực hiện với các dân tộc bản địa” và “có thể chữa lành những vết thương của quá khứ cũng như làm cho mọi quả tim trở nên luôn sẵn sàng tìm kiếm chân lý và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Sứ điệp Phục sinh của ngài gửi toàn thể thế giới bằng những lời này: “Anh chị em thân mến, mọi cuộc chiến đều mang lại những hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến toàn thể gia đình nhân loại: từ sự đau thương và tang tóc cho đến thảm kịch của những người tị nạn, và cuộc khủng hoảng kinh tế và lương thực, những dấu hiệu mà chúng ta đã chứng kiến. Đối mặt với những dấu hiệu tiếp diễn của chiến tranh, cũng như nhiều thất bại đau đớn trong cuộc sống, Chúa Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi, sự sợ hãi và cái chết, thúc giục chúng ta đừng đầu hàng sự dữ và bạo lực”.

“Chớ gì chúng ta được chiến thắng bởi sự bình an của Đức Kitô! Hòa bình là điều khả thi; hòa bình là một nhiệm vụ; hòa bình là trách nhiệm quan trọng của mọi người!”.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết